Để trở lại trong đầu năm 2023, Ban Tổ chức Lễ Hội Xuân Yên Tử đã chủ động chuẩn bị từ sớm, lên phương án đón khách đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, Ban Trị sự GHPG tỉnh đã tiến hành dát vàng lại bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại khu vực An Kỳ Sinh.
Nhiều tuyến đường hành hương, hệ thống biển báo giới thiệu cũng được cải tạo, chỉnh trang lại. Cùng với hệ thống cờ hoa, con đường hoa khoe sắc ngay từ Dốc Đỏ vào tới chân núi Yên Tử, tạo không khí xuân tươi mới, rực rỡ chào đón du khách bốn phương, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị và quảng bá hình ảnh của Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử.
Bên cạnh đó, để phục vụ chu đáo nhu cầu du khách, Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm tiếp tục tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm phong phú và diễn ra trên một không gian rộng, như các trò chơi dân gian tại khu làng Nương Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm Yên Tử.
Sáng ngày khai hội trong thời tiết nắng xuân đẹp, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã tập trung về Yên Tử để dự lễ khai hội. Tại đây, các đại biểu, nhân dân và du khách đã cùng ôn lại cuộc đời và công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông và tham gia vào các nghi lễ chính như gióng trống, thỉnh chuông, lễ Cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử,…
Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội năm nay còn mang đến cho du khách không khí xuân mới, vui tươi, phấn khởi với nhiều hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc như: Đêm Hội hoa đăng, cầu nguyện Quốc thái dân an; Biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; Tổ chức các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử, về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử; Văn hoá Ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử.
Ngô Quảng