Tham dự kỳ họp có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND tỉnh - UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các đại biểu khách mời: Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XV Đoàn Quảng Ninh dự và phát biểu tại phiên khai mạc; một số đại biểu Quốc hội khóa XV ứng cử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; đại diện lãnh đạo một số cơ quan thuộc các Bộ, ban, ngành Trung ương; Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo các cơ quan tư pháp, các sở, ban, ngành của tỉnh, Thường trực cấp ủy, HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, lãnh đạo cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; lãnh đạo, phóng viên một số cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, của Tỉnh.
HĐND tỉnh đã thảo luận và thống nhất cao với đánh giá, nhận định về những kết quả đạt được trong năm 2022 và liên tục 03 năm 2020 - 2022 trước những thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là một trong những địa phương điển hình về chủ động phòng, chống, kiểm soát hoàn toàn dịch COVID-19, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực hiện thành công“mục tiêu kép”; kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng của tỉnh công nghiệp, dịch vụ hiện đại, giữ vững đà tăng trưởng 02 con số trong 07 năm liên tiếp (2016 - 2022), hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường đề ra; GRDP năm 2022 ước đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt trên 55.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được chăm lo bảo đảm bằng những chương trình, đề án cụ thể khả thi, ưu tiên bố trí nguồn lực lớn, chỉ đạo điều hành quyết liệt, trọng tâm là khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc; đến hết năm 2022 100% địa phương cấp xã, cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, để chuyển sang giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa có chiều sâu, hiệu quả và bền vững vì chất lượng đời sống nhân dân.
Đồng thời, HĐND tỉnh nhất trí với nhận định, đánh giá những hạn chế, yếu kém trong các báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, đồng thời nhấn mạnh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt ở mức cao trên hai con số trong 7 năm liên tiếp, song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo chưa có nhiều đột phá; các khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thực sự trở thành động lực tăng trưởng. Chậm đổi mới công tác xúc tiến thu hút đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả thấp, phát triển doanh nghiệp chưa bền vững, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Còn chậm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trọng điểm, động lực (cả trong và ngoài ngân sách) đang chậm tiến độ. Chất lượng một số chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở một số nơi chưa thật vững chắc, tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn còn chậm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực có mặt còn hạn chế, xuất hiện tâm lý đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai,…
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng các báo cáo, dự thảo Nghị quyết theo luật định của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh: (8 báo cáo; 05 dự thảo nghị quyết), Ủy ban nhân dân tỉnh (07 báo cáo, 16 dự thảo nghị quyết); 22 báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đồng thuận cao biểu quyết thông qua 16 nghị quyết về cơ chế, chính sách, biện pháp điều hành là những quyết sách rất quan trọng và rất cần thiết tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 - năm bản lề có ý nghĩa quyết định hoàn thành mục tiêu các năm tiếp theo của cả giai đoạn 2021 – 2025.
Thực hiện quyền giám sát theo quy định của pháp luật, HĐND tỉnh đã xem xét báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; các báo cáo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022; thảo luận Báo cáo và thông qua Nghị quyết HĐND tỉnh về kết quả một số cuộc giám sát quan trọng của HĐND tỉnh; dành thời gian thỏa đáng cho các phiên thảo luận với 75 lượt ý kiến (trong đó có 55 lượt ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh) các đại biểu đã tập trung trí tuệ, trách nhiệm, thẳng thắn tham gia, thảo luận vào các nhóm vấn đề trọng tâm, định vị rõ những khó khăn, tồn tại, các kế hoạch tăng trưởng, phát triển của tỉnh để từ đó đưa ra các giải pháp điều hành hiệu quả
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được đổi mới theo hình thức hỏi nhanh - đáp gọn, đi thẳng vào vấn đề và có tranh luận, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của người đứng đầu trong chấp hành pháp luật. Trên cơ sở 14 nhóm nội dung đề nghị chất vấn của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tọa kỳ họp đã lựa chọn 04 nhóm vấn đề được dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm để thực hiện chất vấn trực tiếp: (1) Giải pháp sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường; (2) Thực trạng, giải pháp thu hút vốn FDI; (3) Cải thiện tình trạng sử dụng nước sinh hoạt của dân cư, đặc biệt là dân cư vùng miền núi, hải đảo, vùng bị nhiễm mặn; (4) Tình hình và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đã có 15 lượt ý kiến chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đối với 06 ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin - Truyền thông và giám đốc 03 đơn vị: Ban quản lý Khu Kinh tế; Ban xúc tiến đầu tư; Công ty cổ phần nước sạch. Căn cứ nội dung trả lời chất vấn và cam kết của người đứng đầu các sở, ngành, Chủ tọa Kỳ họp đã kết luận rõ ràng trách nhiệm của của từng tập thể, cá nhân, quy định thời gian để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, giải quyết những vấn đề bất cập được đại biểu quan tâm. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
Căn cứ báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận, báo cáo giải trình của Đồng chí quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thống nhất biểu quyết thông qua 23 nghị quyết với sự tán thành của 100% đại biểu dự họp.
(1) Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Với chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân” Nghị quyết đã đề ra 10 nhóm giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả 12 chi tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội và môi trường: (1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt trên 10%. (2) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt 54.000 tỷ đồng, trong đó thu xuất nhập khẩu đạt 12.000 tỷ đồng, thu nội địa đạt 42.000 tỷ đồng. (3) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1,0 tỷ USD vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp. (4) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 11%. (5) Tỷ lệ đô thị hóa đạt 69%. (6) Giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI. (7) Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 86,46%; tạo ra ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 45,67%; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp so với lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 39%. (8) Đạt 55 giường bệnh/1 vạn dân; 15 bác sỹ/1 vạn dân; 2,7 dược sỹ đại học/1 vạn dân; trên 24 điều dưỡng/1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số. (9) Phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo; xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh. (10) Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9% (trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-01-1;2018/BYT đạt trên 70%). (11) Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 97,3%. (12) Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% và nâng cao chất lượng rừng.
(2-3) Các nghị quyết về tài chính, thu - chi ngân sách nhà nước: (1) Nghị quyết về phê chuẩn tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và quyết toán chi ngân sách địa phương năm 2021. (2) Nghị quyết về dự toán thu chi NSNN, chi NSĐP, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2023.
HDND tỉnh đã phê chuẩn tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2021: Tổng thu NSNN trên địa bàn: 63.753.562 triệu đồng; Tổng thu NSĐP trên địa bàn: 45.895.500 triệu đồng; Tổng chi NSĐP: 43.481.572 triệu đồng; Tổng kết dư NSĐP: 2.413.928 triệu đồng. Đồng thời thông qua dự toán ngân sách nhà nước; phân bổ chi tiết dự toán ngân sách cấp tỉnh và thống nhất cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2023 đảm bảo chấp hành nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý tài chính - ngân sách; đảm bảo công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm”; kết hợp đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách nhà nước, đầu tư công với công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công ở tất cả các cấp ngân sách; bảo đảm khả năng cân đối vững chắc của ngân sách địa phương.
(4-7) Các Nghị quyết nhằm đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược
(4) Nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công. Nghị quyết thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư về gia hạn thời gian thực hiện đối với 13 dự án có sử dụng vốn ngân sách thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh tại khoản 1 Điều 34 Luật Đầu tư công năm 2019. Các dự án được điều chỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và có các giải pháp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách trong việc cấp mỏ khai thác đất đắp và mua sắm trang thiết bị để thực hiện hoàn thành dứt điểm các dự án, tránh tình trạng phải kéo dài thêm thời gian, giảm hiệu quả của nguồn lực và công trình, dự án đầu tư.
(5) Nghị quyết về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh: (i1) Hỗ trợ trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định bằng 240.000 đồng/trẻ/tháng theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học; (i2) Hỗ trợ giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh ở địa bàn có khu công nghiệp trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp và bảo đảm những điều kiện theo quy định bằng 1.200.000 đồng/tháng/người theo số tháng dạy thực tế trong năm học; (i3) Hỗ trợ 100% kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên y tế đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh;
(i4) Hỗ trợ lãi suất vay thương mại đối với nhà đầu tư có dự án đầu tư xây dựng mới nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục phù hợp với quy hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở vật chất từ mức độ 1 trở lên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với hạn mức vay được hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa 6%/năm/số dư nợ thực tế; hạn mức vay được hỗ trợ theo thực tế nhưng không quá 10 tỷ đồng/trường.trong thời gian không quá 05 năm, tính từ ngày bắt đầu vay vốn theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại.
(6) Nghị quyết quy định nội dung, mức chi tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục của tỉnh Quảng Ninh: Quy định mức chi tiền công cho thành viên thực hiện nhiệm vụ tại các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, thi chọn học sinh giỏi cấp huyện/tỉnh/quốc gia, thi nghề phổ thông và quy định nội dung, mức chi để chuẩn bị, tổ chức, tham dự các cuộc thi, hội thi trên địa bàn tỉnh và các kỳ thi, cuộc thi, hội thi khác có cùng phạm vi, tính chất được tổ chức theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
(7) Nghị quyết về chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực Y tế tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 – 2025. Quy định chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trong các cơ quan Đảng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Ninh và hcính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức là giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ; viên chức là bác sĩ đang làm việc trong các lĩnh vực Y khoa, Y học dự phòng tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
(8-10) Cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, HĐND tỉnh xem xét, thông qua:
(8) Nghị quyết Quy định về cơ chế quản lý, nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước, tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 – 2025: Quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguồn lực thực hiện chương trình, các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn bổ sung có mục tiêu cho các địa phương, tỷ lệ đối ứng ngân sách cấp huyện nhận hỗ trợ, cơ chế lồng ghép, huy động nguồn vốn thực hiện. Nghị quyết bổ sung rõ các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các địa phương và trách nhiệm bố trí vốn đối ứng của các địa phương đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan cân đối hài hòa giữa các lĩnh vực nhằm hoàn thành các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ, đề án, thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. Đồng thời quy định các điều khoản về xử lý chuyển tiếp; tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 19 tháng 12 năm 2022 và thay thế Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13 tháng 11 năm 2021 và Nghị quyết số 96/NQ-HĐND ngày 31 tháng 5 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
(9) Nghị quyết về việc thông qua chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025. HĐND tỉnh thống nhất đề ra 5 nhóm giải pháp để đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022 – 2025 đã được thông qua như chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh (Năm 2022, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt > 95,00%; Năm 2023, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt ≥ 95,25%; Năm 2024, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt ≥ 95,50%; Năm 2025, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt ≥ 95,75 % ) và các chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế của các huyện, thị xã, thành phố.
(10) Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh: Nghị quyết sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND gồm: (i1) Sửa đổi, bổ sung nâng mức trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo (i2) nâng mức trợ cấp trong cơ sở trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội (i3) Sửa đổi, duy trì đối tượng được hưởng trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi đang hưởng chính sách theo NQ 21, hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em (i4) Bổ sung đối tượng hưởng trợ cấp xã hội đối với người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng khác và chưa được hưởng trợ cấp có hoàn cảnh khó khăn được UBND xã xác nhận; đối tượng người từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi không có vợ hoặc chồng không có con, không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp XH hàng tháng khác và có hoàn cảnh khó khăn được UBND xã xác nhận. Nghị quyết nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, bảo đảm các nhóm đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo chính sách của Tỉnh tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, bổ sung nhóm đối tượng khó khăn chưa được hưởng chính sách theo quy định.
(11-14) Các nghị quyết nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất:
(11) Nghị quyết về thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh đợt 4 năm 2022; Điều chỉnh diện tích dự án, diện tích thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, diện tích quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với một số dự án, công trình; Hủy bỏ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết đã thông qua danh mục 48 dự án, công trình thu hồi đất theo khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với tổng diện tích cần thu hồi là 207,51ha; 04 dự án, công trình có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất theo Điều 58 Luật Đất đai năm 2013 với diện tích đất lúa là 3,94ha, diện tích đất rừng phòng hộ là 2,35ha và 09 dự án, công trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp năm 2017 với 76,274ha rừng sản xuất là rừng trồng và 5,96ha rừng phòng hộ là rừng trồng. Điều chỉnh diện tích dự án, diện tích các loại đất thu hồi đối với 07 dự án; diện tích chuyển mục đích sử dụng đất đối với 01 dự án; diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 01 dự án và hủy bỏ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 01 dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, do các dự án được điều chỉnh quy hoạch.
(12) Nghị quyết về hủy bỏ danh mục các dự án, công trình chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nhưng quá 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất, chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất Nghị quyết đã thông qua hủy bỏ danh mục 15 dự án, công trình chuyển mục đích sử dụng đất và 21 dự án, công trình thu hồi đất đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nhưng quá 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất, chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất, chưa triển khai thực hiện để đảm bảo theo đúng các quy định của luật đất đai năm 2013
(13) Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 225/2019/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc thông qua Bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2024 . (i1) Bổ sung mới 120 vị trí giá đất tại 09 huyện, thị xã, thành phố: Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cô Tô, Quảng Yên, Hạ Long, Uông Bí và Móng Cái do một số khu quy hoạch đô thị, dân cư, tuyến đường mới đầu tư tại các địa phương đã hoàn thành; (i2) Điều chỉnh mức giá đất tại 07 vị trí tại huyện Vân Đồn; 3) Sửa đổi tên 60 vị trí giá đất giữ nguyên mức giá đất tại 06 huyện, thị xã, thành phố: Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cô Tô, Quảng Yên và Hạ Long và 4) Hủy bỏ 12 vị trí giá đất hiện có tại các huyện, thị xã: Vân Đồn và Quảng Yên để phù hợp với thực tế.
(14) Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 27/2016/NQ-HĐND ngày 27 tháng 7 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh quy định về khung giá rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh do các căn cứ xây dựng nghị quyết đến nay đã hết hiệu lực thi hành.
(15) Nghị quyết về việc thông qua biên chế khối Đảng, đoàn thể; quyết định giao biên chế công chức; phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Quảng Ninh năm 2023. HĐND tỉnh thông qua Tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh: 2.422. Tổng số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh: 23.970. Định biên cho các hội có tính chất đặc thù: 81.
(16) Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ các tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Xay Nhạ Bu Ly nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2022-2026 quy định mức hỗ trợ thêm sinh hoạt phí được áp dụng cho lưu học sinh Lào học tại các trường đại học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2026, cụ thể: Hỗ trợ thêm sinh hoạt phí: Mức hỗ trợ thêm sinh hoạt phí được áp dụng cho lưu học sinh Lào đang học tập và nhập học từ năm 2022 đến hết năm 2026 tại các trường đại học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Thời gian hỗ trợ: Tối đa 10 tháng/khóa học đối với lưu học sinh Lào học tiếng Việt và 04 năm/khóa học đối với lưu học sinh Lào đào tạo dài hạn hệ đại học; Không áp dụng cho lưu học sinh Lào phải kéo dài thời gian học tập do không hoàn thành chương trình học trong thời gian quy định.
Ngoài ra, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua một số nghị quyết khác như Nghị quyết về Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh năm 2023; Nghị quyết về kết quả giám sát của HĐND tỉnh về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh; Nghị quyết về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và việc thực hiện Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 09/7/2022 của HĐND tỉnh; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2021.
Thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền đảm bảo minh bạch, dân chủ, khách quan theo đúng quy định của pháp luật, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện quy trình cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh đối với đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (do chuyển công tác) và miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Phạm Văn Thành đảm bảo minh bạch, dân chủ, khách quan theo đúng quy định của pháp luật.
Ngô Quảng