Cụ thể, trong quý I/2024, Sabeco ghi nhận doanh thu 7.183,5 tỷ đồng, tăng 15,6%; lợi nhuận sau thuế 1.023,7 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 22,4% kế hoạch năm. Trong đó, với việc dòng tiền kinh doanh tiếp tục tạo ra thêm 376,5 tỷ đồng, tính tới cuối quý I/2024, Sabeco vẫn sở hữu quỹ tiền mặt lên tới 21.415,6 tỷ đồng, chiếm 66,6% tổng tài sản.
Định giá được Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) đề cập trong Báo cáo phân tích cổ phiếu SAB của Công ty cổ phần Bia - Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), sau kết quả kinh doanh quý I/2024.
Quý I/2024, doanh thu của SAB tăng truởng trở lại sau 4 quý thu hẹp liên tiếp, đạt hơn 7.243 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của Công ty giảm xuống 29% so với con số cùng kỳ là 30,7% khiến lợi nhuận gộp chỉ tăng 9,7%, lên 2.100 tỷ đồng.
Do lãi suất giảm, thu nhập từ hoạt động tài chính trong quý đầu năm giảm 22,2%, xuống 278,6 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế quý I lần lượt đạt gần 1.303 tỷ đồng, tăng 4% và 1.024 tỷ đồng, tăng 1,9%.
Năm 2024, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu 34.397 tỷ đồng, tăng trưởng 12,9%; lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.580 tỷ đồng, tăng 7,6% so với thực hiện trong năm 2023.
Sabeco đặt mục tiêu giữ vững thị trường trong nước, vươn tầm thị trường quốc tế; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và cho ra đời các dòng sản phẩm mới; áp dụng số hóa 4.0 trong công tác quản trị và kinh doanh cho toàn bộ hệ thống.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tập trung cải cách để tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí hoạt động nhằm tăng năng suất; tập trung phát triển kênh thương mại hiện đại, kênh bán hàng trực tuyến, kênh tiêu thụ mang đi và tại chỗ theo xu hướng toàn cầu; xây dựng hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời nhằm cải thiện việc cung cấp điện theo hướng tiết kiệm chi phí và mang tính hiệu quả cao.
Nhận định về thị trường bia, Sabeco cho biết, những khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan như Luật phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100, người dân thắt chặt chi tiêu với việc thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn đối với thiết kế bao bì, chất lượng… cùng với áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Tuy nhiên, Sabeco vẫn kỳ vọng năm 2024 tiếp tục mang đến các cơ hội “vàng” cho ngành Bia Việt Nam như cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh; tiềm năng lớn của phân khúc “bia không cồn”; và tiềm năng về thị trường xuất khẩu.
Dựa trên các cơ hội và thách thức, Sabeco lên kế hoạch kinh doanh trong năm 2024 bao gồm tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu và các hoạt động phát triển thị trường, bao gồm xây dựng chiến lược thương hiệu, sản phẩm và phân phối, tiêu thụ phù hợp với xu hướng tiêu dùng, song song với việc cấu trúc toàn diện hệ thống phân phối theo hướng chuyên nghiệp, gia tăng hiệu quả và hỗ trợ hiệu quả cho việc kiểm soát theo kênh và phân khúc sản phẩm.
Với khát khao không chỉ khẳng định thương hiệu Sabeco tại Việt Nam, mà còn vươn tầm ra thế giới, Ban Điều hành mới đã từng bước đưa ra nhiều giải pháp, từ phát triển thương hiệu, đến cải thiện chất lượng và độ tươi mới của sản phẩm, đồng thời tiến hành thực hiện các dự án đồng bộ, tiết kiệm chi phí, nâng cao kỹ năng chuyên môn của nhân viên và đẩy mạnh các chiến lược phân phối sản phẩm.
Tầm nhìn của Sabeco là phát triển thành tập đoàn công nghiệp đồ uống hàng đầu của Việt Nam, có vị thế trong khu vực và quốc tế.
Tiến Hoàng