Vừa qua, nhiều ngân hàng đã cùng thông báo về việc dừng hoặc hạn chế cho vay bất động sản. Trong tháng 4, số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cũng cho thấy không có đợt huy động vốn nào của doanh nghiệp bất động sản. Diễn biến này đối lập hoàn toàn với tháng 3 khi doanh nghiệp nhóm này chiếm gần một nửa tổng huy động vốn qua kênh trái phiếu.
Việc siết lại tín dụng bất động sản là cần thiết, điều này nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, số ảo, giúp thị trường trở nên minh bạch, tránh xảy ra bong bóng. Thực tế, thời gian qua thị trường địa ốc đã tăng nóng khi đa số các nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính.
Tuy nhiên, nếu việc siết tín dụng bất động sản không hợp lý sẽ đối diện nguy cơ thiếu vốn do tác động kép từ Covid-19 và các quy định siết chặt huy động vốn như vậy. Trong khi đó, bất động sản là kênh có đóng góp lên đến 14% GDP cho nền kinh tế giai đoạn 2019 – 2021.
Với tốc độ đô thị hóa hiện nay ở Hà Nội và TP. HCM thì mỗi năm ít nhất sẽ cần 70.000 căn hộ ở từng thành phố. Trong khi đó, xét về mức độ giao dịch, theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì chỉ có mấy nghìn giao dịch, như vậy rất là ít, không thể so sánh với nhu cầu hàng năm cần có.
Theo các chuyện gia bất động sản, thì cần hoàn thiện chính sách tín dụng đối với thị trường bất động sản, trong đó phân biệt rõ hơn bất động sản phục vụ nhu cầu thiết yếu và không thiết yếu để ưu tiên tập trung nguồn vốn phát triển.
Ngoài ra, nên cân nhắc xem xét lùi lộ trình tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để sử dụng cho vay trung, dài hạn, tạo điều kiện để khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch. Tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kính tế.
Cần đẩy mạnh việc cho vay tín dụng với các dự án căn hộ chung cư bình dân, căn hộ chung cư trung cấp, chính sách tín dụng ưu đãi với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để đáp ứng nhu cầu đô thị hóa, nhu cầu thu hút lực lượng lao động cho các khu công nghiệp, các khu kinh tế trọng điểm, là đầu tàu phát triển của các vùng và của cả nền kinh tế.
Đồng thời, đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, có khả năng tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, sớm có sản phẩm bất động sản đưa ra thị trường trong một thời gian phù hợp; quan tâm cung cấp vốn tín dụng cho các dự án đang trong quá trình thực thi và chuẩn bị đưa sản phẩm bất động sản cung cấp cho thị trường. Đây là điều cần thiết và quan trọng, vì nếu nguồn cung không đáp ứng được sự tăng lên của nhu cầu sẽ đẩy giá bất động sản tăng và tạo ra rất nhiều hệ lụy. Như vậy, vẫn cần cung cấp nguồn vốn vay cho thị trường bất động sản, nhưng cần có sự chọn lọc phù hợp.
Cần cung cấp vốn vay cho những người có nhu cầu mua nhà thực để ở, đặc biệt là người mua nhà lần đầu. Điều này không hề trái với mong muốn thanh lọc thị trường bất động sản, giảm bớt nhà đầu cơ, người kinh doanh chộp giật, chỉ còn người có nhu cầu thực, cần vốn tín dụng thực.