Sôi nổi các hoạt động trong Lễ hội Đền Bạch Mã tại Nghệ An

Sau 2 năm do điều kiện dịch bệnh phức tạp, năm nay Lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú. Đền Bạch Mã là 1 trong 4 ngôi đền linh thiêng nhất xứ Nghệ.

Lễ hội Đền Bạch Mã tại Nghệ An
Lễ hội Đền Bạch Mã tại Nghệ An

Sáng 28/2 (tức mùng 9/2 âm lịch), tại đền Bạch Mã (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đã tổ chức lễ hội với nhiều nghi thức và nhiều trò chơi dân gian. Lễ hội đã thu hút hàng vạn người trong và ngoài địa bàn về tham dự.

Ngoài các nghi thức cúng tế, rước lễ, tại lễ hội đền Bạch Mã đã diễn ra nhiều trò chơi dân gian thu hút người dân về theo dõi như: Vật cù, kéo co, bóng chuyền, đập niêu...

Lễ hội đền Bạch Mã đã diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian.
Lễ hội đền Bạch Mã đã diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian.

Đền Bạch Mã thờ vị anh hùng Phan Đà, là người thôn Chí Linh, xã Võ Liệt. Phan Đà xuất thân trong một gia đình làm nghề chài lưới ở ven dòng sông Lam. Ông sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, tuổi trẻ Ông là một người thông minh nhanh nhẹn được bạn bè mến phục. Đất nước gặp họa ngoại xâm, năm 1424 Ông đã gia nhập nghĩa quân Lê Lợi chịu trách nhiệm trong việc móc nối, dò la tin tức và chặn đánh các mũi tiến công của địch, Ông lập nhiều chiến công lớn được Bình Định vương Lê Lợi khen là kỳ đồng (tuổi trẻ có tài kỳ lạ). Trong 1 lần đi dò la tin tức của địch, ông đã bị phát hiện và bị đánh trọng thương, khi về đến căn cứ thì Ông đã trút hơi thở cuối cùng.

Theo sử cũ, Phan Đà đã nhiều lần linh ứng để cứu giúp nhân dân tai qua nạn khỏi, dịch bệnh và phù trợ cho các triều đại phong kiến đánh thắng được kẻ thù. Để tưởng nhớ vị tướng trẻ tài ba và dũng mãnh, sau thắng lợi kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi đã cho xây dựng đền đài để làm nơi thờ cúng và phong sắc Đô Thiên Đại Đế Bạch Mã Thượng Đẳng Phúc Thần và cúng tế hàng năm.

Đền gồm có tam quan, nghi môn, tả hữu vu, hạ, trung, thượng điện với kiến trúc độc đáo, điêu khắc tinh xảo, là một trong 4 ngôi đền đẹp, linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ "Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng".

Lễ hội Đền Bạch Mã thường tổ chức vào ngày 13 tháng Sáu âm lịch.
Lễ hội Đền Bạch Mã thường tổ chức vào ngày 13 tháng Sáu âm lịch.

Đền Bạch Mã cũng là nơi ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn với các sự kiện chinh phục phương Nam của nhiều triều đại phong kiến, nhiều bậc vua chúa đã từng đến dâng hương và lưu trú tại đền.

Tối 28/2, huyện Thanh Chương (Nghệ An) long trọng tổ chức khai hội Đền Bạch Mã, công bố quyết định công nhận Lễ hội Đền Bạch Mã là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2969/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019.

Tại buổi lễ, ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trao quyết định chứng nhận Lễ hội Đền Bạch Mã là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hoài Thanh – Diễm Phước