Những năm gần đây, Mường La thu hút du khách đến với công trình thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á đang hiện hữu. Với công suất 2.400MW, diện tích hồ chứa 224 km2 dung tích 9,26 tỉ m3 nước, sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỉ kwh… Tầm vóc ấy, thủy điện Sơn La là niềm tự hào của Mường La và của mỗi người dân Việt Nam. Ngoài thủy điện Sơn La, Mường La còn là nơi hội tụ của hơn 20 công trình thủy điện lớn nhỏ trên các dòng suối Chiến, Nậm Mu… Nhờ có công nghiệp thủy điện phát triển, những con đường lớn được mở, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, dịch vụ phát triển. Từ năm 2005 đến nay, hàng năm có khoảng trên 10 vạn khách tham quan công trình thuỷ điện Sơn La và các điểm du lịch trên tuyến sinh thái cộng đồng thành phố Sơn La – thị trấn Ít Ong – Ngọc Chiến
Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, vùng lòng hồ thủy điện Sơn La được xác định là một trong bảy khu du lịch trọng điểm. Năm 2014, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã phê duyệt 15 dự án quy hoạch, trong đó, 12 dự án lĩnh vực nông, lâm nghiệp thủy sản; 1 dự án lĩnh vực du lịch; 1 dự án lĩnh vực giao thông vận tải; 1 dự án lĩnh vực công nghiệp, thương mại.
Cùng với tiềm năng du lịch thủy điện, du thuyền trên lòng hồ sông Đà, Mường La còn là nơi chứa đựng nhiều bí ẩn từ các di tích lịch sử Đồn Pom Páp (thị trấn Ít Ong), Đồn Mường Chiến (Ngọc Chiến), di tích khảo cổ học hang Co Noong (thị trấn Ít Ong), hang Hua Bó (Mường Bú); lũng Đán Lanh, xã Mường Chùm là nơi thành lập Chi bộ Đảng, đầu tiên của huyện Mường La. Các khu du lịch sinh thái như: Vườn cây cao su tổ Phiêng Tìn, suối nước nóng bản Ít (thị trấn Ít Ong), bản Lướt (Ngọc Chiến); du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc Thái có các lễ hội văn hoá truyền thống như: Lễ hạn Khuống, lễ hội Khắp Then, lễ hội Mừng cơm mới… Đây chính là cơ sở, điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ- du lịch.
Về với Mường La, du khách còn có thể tận hưởng khí hậu mát mẻ của vùng cao Tây Bắc, cùng hòa mình trong dòng suối nóng của bản Lướt (Ngọc Chiến). Tối đến, trong những nếp nhà sàn truyền thống bằng gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi, du khách có thể thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn như măng lay, cá nướng, xôi nếp tan thơm dẻo trên cánh đồng Mường Chiến, cùng nhau theo vòng quay của điệu xòe, ngây ngất trong men rượu sơn tra thơm ngọt và thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của những cô gái Thái. Du khách cũng có thể cùng sống, sinh hoạt trong các gia đình để tìm hiểu những phong tục tập quán của người dân nơi đây và để được một lần là “người dân tộc Thái” thực thụ.
Để du lịch Mường La phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, Mường La đang đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư xâu dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Trong đó, việc khai thác tiềm năng du lịch được huyện xác định rõ, phát triển du lịch phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh. Mường La nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Sơn La- Mường La- Mai Sơn. Việc đầu tư xây dựng các khu du lịch, bảo vệ tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá và phát triển các lễ hội truyền thống, đầu tư phát triển hệ thống nhà nghỉ, khách sạn và các công trình dịch vụ du lịch. Khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh về khí hậu, cảnh quan, văn hóa dân tộc để phát triển nhanh du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đặc biệt, muốn phát triển du lịch bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Thực hiện tốt việc kêu gọi đầu tư, Tăng cường thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong tỉnh và cả nước, các chủ thể địa lý hành chính, các chủ thể quyền sử dụng đất, tài nguyên du lịch được trực tiếp hoặc cùng phối hợp khai thác, đầu tư, kinh doanh du lịch không giới hạn ở các ngành, nghề chuyên môn. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển, kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng là nhiệm vụ quan trọng…
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng, việc đầu tư, phát triển mạnh du lịch theo quy hoạch tổng thế, phát huy truyền thống, giữ gìn nét văn hóa bản sắc các dân tộc sẽ giúp Mường La tiến nhanh trên con đường phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Hiện nay, hệ thống giao thông từ Mường La đi Than Uyên (Lai Châu), Nghĩa Lộ (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai) khá thuận lợi. Đây cũng là lợi thế để các tỉnh vùng Tây Bắc nói chung kết nối du lịch liên vùng; cũng như cho Mường La chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững; giúp đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, phấn đấu đến năm 2025 thoát nghèo như mục tiêu huyện đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025./.
Phi Long - Thanh Phong