Thực hiện Thông báo số 41/TB-TTHĐND ngày 15/5/2023 của Thường trực HĐND huyện Mộc Châu về kết quả Hội nghị trao đổi thống nhất về nội dung, thời gian, địa điểm tổ chức Kỳ họp thứ bảy HĐND huyện khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, UBND huyện đã đạt được kết quả đáng mừng phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, về trồng trọt trên địa bàn huyện có tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 28.851 ha, trong đó diện tích ngô lấy hạt đạt 7.166 ha, sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân đạt 4.451 ha; tiếp tục tập trung chăm sóc, thâm canh 2.121 ha chè hiện có (trong đó có 1.980 ha cho sản phẩm), sản lượng chè búp tươi đạt 8.950 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 32,5% kế hoạch. Tổng diện tích cây ăn quả hiện có 10.500 ha, tăng 2,6% so với cùng kỳ, trong đó diện tích trồng mới 6 tháng đầu năm ước đạt 184 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 6.443 ha, sản lượng quả tươi ước đạt 34.250 tấn, đạt 48,9% kế hoạch.
Về công tác chăn nuôi huyện Mộc Châu đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện không phát sinh dịch bệnh, đàn gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển khá. Tổng đàn trâu, bò đạt 49.258 con, trong đó có 24.850 con bò sữa; đàn gia cầm đạt tren 620 nghìn con, tăng 0,6% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi các loại đạt 3.730 tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng sữa tươi đạt trên 40.237 tấn; tiếp tục định hướng phát triển vùng nguyên liệu và liên kết trồng cây ngô làm thức ăn ủ ướp cho bò sữa, kết quả trồng được 650 ha cỏ và 827 ha ngô ủ ướp, bằng 66,7% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 33.080 tấn.
Tiếp tục, rà soát, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng Nghị quyết số 57/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đến nay, đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức Hội nghị để hướng dẫn, triển khai thực hiện trên địa bàn huyện. Nuôi trồng thủy sản tổng diện tích nuôi đạt 123 ha; toàn huyện có 309 lồng cá đang nuôi trồng, tổng thể tích nuôi trồng đạt 16.686 m3. Sản lượng nuôi trồng, khai thác đạt 229 tấn, trong đó nuôi trồng 199 tấn, khai thác 30 tấn.
Trong đó, sản xuất lâm nghiệp tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội hóa thực hiện công tác trồng rừng theo kế hoạch. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào trồng cây phân tán; tổ chức phát động trồng cây nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc Qúy Mão năm 2023, dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả đến nay đã trồng được 22.620 cây, bằng 75,4%. Tiếp tục tăng cường quản lý, tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô niên vụ 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2023 phát hiện, xử lý 26 vụ vi phạm về Luật Bảo vệ và phát triển rừng; tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 2,003 ha; xử phạt hành chính 309,95 triệu đồng đã nộp ngân sách Nhà nước 100%; tang vật tịch thu 1,719m3 gỗ các loại; 620 kg than hầm.
Về công tác khuyến nông, xây dựng mô hình và công tác khác chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân sản xuất đúng mùa vụ, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Trong 6 tháng đầu năm, đã tổ chức 187 lượt kỳ điều tra, phát hiện 126,5ha cây trồng bị nhiễm sinh vật gây hại. UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, thị trấn hướng dãn, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phòng trừ sâu bệnh cho nhân dân. Đến nay diện tích phòng trừ 113,5 lượt ha.
Công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển nông nghiệp được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Thực hiện chuyển đổi, trồng mới 184 ha cây lương thực trên đất dốc sang trồng cây ăn quả bằng 36,8% kế hoạch đề ra; 293 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm cho 481,5 ha, 45,95 ha nhà kính, nhà lưới; 382,9 ha cây ăn quả, rau màu các loại được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Tiếp tục duy trì 29 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; hướng dẫn 02 cơ sở hoàn thiện hồ sơ cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trên cây thanh long, cây chanh leo với tổng diện tích 23 ha. Hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ cấp mà số vùng trồng nội tiêu trên cây rau cho HTX nông nghiệp Dũng Tiến...
Cùng với đó, việc phát triển kinh tế nông thôn, kinh tế hợp tác xã được đẩy mạnh công tác khuyến khích thành lập HTX, tổ hợp tác, kinh tế trang trại gắn với chuỗi sản xuất, giải thể các HTX, tổ hợp tác hoạt động không hiệu quả. Kết quả đã thành lập mới được 03 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn huyện lên 135 HTX tăng 1,12% so với cùng kỳ; Chỉ đạo tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích nhân dân trong việc phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đến nay, đã xây dựng được 966,4 ha cây ngô ủ ướp, cây chanh leo, cây gai xanh cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh Sơn La. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP ngày càng có sức lan tỏa rộng khắp, tiến hành khảo sát các cơ sở đăng ký năm 2023, có 03 chủ thể với 05 sản phẩm đăng ký, toàn huyện đến nay có 30 sản phẩm OCOP, trong đó 08 sản phẩm đạt 4 sao, 22 sản phẩm đạt 3 sao OCOP.
Về công tác thủy lợi, nước sinh hoạt và phòng chống bão lũ giảm nhẹ thiên tai phát động phong trào làm thủy lợi mùa khô; tập trung chỉ đạo duy tu, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt, thủy lợi, đặc biệt các công trình thoát lũ, phòng, chống thiên tai phục vụ sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Kết quả đã nạo vét được 113 công trình; 70,7 km kênh mương với 6.407 lượt người dân tham gia. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện đã xảy ra nắng nóng, hạn hán kéo dài vào cuối tháng 4, tháng 5/2023, gây thiệt hại lớn đến quá trình hoạt động sản xuất của nhân dân; UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn hỗ trợ, hướng dẫn người dân tăng cường triển khai các biện pháp hướng dẫn người dân khắc phục, khôi phục sản xuất.
Bên cạnh đó, chương trình xây dựng Nông thôn mới chỉ đạo, hướng dẫn các xã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để phấn đấu mỗi xã tăng được ít nhất 01 tiêu chí trong năm 2023. Ban hành Kế hoạch kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2023; Kế hoạch tham quan học tập kinh nghiệp trong xây dựng NTM từ nguồn kinh phí sự nghiệp NTM năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm, đã tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo xã Nà Mường đạt 19 tiêu chí và đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM; toàn huyện đạt chuẩn 146 tiêu chí, bình quân đạt 11,23 tiêu chí/xã...
Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã ban hành Kế hoạch và triển khai, thực hiện các Kết luận số 20, 22, 419, 479, 500 của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ huyện ủy, tập trung triển khai lập triển khai phương án sử dụng đất diện tích đất có nguồn gốc từ nông trường bàn giao lại cho huyện quản lý; Ban hành Kế hoạch tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất trên địa bàn huyện Mộc Châu năm 2023, đồng thời chỉ đạo chuẩn bị tốt các nội dung, điều kiện để đưa 04 khu đất vào đấu giá đợt 01 năm 2023. Tiếp tục quan tâm thực hiện công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, chuyển mục đích sử dụng đất cho cá nhân và hộ gia đình...
Công tác giải phóng mặt bằng đã tham mưu Ban Thường vụ huyện ủy ban hành Chỉ thị về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án trên địa bàn huyện Mộc Châu. Tập trung chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện triển khai các bước, tháo gỡ khó khăn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án trên địa bàn huyện. Chỉ đạo, tập trung cao triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm: Đường trục chính đô thị - nội thị Mộc Châu; đường từ quốc lộ 43 đi khu dân cư và khu sản xuất bản Là Ngà 2, xã Mường Sang, đến nay, đã hoàn thành công tác kiểm đếm, chi trả cho 177 hộ gia đình, cá nhân, 01 tổ chức với tổng số tiềm 19.575,379 triệu đồng để thực hiện dự án.
Đặc biệt, về công tác giáo dục và đào tạo năm học 2022-2023, toàn huyện có 49 đơn vị trường học, với 1.144 nhóm lớp và 34.191 học sinh. Chất lượng giáo dục tiếp tục được củng cố. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100% tốt nghiệp THCS đạt 100%. Duy trì 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Chỉ đạo tiếp tục duy trì hoạt động tổ chức nấu ăn tại các trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh bán trú. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá chất lượng học sinh, chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh, tổ chức đa dạng các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm nhằm giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, phòng chống tai nạn thương tích, an toàn giao thông, bạo lực học đường...Tổ chức và tham gia kì thi học sinh giỏi các cấp đạt được kết quả cao... Cùng với đó, một số lĩnh vực công tác khác trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn huyện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp đó, về nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023 trên địa bàn huyện Mộc Châu được thực hiện như tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XV, nhiệm kỳ 2020-2025; triển khai thực hiện 10 đề án, chủ trương lớn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ huyện ủy về triển khai thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mộc Châu khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Tập trung tiển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 10/02/2022 Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhienf đến năm 2045. Quan tâm, đẩy mạnh việc khai thác các nhiệm vụ trọng tâm năm 2030 theo Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 08/3/2023...
Phi Long - Nam Trứ/VPTB