Sơn La: Huyện Mường La tập trung phát triển kinh tế xã hội từng bước đi lên

Nằm cách thành phố Sơn La 42 km về phía Đông Bắc, Mường La là huyện có xuất phát điểm tương đối thấp, kết cấu hạ tầng hạn chế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, đời sống của nhân dân nhất là các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao còn nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, huyện Mường La đã tập trung khai thác những tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế xã hội, đưa huyện từng bước đi lên, đời sống nhân dân ngày một nâng cao.

Mường La đang ngày càng đổi thay phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Phi Long
Mường La đang ngày càng đổi thay phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Phi Long

Để nắm bắt về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn huyện, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bắc - Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: “Trong  6 tháng đầu năm 2022, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mường La tuy gặp không ít khó khăn như thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, gió lốc, dịch bệnh Covid-19, viêm da nổi cục trên trâu bò gây ra.

Song ngay từ những tháng đầu năm, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND; sự chỉ đạo sâu sát của UBND huyện, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã chủ động triển khai tích cực và đồng bộ, tập trung cao trong công tác phòng, chống dịch, ổn định đời sống cho nhân dân, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đã được xác định trong kế hoạch năm 2022. Tập trung các hoạt động chào mừng kỷ niệm 73 năm thành lập Đảng bộ huyện và 43 năm chuyển trung tâm huyện về thị trấn Ít Ong”.

Ông Triệu Minh Xiết - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát trao đổi với phóng viên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong 6 tháng đầu năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Bắc - Chủ tịch UBND huyện Mường La (áo trắng bên phải) đang trao đổi với phóng viên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Phi Long
Trụ sở các cơ quan các cấp huyện Mường La, tỉnh Sơn La . Ảnh: Phi Long
Trụ sở các cơ quan huyện Mường La, tỉnh Sơn La . Ảnh: Phi Long

Cụ thể, về lĩnh vực kinh tế tiếp tục phát triển, đã chuyển đổi được một số diện tích trồng cây lương thực có năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; cải cách hành chính được quan tâm, chỉ đạo thực hiện; các lĩnh vực xã hội có những chuyển biến tích cực, các vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội được triển khai thực hiện tốt; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, các hoạt động đối ngoại được tăng cường.

Trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện xác định tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trọng tâm và phát triển diện tích cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung gắn với đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển chăn nuôi đại gia súc và hoạt động nuôi trồng thủy sản; phát triển kinh tế rừng, cây sơn tra, cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập cho nhân dân. Mặt khác, chú trọng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển nông nghiệp xanh gắn với kinh tế du lịch... phấn đấu đưa huyện Mường La thoát nghèo.

Hệ thống tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Mường Bú (xã đã về đích Nông thôn mới) huyện Mường La. Ảnh: Phi Long
Hệ thống tuyến đường giao thông rất khang trang sạch đẹp thuộc địa bàn xã Mường Bú (xã đã về đích Nông thôn mới) huyện Mường La. Ảnh: Phi Long

Hiện toàn huyện Mường La có trên 4.900ha diện tích cây ăn quả các loại, trên 2.200 ha cây sơn tra, trong đó các sản phẩm quả xoài, nhãn, chuối giờ đã có mặt trên kệ hàng tại chuỗi siêu thị như: BigC, Vincom, Vinmart và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.... Một trong những điểm sáng nông nghiệp khác của huyện là đã xây dựng được 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, trong đó có 3 sản phẩm liên quan đến sản xuất nông nghiệp đó là: Sản phẩm tinh dầu sả Pi Toong; táo đại Mường Bú và đặc sản gạo nếp tan Ngọc Chiến.

Đặc biệt, tham gia 05 gian hàng tại Quảng trường Tây Bắc về thành tựu kinh tế - xã hội và trưng bày các sản phẩm OCOP trong chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam và Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam; trưng bày 37 gian hàng sản phẩm nông nghiệp an toàn và văn hóa tiêu biểu chào mừng Kỷ niệm 73 năm thành lập Đảng bộ huyện Mường La. Tính đến ngày 10/6 sản lượng tiêu thụ xoài đạt 4.796 tấn; chuối đạt 2.576,2 tấn; mận đạt 57,2 tấn.

Trong công tác khuyến nông trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc UBND các xã, thị trấn rà soát nhu cầu đăng ký vùng nguyên liệu rau quả phục vụ chế biến cho trung tâm rau quả Doveco Sơn La. Tổ chức hội nghị đánh giá mô hình trồng cây dứa Qeen tại xã Tạ Bú. Diện tích cây ăn quả đã được cấp 4 mã vùng trồng 6 mã số (30 ha cây xoài, 27 ha cây nhãn); 166 ha xoài, nhãn, mít, thanh long, vải đã được công nhận tiêu chuẩn VietGAP.

Bầu trời tháng tám ở vùng thượng nguồn sông Đà trên địa bàn huyện Mường La. Ảnh: Phi Long
Bầu trời tháng tám ở vùng thượng nguồn sông Đà trên địa bàn huyện Mường La. Ảnh: Phi Long
Cầu Vạn Bú, trên địa bàn xã Tạ Bú đây là cây cầu nằm khu vực thượng nguồn sông Đà hướng đi vào thị trấn Ít Ong, huyện Mương La. Ảnh: Phi Long
Cầu Vạn Bú, trên địa bàn xã Tạ Bú đây là cây cầu nằm khu vực thượng nguồn sông Đà hướng đi vào thị trấn Ít Ong, huyện Mương La. Ảnh: Phi Long

Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế mặt nước lòng hồ Thủy điện và diện tích ven hồ, Mường La cũng đã tập trung phát triển ở lĩnh vực chăn nuôi, kể cả chăn nuôi gia súc lẫn phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện tổng đàn trâu, bò gần 40.000 con, đàn lợn 64.000 con, đàn gia cầm 492.000 con; bà con nhân dân tiếp tục khai thác 143 ha diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản với 907 lồng cá, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản năm vừa qua đạt 787,7 tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ.

Huyện Mường La đang đặt kỳ vọng tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp xanh, trên cơ sở đó tạo ra các sản phẩm đặc sản, chủ lực nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. 

Hi vọng rằng, từ những kết quả nổi bật trên lĩnh vực nông nghiệp, cùng với đó là những lộ trình và giải pháp cụ thể đang được huyện Mường La triển khai sẽ là nền tảng, là động lực để địa phương tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, nâng tầm giá trị các sản phẩm nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Tuyến đường phố khang trang sạch đẹp trên thị trấn Ít Ong, huyện Mường La. Ảnh: Phi Long
Tuyến đường phố khang trang, sạch - đẹp trên thị trấn Ít Ong, huyện Mường La. Ảnh: Phi Long

Về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện có 16 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã đưa vào khai thác vận hành và được hưởng nguồn thu với tổng công suất 163 MW, tổng sản lượng điện sản xuất ước đạt 934 triệu Kwh…Ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới giai đoạn 2022-2025; xúc tiến thương mại và sản xuất khẩu nông sản năm 2022.

Về công tác xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nông thôn mới; ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình NTM; chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Toàn huyện có 03 xã đạt 19 tiêu chí (xã Mường Bú và xã Mường Chùm, Mường Tai) bằng 20%; 01 xã đạt 16 tiêu chí (xã Ngọc Chiến) bằng 6,7%; 08 xã đạt 10 đến 14 tiêu chí (xã Tạ Bú, Chiềng San, Chiềng Hoa, Chiềng Lao, Pi Toong, Hua Trai, Nặm Păm và Nậm Giôn) bằng 53,3%; 02 xã thuộc nhóm trung bình đạt 5 đến 9 tiêu chí (xã Chiềng Ân, Chiềng Muôn) bằng 15,79%, 01 xã (xã Chiềng Công) hiện mới đạt 6/19 tiêu chí. Tổng số tiêu chí trên địa bàn huyện đạt 195 tiêu chí, bình quân đạt 13 tiêu chí/ xã. Duy trì 01 bản Nông thôn mới (bản Đông Xuông) xã Ngọc Chiến, bản Nông thôn mới kiểu mẫu (bản Nang Phai) xã Mường Bú.

Homestay được xây dựng đạt tiêu chuẩn du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Ngọc Chiến, huyện Mường La. Ảnh: Phi Long
Homestay được xây dựng đạt tiêu chuẩn du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Ngọc Chiến, huyện Mường La. Ảnh: Phi Long

Theo đó, nhìn nhận về tổng thể trong việc phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn huyện Mường La xét về mọi mặt trong các lĩnh vực công tác đều hoàn thành tốt và phát triển có nhiều kết quả đáng mừng so với cùng kỳ năm 2021.

Những nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2022, các cấp, các ngành, đơn vị tập trung trên địa bàn huyện Mường La tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phát hiện tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, tranh thủ mùa khô đẩy nhanh tiếp độ xây dựng cơ bản…

Có thể nói những thành quả đạt được như trên sẽ là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mường La tự tin trên hành trình xây dựng và phát triển quê hương, tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, bứt phá đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.

Phi Long - Thanh Phong

Từ khóa:
#h