Được biết, hiện nay tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện Sông Mã là 38.322 ha, trong đó, có trên 10.700 ha cây ăn quả các loại (7.511 ha nhãn, 1.820 ha cây xoài…). Là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp nhưng trước đây do thiếu vốn, ít kinh nghiệm, tư duy canh tác còn nhiều lạc hậu; chưa chú trọng đến ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên chưa khai thác hết được thế mạnh. Thêm nữa, diễn biến bất thường của thời tiết cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nên năng suất, hiệu quả kinh tế từ cây trồng, vật nuôi không cao.
Đặc biệt, với bài toán được huyện đặt ra là tập trung khuyến khích các HTX, hộ nông dân dám nghĩ, dám làm, thay đổi nếp nghĩ, cách làm chuyển tư duy làm nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật. Ngày 14/12/2020, Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về lãnh đạo thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025, định hướng năm 2030. UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch về phát triển các loại cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 trên địa bàn huyện; quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025.
Sông Mã đã chỉ đạo rà soát, xác định nhóm cây, con chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm một số nông sản; triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế. Dự báo những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp; rà soát, chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất, như: Nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, vật tư đầu vào, khả năng cung ứng...
Bên cạnh đó, cùng với HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất, từ năm 2020 đến nay, huyện hỗ trợ trên 2,3 tỷ đồng, hỗ trợ HTX, Công ty tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP, xây dựng sản phẩm OCOP và hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Từ đó, cung cấp ra thị trường các sản phẩm nông sản sạch, an toàn, góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm nông sản Sông Mã.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Nhiều sản phẩm có thương hiệu, chất lượng đảm bảo đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Quá trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ còn giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm sự phụ thuộc vào thiên nhiên, nâng cao chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Nhờ đó, giá trị bình quân đạt 65 triệu đồng/ha/năm; nhiều diện tích được đầu tư thâm canh cao, sử dụng giống mới và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP đạt từ 200-500 triệu đồng/ha/năm.
Năm 2023, UBND huyện Sông Mã phối hợp với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Chi nhánh Sơn La và Công ty CP nông nghiệp hữu cơ Fusa, Công ty Rồng Đỏ, Công ty Bamboo Hà Nội, Công ty TNHH Phương Mai Bắc Giang, Công ty CP rau quả sạch Việt Nam, Công ty xuất nhập khẩu LINSAN IMEX, Công ty CP sản xuất và thương mại CCP Sơn La... mở rộng vùng nguyên liệu, với 1.550 ha. Trong đó, 345 ha cây có múi; 155 ha dứa Queen; 50 ha ngô ngọt, 3 ha rau chân vịt. Đến nay, đã trồng 50 ha dứa Queen và trên 1.000 ha quế… Một số mô hình liên kết đã cho thu nhập từ 57-120 triệu đồng/ha, tăng gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng truyền thống ở địa phương.
Ông Nguyễn Hồng Linh - Phó Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại CCP Sơn La, cho biết: Đảm bảo lợi ích của 2 bên, doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo hợp đồng. HTX và các hộ thành viên tham gia chịu trách nhiệm và nghĩa vụ trong sản xuất theo quy trình và không được bán các sản phẩm ra ngoài.
Ông Thào A Sử - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sông Mã, cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/HU. Lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn; chú trọng liên kết tiêu thụ bằng cách thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, tiến tới vùng chuyên canh; tập trung tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đồng thời, huyện đã đề ra các giải pháp cụ thể, trong đó, tập trung cải tạo, thâm canh diện tích cây ăn quả hiện có gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Rà soát, quy hoạch vùng nhãn trái vụ trên địa bàn các xã như: Yên Hưng, Chiềng Khương, Mường Hung, Chiềng Cang, Nà Nghịu, Chiềng Khoong...
Có thể nói, nững năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Sông Mã đã tập trung lồng ghép triển khai các chương trình, dự án, nhằm tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp vừa khai thác tiềm năng, thế mạnh vừa giảỉ quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân./.
Phi Long/VPTB