Sơn La: Huyện Vân Hồ nhân dân đồng thuận, góp sức cùng chính quyền xây dựng Nông thôn mới

Xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và bà con nhân dân. Nhận thức rõ điều này, những năm qua huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã tích cực vận động người dân hiến đất, góp công tham gia XDNTM.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vân Hồ khóa II.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vân Hồ khóa II.

Vân Hồ là huyện mới tách ra từ huyện Mộc Châu, nằm ở vùng Tây Bắc về hướng Đông Nam của tỉnh Sơn La, có diện tích tự nhiên là 97.984 ha. Đặc biệt, huyện Vân Hồ nằm trên tuyến giao thông huyết mạch của vùng Tây Bắc - Quốc lộ 6, trung tâm huyện cách thành phố Sơn La khoảng 140 km về phía Đông Nam, cách thủ đô Hà Nội 170 km về phía Tây Bắc.

Được biết, huyện Vân Hồ mới thành lập được chín năm, trải qua nhiều khó khăn, nhưng bước đầu địa phương đã có nhiều nỗ lực để triển khai nhiều giải pháp phù hợp, huy động được sự tham gia đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ngay từ khi mới thành lập, huyện đã có nhiều nỗ lực để hội nhập, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế theo hướng du lịch nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, huyện xác định quy hoạch là vấn đề mang tính quyết định tới định hướng phát triển lâu dài, trong đó có du lịch. Các khu trồng trọt, chăn nuôi trang trại, chế biến sản xuất, thương mại dịch vụ… được quy hoạch khá bài bản, đồng bộ và có tầm nhìn. Ðây là điều kiện thuận lợi để người dân tự tin thay đổi tư duy, thử sức các loại hình kinh doanh du lịch, cải thiện cuộc sống cũng là trực tiếp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đang sinh sống.

Huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các nguồn vốn sự nghiệp thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, thủy sản, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân và tạo thành các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, lợi thế của từng địa bàn. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Song song với phát triển sản xuất, huyện đã tổ chức chỉnh trang cơ sở hạ tầng, làm mới một số đường giao thông trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa giữa các vùng.

Trong đó, kết quả trong 6 tháng đầu năm 2022 huyện Vân Hồ chỉ đạo thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" luỹ kế đến ngày 20/6/2022, huyện có 06 sản phẩm OCOP (03 sản phẩm 03 sao, 03 sản phẩm 04 sao). Rà soát lựa chọn sản phẩm thực hiện đăng ký, đánh giá sản phẩm OCOP năm 2022, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng 4 sao cho sản phẩm Hồng trà Vân Hồ, của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè Vân Hồ và xếp hạng 4 sao đối với Homstay du lịch A Chu, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ; đề xuất nâng cấp, thăng hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp hạng từ 4 sao lên hạng 5 sao cho sản phẩm Trà Matcha, Trà Sencha của Công ty Cổ phần Chè Chiềng Đi.

Đặc biệt, xác định phát triển cơ sở hạ tầng, đường giao thông là động lực để XDNTM, thời gian qua nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Vân Hồ đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, góp hàng chục nghìn ngày công để mở rộng, nâng cấp và làm mới nhiều tuyến đường giao thông trục bản, liên xã, góp phần giúp diện mạo nông thôn trên địa bàn ngày càng đổi thay và khởi sắc.

Những năm qua được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng, đường giao thông trên địa bàn huyện Vân Hồ từng bước được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa giữa các vùng. 

Các tuyến đường liên xã được huyện Vân Hồ tập trung nâng cấp và sửa chữa, tạo điều kiện cho người dân đi lại và phát triển kinh tế.
Các tuyến đường liên xã được huyện Vân Hồ tập trung nâng cấp và sửa chữa, tạo điều kiện cho người dân đi lại và phát triển kinh tế.

Kết quả XDNTM đã góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở các xã thuộc huyện Vân Hồ không ngừng được nâng lên. Trao đổi với phóng viên, ông Thái Bá Sinh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết, thông qua việc tuyên truyền vận động, người dân đã hiểu được người thụ hưởng trực tiếp kết quả của việc XDNTM chính là bà con nên họ đã hưởng ứng tích cực. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất, tự giác giải phóng mặt bằng, tích cực đóng góp tiền và ngày công tham gia làm đường bê tông, sửa chữa, nâng cấp kênh mương nội đồng, xây dựng trụ sở nhà văn hóa thôn…

Xây dựng Nông thôn mới là một chương trình lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Vì vậy chúng tôi luôn huy động các nguồn lực, nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các doanh nghiệp thông qua việc liên doanh, liên kết trong sản xuất. Thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư triển khai trên địa bàn để đẩy mạnh phong trào XDNTM.

Theo ông Sinh, cho biết thêm: "Chúng tôi xác định người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng trong việc XDNTM. Do đó, chúng tôi tập trung thu hút mọi nguồn lực đầu tư để XDNTM. Chỉ đạo các xã nâng cao tinh thần, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ thực hiện nhiệm vụ được giao một cách đồng bộ và đảm bảo thời gian kế hoạch đề ra. Trong năm 2020, huyện Vân Hồ đã có 2 xã Tô Múa, Vân Hồ đạt chuẩn Nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 3 xã. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã Chiềng Khoa đã đạt chuẩn Nông thôn mới; triển khai xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao theo quy định".

Diện mạo Nông thôn mới ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đang ngày càng đổi thay
Diện mạo Nông thôn mới ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đang ngày càng đổi thay.

Để chương trình XDNTM mới đạt kết quả cao, huyện Vân Hồ luôn chỉ đạo UBND các xã xây dựng chương trình hành động gắn với đẩy mạnh thực hiện nhiều cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", gắn với xây dựng các phong trào "5 không - 3 sạch". Phong trào "nông dân sản xuất kinh doanh giỏi"; phong trào "thanh niên Vân Hồ chung sức xây dựng nông thôn mới". Chính vì vậy, mà bà con nhân dân đã hiểu rõ hơn tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, cũng nhờ vậy mà phong trào XDNTM đã lan tỏa rộng khắp ở các bản, xã vùng cao của huyện Vân Hồ.

Những năm qua, hạ tầng nông thôn được huyện Vân Hồ quan tâm đầu tư xây dựng như: Trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, điện, giao thông, thủy lợi, nước sạch phục vụ đời sống người dân ngày càng tốt hơn. Dù chưa hoàn toàn đồng bộ trên toàn huyện nhưng người dân đều phấn khởi khi được hưởng những thành quả mà chương trình XDNTM mang lại. Cũng qua quá trình XDNTM mà diện mạo nông thôn Vân Hồ đã có sự thay đổi rõ rệt về cảnh quan, vệ sinh môi trường. Nhà ở khang trang, sạch đẹp hơn, người dân chủ động, có ý thức cao hơn trong việc tham gia các phong trào do huyện phát động.

Bên cạnh đó, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, huyện Vân Hồ đẩy mạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân thấy được hiệu quả, lợi ích mang lại khi xây dựng đường giao thông phục vụ chính lợi ích của mình. Từ đó huy động đóng góp tiền, ngày công, vật liệu, hiến đất để làm tại địa phương. Phong trào làm đường giao thông nông thôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện đồng tình hưởng ứng. Những con đường đất lầy lội, đá sỏi trên địa bàn huyện ngày nào đang dần được thay thế bởi những tuyến đường bê tông khang trang, sạch đẹp, làm cho diện mạo xã, bản đổi thay từng ngày.

Hiện nay, huyện Vân Hồ có có 394 km đường giao thông nông thôn (GTNT). Trong năm 2021, toàn huyện xây dựng nâng cấp, cứng hóa 8 tuyến với chiều dài hơn 5 km với tổng kinh phí đầu tư hơn 3,9 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 2,2 tỷ động. Đến nay, 14/14 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 50% tuyến đường xã được cứng hóa; 4 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.

Tuy nhiên, huyện Vân Hồ còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển GTNT, như: Địa hình nhiều bản vùng sâu, vùng xa, biên giới hiểm trở, bị chia cắt, dân cư sinh sống không tập trung. Cùng với đó là điều kiện kinh tế của nhân dân một số bản còn nhiều khó khăn, nên việc huy động nguồn lực của nhân dân trong tham gia đóng góp làm đường GTNT còn hạn chế, do đó một số công trình đã phê duyệt nhưng không triển khai thực hiện được.

Trong năm 2022, huyện Vân Hồ phấn đấu xây dựng 24,9 km đường; gồm đường trục bản, tiểu khu, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng; với tổng kinh phí hơn 22 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 9 tỷ đồng; huy động đóng góp của nhân dân, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp đóng góp trên 13 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hợp Cường - Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: "Để đạt được kế hoạch đề ra, UBND huyện tập trung huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp đến các nguồn lực trong nhân dân để đẩy nhanh tiến độ cứng hóa hệ thống đường GTNT. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân toàn huyện tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng Nông thôn mới tại địa phương; đặc biệt là góp công sức, tiền của tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đường GTNT trên địa bàn".

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, hệ thống đường GTNT của huyện Vân Hồ đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.

Chắc chắn rằng, với kế hoạch, mục tiêu chi tiết cụ thể trên cùng sự quan tâm thường xuyên của tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo huyện, sự đoàn kết chung sức, chung lòng của nhân dân. Huyện Vân Hồ sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, giàu đẹp hơn nữa. Từ đó, góp phần đưa Vân Hồ trở thành vùng đất đáng quý với nhiều giá trị thiết thực./.

Vũ Hà - Phi Long

Từ khóa:
#h