Đến xã Chiềng Pằn, địa phương có diện tích trồng rau màu tập trung lớn của huyện Yên Châu, với trên 70 ha. Mùa này, những cánh đồng trồng rau của các bản phủ một màu xanh mướt của các loại bắp cải, đậu, đỗ, bí xanh... Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các hộ nông dân lựa chọn trồng rau theo hướng an toàn, kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, nguồn nước tưới đến việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định đảm bảo sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường.
Trồng rau là công việc quen thuộc, gắn bó từ lâu với cuộc sống thường nhật của người dân. Tuy nhiên, trồng và chăm sóc một cách bài bản, theo công nghệ cao, thì đây thực sự là điều mới mẻ đối với người dân vùng cao ở huyện Yên Châu, Sơn La. Sau một thời gian, triển khai, nhưng trồng rau sạch đã trở thành nghề mới, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Vũ Văn Hoa ở bản Chiềng Phú, xã Chiềng Pằn có gần 2.000 m² đất trồng rau, cao điểm có tháng gia đình xuất bán ra thị trường 4-5 tấn rau sạch, thu lãi 100-150 triệu đồng/năm. Ông Hoa cho biết: Trước đây, sản xuất theo kinh nghiệm, cứ thấy rau có sâu bệnh là phun thuốc, muốn rau tốt thì bón đạm. Sau khi được tuyên truyền, tập huấn, biết được tác hại của phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, tôi tự chế thuốc bảo vệ thực vật từ hành, tỏi, ớt; tự ủ phân hữu cơ chăm bón rau, chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật đối với một số sâu bệnh nặng, tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly để sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn.
Tại Yên Sơn, toàn xã có trên 30 hộ sản xuất rau an toàn với tổng diện tích gần 15 ha. Mỗi năm, cung ứng ra thị trường trên 500 tấn rau các loại. Trung bình mỗi hộ có 1.000-3.000 m2 rau màu, chủ yếu trồng cải ngọt, bí, bắp cải... Ngoài trồng rau thương phẩm, bà con còn trồng rau giống cung cấp cho địa phương lân cận. HTX Thanh Sơn với 7 thành viên, trồng 10 ha các loại cây rau màu. Các thành viên HTX đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động trên 5 ha. Đồng thời, được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật sản xuất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất rau trái vụ.
Anh Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc HTX Thanh Sơn, cho biết: Cây bí xanh thường xuống giống tháng 2 âm lịch, thu hoạch rộ tháng 4; còn cây rau bắp cải đến vụ thu đông mới trồng. Vì vậy, hai loại cây này khi trồng trái vụ, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dễ bị sâu bệnh hại, đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ, thường xuyên theo dõi cây sinh trưởng, kịp thời phát hiện sâu bệnh để phòng trừ. Trồng trái vụ, cho sản lượng không bằng chính vụ, nhưng giá cao, dễ bán hơn; hiện bí xanh giá 12 nghìn đồng/kg, bắp cải 5 nghìn đồng/kg. Dự kiến mỗi ha bí xanh cho thu nhập khoảng 130 triệu đồng, bắp cải khoảng 40 triệu đồng/ha.
Được biết, tổng diện tích sản xuất rau an toàn của huyện Yên Châu khoảng 150ha, sản lượng 4.000 tấn/năm, tập trung tại các xã: Chiềng Pằn, Chiềng Sàng, Yên Sơn, Lóng Phiêng... Ông Lại Hữu Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Huyện đã đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân phát triển vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, lựa chọn loại cây trồng phù hợp thời vụ, thổ nhưỡng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, huyện có nhiều chính sách hỗ trợ các vùng rau chuyên canh, như, đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kéo điện lưới, xây dựng nhà tập kết, sơ chế; hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn các vùng chuyên canh, kinh phí xây dựng nhà kính, nhà lưới tại vùng chuyên canh rau an toàn...Việc phát triển rau màu ở huyện Yên Châu, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm nguồn nông sản dồi dào, đa dạng cung ứng cho thị trường.
Không nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nên Yên Châu hiện vẫn là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Sơn La. Với việc mạnh dạn chuyển đổi mô hình trong sản xuất nông nghiệp, Yên Châu đang hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững từ nông nghiệp./.
Phi Long /Văn phòng Tây Bắc