Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, diện tích cây ăn quả của tỉnh Sơn La vẫn vượt 84 nghìn ha với tổng sản lượng tiêu thụ đạt gần 190 nghìn tấn, giá trị xấp xỉ 2,5 nghìn tỷ đồng. Tỉnh Sơn La đặt mục tiêu trong năm 2024 xuất khẩu nông sản đạt 186 triệu USD.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, nhiều loại rau quả đặc trưng của tỉnh Sơn La lần đầu xuất ngoại khi nhiều thị trường mới được mở cửa trong 6 tháng đầu năm. Điển hình như hồi đầu năm, những quả thanh long đầu tiên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn đã được xuất khẩu sang thị trường Scotland. Ngay sau đó, 5 tấn thanh long ruột đỏ của nông dân xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu cũng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Italia, thông qua HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng.
Đặc biệt, gần đây nhất, 10 tấn mận Ruby Sơn La của HTX nông sản bản địa Noọng Piêu, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu đã được xuất khẩu vào các thị trường được xem là khó tính như: Đức, Anh, Pháp, Cộng hòa Séc với giá bình quân từ 250 - 300 ngàn đồng…
Trên địa bàn huyện Mai Sơn, đến nay toàn huyện đã có hơn 11,2 ngàn ha cây ăn quả, trong đó có hơn 4,2 nghìn ha cây ăn quả thực hiện ứng dụng công nghệ cao, 1,8 nghìn ha sản xuất theo hướng hữu cơ, 1,1 nghìn ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân ở Mai Sơn đã thu được hơn 45 nghìn tấn quả các loại, bán trong nước được hơn 766 tỷ đồng. Cùng với cà phê, trái cây của huyện Mai Sơn đóng góp lớn vào con số 31,8 triệu USD thu về từ sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng cây ăn quả của Sơn La xuất khẩu đạt khoảng 12,2 nghìn tấn, giá trị ước đạt gần 82 tỷ đồng. Trong đó có một số sản phẩm đã và đang dần trở thành sản phẩm thế mạnh xuất khẩu của Sơn La như: xoài (7,6 nghìn tấn), chuối (4,56 nghìn tấn), chanh leo (37 tấn)… Ngoài ra, một số nông sản “triệu đô” khác như cà phê, chè, sắn đang góp phần giúp nông nghiệp Sơn La tăng trưởng mạnh mẽ.
Vụ dâu tây của tỉnh Sơn La đến nay đạt hơn 7,3 nghìn tấn, thu hơn 502 tỷ đồng; mận đạt gần 50 nghìn tấn, thu hơn 851 tỷ đồng; nhãn, chuối, dứa, xoài đang vào cuối vụ. Mục tiêu xuất khẩu nông sản Sơn La dự kiến vượt cột mốc 177,6 triệu USD của năm 2023, đạt 186 triệu USD trong năm 2024 hiện đang rất khả thi.
Phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, hiện nay, tỉnh Sơn La đã hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX với các hộ dân trong việc sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản. Thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị an toàn, tỉnh Sơn La đang duy trì và phát triển 166 chuỗi quả an toàn (xoài, nhãn, mận, chanh leo, bơ, dâu tây, thanh long...) với diện tích 3.657ha, sản lượng 44.720 tấn/năm. Toàn tỉnh có khoảng 40ha cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương. Có 30ha bưởi, sơn tra được cấp giấy chứng nhận hữu cơ. Đến nay, các sản phẩm hàng hóa của Sơn La đã được giới thiệu, xuất khẩu sang thị trường các nước; xuất khẩu quả các loại gần 20.000 tấn.
Là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển cây ăn quả. Trong đó, sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân Sơn La, từ đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái bền vững.
Với những thế mạnh từ cây ăn quả ở Sơn La có tiềm năng, thế mạnh, giá trị kinh tế cao, giúp người dân có nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định. Từ năm 2017 đến nay, diện tích đất trồng cây ăn quả và sản lượng trái cây của Sơn La liên tục tăng cao, hiện đạt gần 85.000ha; sản lượng quả đạt 453.554 tấn; tăng 91,2% về diện tích, 210,5% về sản lượng (307.489 tấn) so với năm 2017. Một số cây ăn quả chính có giá trị hàng hóa lớn và đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: Nhãn ở huyện Sông Mã, Mai Sơn; xoài Yên Châu; na Mai Sơn; mận, bơ của huyện Mộc Châu; sơn tra của Mường La, Bắc Yên, Thuận Châu.
PHI LONG