Sơn La: Phát triển kinh tế xã hội khởi sắc với nhiều điểm sáng

Những bước phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La trong những năm qua, đã góp phần gợi mở nhiều định hướng quan trọng về hạ tầng giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch… để Sơn La phát triển mạnh mẽ hơn, sớm trở thành một động lực tăng trưởng của khu vực Tây Bắc.

Trụ sở UBND tỉnh Sơn La.
Trụ sở UBND tỉnh Sơn La.

Sơn La là tỉnh có tiềm năng lớn về đất đai với diện tích tự nhiên 14.000 km2, lớn thứ 3 của cả nước, dân số đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố; thiên nhiên hùng vĩ, xứ sở của núi rừng, thảo nguyên; có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, truyền thống cách mạng hào hùng, nền văn hóa đậm đà bản sắc Tây Bắc, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, người dân yêu nước, một lòng đi theo Đảng, tin tưởng vào đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung, tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; đạt nhiều kết quả tích cực về phòng chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, làm tốt công tác đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội…

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo rà soát, xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND tỉnh, đã ban hành Quyết định số 79/QĐ- UBND ngày 12/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách địa phương năm 2022.

Xác định, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, kế thừa những kết quả đã đạt được, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, thành tựu tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh tiếp tục quán triệt thực hiện hiệu quả phương châm hành động của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra.

Quảng trường Tây Bắc, tỉnh Sơn La.
Quảng trường Tây Bắc, tỉnh Sơn La.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục đạt kết quả tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh Covid - 19 có diễn biến hết sức phức tạp; giá xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng cao gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực quyết tâm của các lực lượng và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực cụ thể tốc độ tăng trưởng GRDP được duy trì ở mức khá; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh đạt được kết quả quan trọng; các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm; dịch bệnh Covid - 19 đã cơ bản được kiểm soát; an ninh, quốc phòng, đối ngoại được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Đặc biệt, tỉnh Sơn La đã phối hợp với Trung ương Hội Nông dân tổ chức thành công các chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam và Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La.

Về lĩnh vực sản xuất nông lâm thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi và khó khăn đan xen. Những tháng đầu năm thời tiết có mưa đều trên diện rộng nên công tác gieo trồng theo đúng thời vụ, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất các loại cây trồng tương đối ổn định. Diện tích cây trồng lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên do đợt mưa a xít vào thời điểm ra hoa nên tỷ lệ đậu quả thấp, dẫn đến năng suất một số loại cây ăn quả giảm như mận, xoài…Chăn nuôi vẫn phát triển ổn định, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các vật nuôi đều tăng do dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng tăng. Sản lượng lâm nghiệp và thủy sản ổn định.

Về lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất cây hàng năm như cây lúa diện tích lúa cả năm ước đạt 51.459 ha, tăng 0,36% (186 ha) so với chính thức năm trước. Lúa Đông Xuân diện tích gieo trồng 13.111 ha, diện tích thu hoạch 13.081 ha, giảm 30 ha do bị mất trắng bởi ảnh hưởng của bão, lũ, năng suất đạt 60,38 tạ/ha, sản lượng đạt 78.986 tấn. Lúa mùa tính tới thời điểm 15/9 toàn tỉnh đã hoàn thành gieo cấy lúa vụ mùa với tổng diện tích ước đạt 38.348 ha, giảm 0,23% (87 ha) so với năm trước do chuyển đổi một số diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm khác và cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn. Cây hàng năm khác ngô diện tích gieo trồng cả năm ước đạt 76.630 ha, giảm 1,95% (1.532 ha) so với chính thức năm trước.

Cà phê là một trong những cây công nghiệp chủ lực, thúc đẩy kinh tế tỉnh Sơn La phát triển.
Cà phê là một trong những cây công nghiệp chủ lực, thúc đẩy kinh tế tỉnh Sơn La phát triển.
Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở tỉnh Sơn La.
Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở tỉnh Sơn La.

Sản xuất cây lâu năm trong 9 tháng đầu năm 2022 tương đối ổn định, diện tích cây lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do ảnh hưởng của mưa axit vào thời kỳ ra hoa nên tỷ lệ đậu quả thấp, dẫn đến năng suất một số cây ăn quả giảm, chủ yếu như mận, xoài…và cho sản lượng thu hoạch giảm so với 9 tháng đầu năm 2021.

Với tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước tính đạt 100.157 ha, tăng 2,40% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: Diện tích cây ăn quả 69.502 ha, chiếm 69,39% và tăng 3,12%; cây lấy quả chứa dầu 11 ha, chiếm 0,01%; cây cao su 5.458 ha, chiếm 5,45% và giảm 7,16%; cây cà phê 18.281 ha, chiếm 18,25% và tăng 2,55%; cây chè 5.816 ha, chiếm 5,81% và tăng 0,55%; cây gia vị, dược liệu lâu năm 624 ha chiếm 0,62% và giảm 1,58%; cây lâu năm khác 465 ha, chiếm 0,46% và tăng 68,48%.

Trong đó, sản lượng thu hoạch 9 tháng như xoài ước đạt 46.491 tấn, giảm 27,05% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của các đợt mưa axit cuối tháng 2, đúng đợt xoài ra hoa khiến tỷ lệ đậu quả thấp làm giảm năng suất, sản lượng thu hoạch so với cùng kỳ; sản lượng chuối ước đạt 41.857 tấn, tăng 6,45% do diện tích cho sản phẩm tăng, thị trường tiêu thụ ổn định, sản lượng dứa ước đạt 3.442 tấn, tăng 555,62% (2.917 tấn), chủ yếu tăng mạnh ở các huyện Sông Mã và Sốp Cộp do Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao phát triển vùng nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La nên diện tích và sản lượng tăng; mận ước đạt 75.204 tấn, giảm 6,99% do thời tiết đầu năm có đợt rét đậm, rét hại và mưa đá khiến tỉ lệ đậu quả thấp; nhãn ước đạt 108.421 tấn, tăng 0,96%; sản lượng cao su ước đạt 2.838 tấn, giảm 4,28%, sản lượng cao su giảm do thời tiết không thuận lợi, mưa nhiểu ảnh hưởng đến việc cạo mủ; cà phê ước đạt 5.838 tấn, tăng 9,12% (488 tấn); chè ước đạt 41.953 tấn, tăng 2,32% (952 tấn) do diện tích cho sản phẩm tăng, thời tiết khí hậu thuận lợi.

Chăn nuôi bò sữa Mộc Châu là thế mạnh phát triển kinh tế của tỉnh Sơn La.
Chăn nuôi bò sữa Mộc Châu là thế mạnh phát triển kinh tế của tỉnh Sơn La.

Cùng với đó, về lĩnh vực chăn nuôi trâu, bò và gia cầm trong 9 tháng nhìn chung vẫn giữ được tốc độ ổn định, tuy nhiên tình hình dịch bệnh tả lợn Châu phi vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Trong tháng, bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn phát sinh tại địa bàn xã ( xã Chiềng Phung - huyện Sông Mã; xã Púng Bánh, xã Sốp Cộp - huyện Sốp Cộp). Số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy trong tháng là 317 con với trọng lượng 16.400 kg. Lũy kế đến thời điểm báo cáo, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 52 lượt xã, phường của 11/12 huyện, thành phố, tổng số lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy 2.742 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 138.351 kg. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; rà soát tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm mới nhập đàn, gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng vụ chính.

Vùng lòng hồ thủy điện trên địa bàn Sơn La thuộc 3 huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mường La, với diện tích gần 4.000 km2. UBND tỉnh Sơn La vừa có quyết định lập Đề án định hướng phát triển Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành Khu du lịch quốc gia.
Vùng lòng hồ thủy điện trên địa bàn Sơn La thuộc 3 huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mường La, với diện tích gần 4.000 km2. UBND tỉnh Sơn La vừa có quyết định lập Đề án định hướng phát triển Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành Khu du lịch quốc gia.

Tình hình nuôi trồng và khai thác thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Sơn La về cơ bản ổn định, diện tích nuôi trồng chủ yếu là nuôi quảng canh, việc đầu tư thâm canh còn hạn chế.Với diện tích mặt nước lòng hồ thuỷ điện rất lớn, cù nghệ thống sông, hồ nhân tạo khác tạo nhiều lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản tháng Chín ước đạt 792 tấn, tăng 4,76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 751 tấn, tăng 4,89%; tôm đạt 19 tấn, tăng 5,56%; thủy sản khác 22 tấn, bằng so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 6.844 tấn, tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 6.480 tấn, tăng 5,35%; tôm đạt 183 tấn, tăng 3,98% so với cùng kỳ; thủy sản khác 181 tấn, tăng 1,69% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, thời thiết thuận lợi, lượng mưa đều, lượng nước ở khu vực lòng hồ ổn định hơn so với cùng kỳ, người dân đầu tư chăm sóc, cải tạo ao tốt, có sự chuyển dịch từ một số loại cá giá trị và hiệu quả kinh tế thấp như cá trê, cá nheo, cá khác…sang nuôi cá tầm, cá trắm, cá chép đem lại hiệu quả kinh tế.

Thiếu nữ dân tộc Thái trên du thuyền thăm lòng hồ thủy điện Sơn La.
Thiếu nữ dân tộc Thái trên du thuyền thăm lòng hồ thủy điện Sơn La.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm duy trì mức tăng trưởng cao đặc biệt ở ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí do tình hình thời tiết, thủy văn thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tăng cao khiến sản lượng điện sản xuất tăng kéo theo chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm 2022 tăng 23,55% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá chung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La 9 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Xung đột ở U-crai-na đã cản trở sự phục hồi mong manh sau đại dịch, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở châu Âu, đẩy giá lương thực và hàng hóa lên cao và làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát trên toàn cầu. Dịch Covid19 về cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La vẫn duy trì tăng trưởng và đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh cùng với sự nỗ lực thực hiện của các các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh./.

Phi Long - Thanh Phong

Từ khóa:
#h