Giới sành trà thì không thể không biết đến chè cổ thụ nức tiếng Tà Thàng thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Những cây chè cổ thụ bao nhiêu năm vẫn cứ bám trụ trên vách núi, uống từng giọt sương rơi, tắm nắng sớm mai, chắt chiu từng nguồn dinh dưỡng từ mảnh đất nơi này và ngày ngày được hấp thụ mạch nước dưới khe – thứ nước được cho làm nên quốc hồn cho giống trà nơi đây, những búp trè có một không hai, vị ngọt đậm đà và hương thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Tả Thàng là một trong những xã vùng cao thuộc huyện Mường Khương. Nằm ở phía nam huyện Mường Khương, cách trung tâm huyện lỵ 39 km. Phía đông giáp với xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà (ranh giới tự nhiên là sông Chảy). Phía nam giáp với xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà. Phía tây giáp với xã La Pan Tẩn, huyện Mường Khương. Phía bắc giáp các xã La Pan Tẩn, Cao Sơn, huyện Mường Khương và xã Nàn Xín, huyện Si Ma Cai (ranh giới tự nhiên là sông Chảy).
Với độ cao hơn 1300m so với mực nước biển, Tả Thàng sở hữu những dãy núi ngập trong ánh nắng, nguồn nước luôn dồi dào tụ được cả Thiên Khí, cùng những thửa ruộng bậc thang trùng điệp với con Sông Chảy chạy qua. Chính độ cao này nền Tả Thàng quanh năm được bao phủ bởi sương mù. Trong các đợt rét đậm, ở những vùng núi cao và các thung lũng kín gió còn xuất hiện sương muối, mỗi đợt kéo dài 2 – 3 ngày. Đặc điểm này đã lý giải tại sao các mầm chè nơi đây khi được thu hái vẫn còn ướt đẫm hơi sương.
Sở hữu hơn 30 ha diện tích cây chè cổ thụ, vùng chè Tả Thàng phân bố rải rác ở một số thôn Bản Phố, Sú Dí Phìn và Tả Thàng. Và đây cũng được giới yêu trà ưu ái gọi với cái tên “Vùng trà Qúy của Việt Nam”
Nơi đây là một trong những vùng chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của khí hậu nhiệt đới gió mùa, có độ ẩm lớn, nhiệt độ trung bình trong năm thấp hơn so với các tỉnh khác thuộc khu vực miền núi phía Bắc,thường xuất hiện các hiện tượng thời tiết đặc biệt như sương muối, sương giá vào mùa đông. Do vậy, trà ngon thì càng mọc trên núi cao, ánh sáng chan hòa, nguồn nước đầy đủ thì luôn mang trong nó tinh chất của Đất trời.
Bên cạnh đó, đất là một trong những yếu tố hình thành nên thảm thực vật. Thổ nhưỡng Lào Cai bao gồm 13 loại đất khác nhau; trong đó đất Feralit màu vàng đỏ phát triển trên phiến thạch sét chiếm chủ yếu; thành phất đất có độ phì cao, màu mỡ và đa dạng.
Những dòng trà thượng phẩm của mảnh đất Tả Thàng được khởi nguồn từ những cây cao cổ thụ cắm rễ sâu dưới lòng đất và hút dưỡng khí thiên nhiên, kết hợp với khí hậu và địa hình đặc thù giúp chè Shan Tuyết cổ thụ Lào Cai có sự khác biệt trong hương vị, nội chất của từng búp chè.
Một yếu tố cũng làm nên thương hiệu của vùng nguyên liệu chè này đó là con người. Trân trọng món quà quý giá thiên nhiên ban tặng, người dân nơi đây luôn giữ cho vùng chè sự phát triển tự nhiên nhất: Thu hái có kế hoạch, có tổ chức và theo quy định, để đảm bảo các cầy chè vẫn sinh sôi bình thường. Dân cư ở đây chủ yếu là người Mông, những cây chè Shan tuyết không cần có sự chăm sóc của bàn tay con người, không có sự can thiệp của phân bón hóa chất, đảm bảo độ tinh khiết của chè. Đây cũng là lý do trà Shan tuyết vùng đất Tả Thàng có nguồn chè sạch 100%.
Hoài An