Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG) lần thứ 5, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: “Lấy chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học làm trọng tâm; nâng cao năng lực quản trị và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu xây dựng và phát triển”. Trên tinh thần này, toàn Đảng bộ ĐHQG đã đoàn kết thực hiện bằng nhiều cách làm mới mang tính tiên phong.

Đoàn công tác Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh trong chuyến công tác chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản tại tỉnh Bạc Liêu.  
Đoàn công tác Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh trong chuyến công tác chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản tại tỉnh Bạc Liêu.  

Ðào tạo song ngành, liên thông

Tiếp nối thành công của đề án CDIO (Conceive-Design-Implement-Operate) giai đoạn 2010 - 2017, ÐHQG đã triển khai đề án "Mô hình giáo dục 4.0 trên nền tảng áp dụng CDIO hiện đại tại ÐHQG, giai đoạn 2018 - 2022" nhằm chuẩn bị nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo Ban Ðại học ÐHQG, đề án nhằm đổi mới nội dung và chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng của người học với môi trường công nghệ. Ðồng thời, đề án còn chú trọng thực hiện đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo. Sau ba năm (2018 - 2020) đã triển khai đề án tại năm trường đại học thành viên, 19 chương trình đào tạo đại học với 175 môn học được xây dựng và cập nhật theo mô hình giáo dục 4.0. Bên cạnh đó, ÐHQG đã xây dựng hệ thống học liệu gồm 1.700 giáo trình, 33.800 luận án, luận văn, 3.500 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH).

Ðào tạo liên thông, tích hợp trong hệ thống ÐHQG cũng là một điểm mới. Trên thực tế, ÐHQG đã ban hành Quy định tạm thời về đào tạo liên thông từ trình độ đại học lên trình độ thạc sĩ; Quy định đào tạo song ngành trình độ đại học hệ chính quy và Quy chế đào tạo trình độ đại học về công nhận và chuyển đổi tín chỉ giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài ÐHQG. Theo quy định, sinh viên năm thứ 3, thứ 4 có điểm trung bình tích lũy đến thời điểm xét tuyển đạt loại khá trở lên (từ 7,0 điểm trở lên theo thang điểm 10) và đang theo học ngành phù hợp tại các trường, viện nghiên cứu, các đơn vị trực thuộc ÐHQG có thể học liên thông lên trình độ thạc sĩ. Quy định này sẽ giúp sinh viên có học lực khá, giỏi rút ngắn thời gian đạt trình độ thạc sĩ, với tổng thời gian đào tạo từ 4,5 - 5,5 năm. Hiện có 68 ngành đăng ký đào tạo theo phương thức liên thông này. Bên cạnh đó, các chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng của ÐHQG và chương trình tiên tiến theo đề án của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng sẽ được đào tạo liên thông trình độ đại học-thạc sĩ.

Ðổi mới tuyển sinh, chuẩn hóa chương trình

Tự chủ tuyển sinh là một trong những yếu tố cơ bản của tự chủ đại học, được Luật Giáo dục đại học quy định nhằm giúp các cơ sở đào tạo chọn được những sinh viên ưu tú, đáp ứng yêu cầu và triết lý đào tạo của mình. Theo PGS, TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ÐHQG, từ năm 2011, ÐHQG có chủ trương rõ ràng: tuyển thẳng học sinh phổ thông năng khiếu đạt loại giỏi ba năm liên tục hoặc đạt giải học sinh giỏi toàn quốc. Tháng 3-2012, ÐHQG hoàn thành Dự thảo Cải tiến công tác tuyển sinh với nội dung chính là tách rõ hai bước: thi và xét tuyển. "Luật Giáo dục đại học đã quy định các đại học cần chủ động trong công tác tuyển sinh và kỳ thi THPT quốc gia có mục đích chủ yếu là xét tốt nghiệp, kết quả chỉ mang tính tham khảo. Vì thế, ÐHQG tổ chức kỳ thi riêng nhằm tuyển chọn cho mình những sinh viên đáp ứng yêu cầu. Năm 2020, kỳ thi thu hút hơn 60.000 thí sinh và hơn 50 trường đại học, cao đẳng trong cả nước đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển", PGS, TS Nguyễn Hội Nghĩa nói thêm.

PGS, TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ÐHQG cho biết: ÐHQG tiếp tục phê duyệt và triển khai Ðề án "Chương trình tài năng, giai đoạn 2018 - 2022" cho các chương trình được phép đào tạo tài năng giai đoạn trước, các ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế và ưu tiên cho ngành đào tạo theo định hướng nghiên cứu. Dự kiến đến năm 2022, ÐHQG sẽ có 45 chương trình với quy mô 1.350 sinh viên. Ðồng thời, ÐHQG đã phát triển lên 89 ngành tiến sĩ, 130 ngành thạc sĩ. Số lượng ngành đào tạo đại học tăng từ 107 ngành lên 165 ngành. ÐHQG còn thí điểm nhiều ngành học mới như: trí tuệ nhân tạo, quản lý công, khoa học vật liệu, kỹ thuật y sinh, đô thị học… Qua việc phát triển các chương trình chất lượng cao, ÐHQG đã thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Ðảng bộ TP. Hồ Chí Minh đặt ra: "Ðào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước".

Xây dựng Ðảng là then chốt

Theo PGS, TS Huỳnh Thành Ðạt, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc ÐHQG, nhiệm kỳ qua, Ðảng ủy ÐHQG đã chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông, ứng dụng công nghệ trong công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ðảng. Việc đổi mới phương thức học tập, quán triệt này là "hướng về cơ sở" nên đi vào nền nếp và giúp cho đảng viên, quần chúng cốt cán có điều kiện tham gia học tập, lĩnh hội (tỷ lệ đảng viên dự đạt từ 80 - 90% tổng số đảng viên, qua đó tổ chức 42 lớp học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Ðảng cho 20.416 lượt cán bộ, đảng viên). Trong nhiệm kỳ đã tổ chức 19 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Ðảng cho 3.861 lượt cấp ủy viên; 257 buổi báo cáo chuyên đề, báo cáo thời sự cho 415.640 lượt cán bộ chủ chốt, đảng viên, cán bộ đoàn thể, giảng viên và sinh viên.

"Việc triển khai các nhiệm vụ tuyển sinh, giáo dục, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… luôn song hành hoạt động an sinh xã hội của TP.Hồ Chí Minh và cả nước (thí dụ như hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua) cho thấy toàn Ðảng bộ rất nghiêm túc trong học tập, quán triệt chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Qua quá trình triển khai, nhận thức về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo đơn vị cũng như cán bộ, đảng viên được nâng lên; lan tỏa cách làm hay, hiệu quả, thiết thực trong toàn hệ thống ÐHQG. Vì vậy, trong cả nhiệm kỳ, toàn Ðảng bộ ÐHQG đã kết nạp được 664 đảng viên mới (trong đó có 203 cán bộ viên chức, 96 giảng viên và 365 sinh viên)…đạt chỉ tiêu Nghị quyết mà Ðại hội Ðảng bộ ÐHQG lần thứ 5, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đặt ra", đồng chí Huỳnh Thành Ðạt nhấn mạnh.

Minh Anh

Theo Nhân dân