Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Nợ phải trả cao gấp 7,4 lần vốn chủ sở hữu

Trên thực tế, hệ số nợ phải trả càng nhỏ, nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn, doanh nghiệp sẽ ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Ngược lại, khi hệ số này lớn, khả năng doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong việc trả nợ cũng như duy trì hoạt động doanh nghiệp

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Nợ phải trả cao gấp 7,4 lần vốn chủ sở hữu - Ảnh 1

Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH) mới đây đã công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận doanh thu từ “hoạt động lõi” của Tập đoàn Bảo Việt tăng lên mức 20.818 tỷ đồng. Bảo hiểm nhân thọ ghi nhận 16.221 tỷ đồng, bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức 4.752 tỷ đồng, hai chỉ số này đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Cùng chiều, Doanh thu thuần từ kinh doanh bảo hiểm tăng lên mức 20.061 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán vốn từ lâu là thế mạnh của BVH bất ngờ sụt giảm 36,2% tiền lãi, xuống còn 231 tỷ đồng so với thời điểm cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, chi phí hoạt động tài chính của BVH tăng từ 539 tỷ đồng lên 888 tỷ đồng. Trong chi phí này, chi phí hoàn nhập dự phòng tăng mạnh lên hơn 200 tỷ đồng, lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán hơn 26 tỷ đồng. Bởi vậy, lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm nhẹ xuống mức 3.898 tỷ đồng.

Do tiêu tốn nhiều chi phí khác, lợi nhuận sau thuế thuộc về chủ sở hữu tập đoàn giảm 11,8 % về mức 802 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Đến hết tháng 6.2022, tổng tài sản của BVH đạt mức 193.294 tỷ đồng, tăng 12,4 % so với thời điểm sáu tháng trước đó. Nợ phải trả của BVH cũng tăng 13,6 % lên mức 170.501 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là số nợ phải trả của BVH đã chiếm tới 88 %. So với số vốn chủ sở hữu hiện có của BVH là 22.793 tỷ đồng, nợ phải trả đang cao gấp 7,4 lần vốn chủ sở hữu.

Trên thực tế, hệ số nợ phải trả càng nhỏ, nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn, doanh nghiệp sẽ ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Ngược lại, khi hệ số này lớn, khả năng doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong việc trả nợ cũng như duy trì hoạt động doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm 30.6.2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của BVH đã hao hụt tới 48,4% xuống còn 3.297 tỷ đồng. dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 17.587 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 chỉ âm hơn 1.180 tỷ đồng). Nguyên nhân đến từ việc BVH chi mạnh vào việc cho vay và mua các công cụ nợ của đơn vị khác lên tới 82.087 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính của BVH ghi nhận dương hơn 12.073 tỷ đồng (cùng kỳ âm 9.121 tỷ đồng). Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ tại Tập đoàn Bảo Việt âm 2.216 tỷ đồng.

Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH) được biết đến là một trong số những ông lớn về kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam. Hineej nay doanh nghiệp đang cung cấp bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ. Đến thời điểm hiện tại, Bảo Việt – thông qua các đơn vị thành viên đã phát triển mạnh mẽ dịch vụ về chứng khoán, quản lý quỹ và đầu tư…

Công ty TNHH MTV Đầu tư Bảo Việt (BVInvest) là công ty con của Tập đoàn Bảo Việt sở hữu 100% vốn, chuyên kinh doanh bất động sản, tư vấn đầu tư xây dựng và cung cấp máy móc thiết bị.

So với các công ty con khác, kết quả kinh doanh của BVInvest ít được Tập đoàn Bảo Việt nhắc tới trong hệ sinh thái của mình. Chỉ trong các báo cáo thường niên mới được đề cập qua.

Theo báo cáo thường niên năm 2020, BVInvest ghi nhận tổng doanh thu 311 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 7,52 tỷ đồng, đạt 132% kế hoạch năm. Đến năm 2021, tổng doanh thu tại BVInvest cũng ghi nhận 311 tỷ đồng và chỉ có 8,26 tỷ đồng lãi sau thuế, đạt 108% kế hoạch năm. Hiện tại, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 chưa được công bố.

Đáng chú ý, doanh thu từ kinh doanh bất động sản tại BVInvest trong hai năm 2020 -2021 đều chỉ mang về con số rất nhỏ - 3 tỷ đồng. Trong khi các mảng khác như doanh thu thương mại dịch vụ mang về 148 tỷ đồng; doanh thu quản lý tòa nhà thu 115 tỷ đồng;...