Hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán vốn bất ngờ sụt giảm 55% xuống còn 244 tỷ đồng (năm trước là 552 tỷ đồng) so với thời điểm cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, chi phí hoạt động tài chính của BVH tăng mạnh từ 1.059 tỷ đồng lên 1.840 tỷ đồng. Trong chi phí này, chi phí hoàn nhập dự phòng tăng lên hơn 337 tỷ đồng, lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán hơn 56 tỷ đồng. Bởi vậy, lợi nhuận từ hoạt động tài chính ghi nhận ở mức 8.082 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế thuộc về chủ sở hữu tập đoàn giảm 18% về mức 1.550 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Tập đoàn Bảo Việt đạt mức 201.664 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tiền và các khoản tương đương tiền ở mức 2.206 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ ở mức 5.354 tỷ đồng, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi ghi nhận âm 430 tỷ đồng.
Đáng chú ý, phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Tập đoàn ghi nhận 180.393 tỷ đồng, tăng 22% ở mức 147.473 tỷ đồng cùng kỳ năm trước đồng nghĩa với việc tài sản của BVH được tài trợ rất nhiều từ các khoản nợ. Bên cạnh đó, so với số vốn chủ sở hữu hiện có của BVH là 21.270 tỷ đồng, tại lúc này nợ phải trả đang cao hơn gần 8 lần vốn chủ sở hữu.
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của BVH đã hao hụt 26% xuống còn 9.101 tỷ đồng; Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 20.743 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 chỉ âm hơn 14.286 tỷ đồng); Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính của BVH ghi nhận dương hơn 8.499 tỷ đồng (cùng kỳ dương 538 tỷ đồng). Do dòng tiền từ hoạt động đầu tư trong kỳ âm đến hơn 20.000 tỷ đồng, dẫn đến lưu chuyển tiền thuần trong năm âm hơn 3.143 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, hiện nay Tập đoàn Bảo Việt đang sở hữu nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội, cụ thể, Dự án Seven Star nằm trên ô đất D27, thuộc quận Cầu Giấy (khu đô thị mới Cầu Giấy) được UBND TP.Hà Nội chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch ban đầu, Seven Star được khởi công trong tháng 12/2010 và hoàn thành trong quý IV/2013. Tuy nhiên đã hơn 1 thập kỷ trôi qua, dự án vẫn chưa được thực hiện.
Dự án thứ hai là Tháp Tài chính Quốc Tế (IFT) do Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ làm chủ đầu tư nằm trên khu đất "vàng" 220 Trần Duy Hưng, có diện tích quy hoạch 13.159m2, với quy mô công trình cao 34 tầng, chiều cao tối đa 150m.
Ngày 29/12/2005, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định 8506/QĐ–UB phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao khu đất này cho Công ty Bảo hiểm Nhân Thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở. Năm 2013, dự án được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư là Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ. Hiện khu đất được quây tôn kín mít, cây cỏ mọc um tùm hoang tàn bên trong.
Dự án thứ ba là Nhà ở cao tầng để bán (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có chủ đầu tư là Tập đoàn Bảo Việt - Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Việt – Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Tổng mức đầu tư: 300 tỷ đồng. Quy mô xây dựng: 32.973m2.