Nếu ở miền Nam, người ta chỉ biết đến trà ở Bảo Lộc, Lâm Đồng thì ở miền Bắc trà sẽ đa dạng hơn. Ngoài những vùng chè nổi tiếng như Tân Cương, Thái Nguyên thì còn có những cây trà shan tuyết cổ thụ có tuổi đời đến hàng trăm năm ở Hà Giang, Yên Bái. Chính vì sự đa dạng ấy, trà miền Bắc là nơi duy nhất ở Việt Nam cho bạn đầy đủ các loại trà mạn cơ bản mà thế giới ưa chuộng.
Trước đây người miền Nam thích các dòng trà với hương vị nhẹ dịu, hương thơm của các loài hoa như nhài, cúc, sen… thì hiện tại sở thích đó dần đổi khác khi người ta tìm đến trà mạn - thứ trà Bắc đượm vị, thơm ngát, càng uống càng ngọt hậu
Người miền Nam biết đến trà Bắc trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975, khi các chiến sĩ, đồng bào miền bắc vào chi viện cho miền nam, sau đó là ở lại miền Nam sinh sống, họ mang theo phong tục, lối sống, cách sinh hoạt và cả thói quen sử dụng trà bắc nữa.
Ở ngoài Bắc thì người ta uống trà nhiều và trồng trà nhiều hơn ở trong Nam. Điển hình là các vùng trồng trà như Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ.. rồi sản xuất, cung cấp và tiêu thụ cho các tỉnh nói chung và khu vực miền Nam nói riêng, vậy nên từ đó 2 từ “trà Bắc” cứ thế mà được nhiều người gọi.
Chè Bắc (trà Bắc) là một loại trà được làm từ những lá và búp trà xanh được hái từ những cây chè được trồng ở các tỉnh miền Bắc như Thái Nguyên, Sơn La... sau nhiều công đoạn chế biến tỉ mỉ đến khi thành phẩm khô lại, tơi và xốp, thì mới trở thành sản phẩm trà.
Đối với người không sành trà, họ thường đồng nhất trà Thái Nguyên và trà bắc, hai loại này chẳng có gì khác nhau cả. Mặc dù trà bắc, trà Thái Nguyên giống nhau về ngoại hình nhưng xét về chất lượng, hình thái, cánh trà, thương hiệu thì trà Thái Nguyên là tuyệt vời nhất. Thái Nguyên có rất nhiều vùng trà với sản lượng và năng xuất cao như Tân Cương, Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ,…Tuy nhiên, vùng Tân Cương được thiên nhiên ưu ái về đất đai và khí hậu, cùng bàn tay chăm sóc và chế biến đầy kinh nghiệm của người dân Tân Cương, cho nên, cây trà nơi đây sinh trưởng, phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, cây trà Tân Cương mang trong mình hương vị se lạnh của đất trời Thái Nguyên làm mê hoặc lòng người.
Các sản phẩm có hương thơm cốm, màu nước xanh trong- sánh có vị chát dịu hậu ngọt lắng sâu trong vị giác người thưởng thức, uống rồi mới thấy vị chát của trà nhưng trà xuống tới cổ họng thì lưu lại một vị ngọt dễ chịu, phải chăng cái vị ngọt ấy chính là hương vị của đất của trời Thái Nguyên. Chính điều này tạo nên nét đặc trưng “tiền chát, hậu ngọt” của thứ thức uống vừa tao nhã lại vừa sang trọng, đượm nồng hương thơm thuần khiết mà thanh nhã của người Việt - trở thành một tinh thần đặc trưng của văn hóa trà Việt.
Xuân Sỹ