Tết Độc lập - Chợ tình Mộc Châu văn hóa đặc sắc vùng Tây Bắc

Chẳng biết từ bao giờ, ngày Lễ Quốc khánh mùng 2/9 hằng năm tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, lại thu hút đông đảo bà con, du khách các dân tộc nói chung và đồng bào người dân tộc Mông nói riêng về đây trải nghiệm các hoạt động đông đến vậy.

Tiết mục múa chuông của dân tộc Dao tại Tuần văn hóa du lịch Mộc Châu. Ảnh: Nam Trứ.
Tiết mục múa chuông của dân tộc Dao tại Tuần văn hóa du lịch Mộc Châu. Ảnh: Nam Trứ.

Vào dịp này du khách không những được hòa mình trong dòng người tấp nập trải hội kéo dài hằng cây số dọc trên Quốc lộ, thăm quan các danh lam thắm cảnh của khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, mà còn được khá phá các cuộc thi, các phong trào, bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc trên cao nguyên Mộc Châu... Những nhịp điệu múa khèn uyển chuyển của các chàng trai, những bộ trang phục váy áo thổ cẩm sặc sỡ được làm bằng những đôi tay khéo léo của các cô gái Mông miền sơn cước. Để rồi hình thành những tên gọi thân thuộc “ Tết Độc lập” hay “ Chợ tình Mộc Châu”... đã góp phần quảng bá hình ảnh, con người bản sắc văn hóa các dân tộc của khu du lịch Quốc gia Mộc Châu đến với du khách trong nước và quốc tế.

Nguồn gốc hình thành “Tết Độc lập” Mộc Châu

Bà con nơi đây kể rằng,  trước đây người Mông vùng Mộc Châu hay đi đổi muối đổi đồ dùng với người xuôi ở mãi Đồng Bảng (Hòa Bình), đến khi giải phóng Mộc Châu, rồi chính quyền mở thêm các cửa hàng bách hóa tổng hợp ở khu khách sạn Hương Sen bây giờ, rồi ở khu thế giới di động thị trấn Nông trường bây giờ nữa.

Diễu hành đường phố của người dân tộc Thái. Ảnh: Nam Trứ.
Diễu hành đường phố của người dân tộc Thái. Ảnh: Nam Trứ.

Từ đấy, người Mông không phải xuống Đồng Bảng mà tập trung về 2 khu bách hóa trên để mua đồ dùng sinh hoạt gia đình. Rồi dần thành lệ, sau khi bà con thu hoạch mùa màng xong, dịp 2/9 họ vừa đi mua đồ, lại vui mừng kỷ niệm ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), người Mông rất trân trọng và coi đây là Tết Độc lập dân tộc. Cứ hễ đến ngày này, người gần thì đi bộ 1 buổi là đến, người xa phải đi bộ vài ngày, hay thuê xe đến thị trấn để mừng đón Tết Độc lập... Qua bao năm, thị trấn Mộc Châu trở thành nơi bà con tập trung trao đổi, mua bán các sản phẩm hàng hóa và mỗi khi đến 2/9 là bà con lại dồn về Mộc Châu để nghe lại Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập... Từ đó, đời sống của bà con ngày càng tiến bộ hơn, bớt phần khó khăn, người người đều trang phục mới mặc, có tiền mua đồ đón Tết.

Trước đây, Tết Độc lập thường kéo dài từ ngày 30/8 đến hết 2/9, nhưng đông vui nhất  vẫn là ngày 1/9. Theo một số người già ở Mộc Châu kể lại thì Tết Độc lập của người Mông ra đời từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Trải qua bao năm đổi thay, phong tục đó vẫn còn được truyền giữ đến tận ngày nay, cứ đến ngày 2/9, tất cả người Mông không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo từ các bản gần xa trong huyện lại nô nức rủ nhau xuống thị trấn để tỏ lòng biết ơn Đảng và Bác Hồ đã đem lại độc lập tự do cho đồng bào cả nước nói chung và đồng bào người Mông nói riêng.

Múa khèn Mông diễu hành đường phố. Ảnh: Nam Trứ.
Múa khèn Mông diễu hành đường phố. Ảnh: Nam Trứ.

Ông Hàng A Say, tại tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường cho biết: Tôi chẳng nhớ mình đã đi vui Tết Độc lập bao nhiêu lần nữa, nhưng trước đây đi đón mùng 2/9, người dân trong bản chủ yếu là đi bộ, nhiều anh chị em phải rủ nhau đi từ lúc 3 giờ sáng đi vài tiếng đồng hồ mới tới được thị trấn. Năm nay tôi gần 80 tuổi rồi, năm nào khi đến dịp mùng 2/9 tôi cũng cố gắng đến huyện Mộc Châu để chơi, ngắn nhìn mọi người vui ngày Hội, ăn bát phở hay bát thắng cố rồi mới về, khi còn trẻ mải chơi có anh em còn ngủ qua đêm tại huyện...

Tại sao lại gọi ngày Quốc khánh 2/9 là “ Chợ tình”

Chợ là cái gốc ban đầu, cứ tập trung đông rồi sinh ra tình cờ người cũ gặp nhau, người mới bén duyên, nó thành cái chợ tình tự lúc nào không hay. Rồi dần dần, chẳng cần mua bán gì, cứ đến ngày 1/9 là Mộc Châu đã nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu của người Mông, họ xúng xính váy áo mới đi chơi, hẹn hò, có những đôi đã bén duyên từ đó và hẹn ước sống bên nhau trọn đời. Trước đây, ngày này được người Mộc Châu gọi với nhiều cái tên đặc sắc như: “Đêm Hội người Mông, Chợ tình người Mông...” bởi ngày Hội chủ yếu tập trung đồng bào người Mông trong huyện và các khu vực lân cận tìm về, chưa có sự giao thoa đa dạng giữa các dân tộc khác như bây giờ.

Đặc biệt, vào đêm mùng 1 thường tổ chức nhiều chương trình văn hóa văn nghệ đặc sắc các cô gái người Mông diện trên người với những chiếc váy hoa văn thổ cẩm rực rỡ màu sắc, người con trai quần áo bảnh bao với cây khèn vác ngang vai hay đeo những chiếc đài Radio cổ bật lên những giai điệu dân ca người Mông thu hút... có lúc các chàng trai, cô gái còn hát đối nhau, thể hiện nỗi lòng của mình. Khi các chàng trai thổi lên tiếng khèn vang vọng cũng là lúc các cô gái múa lên những điệu múa duyên dáng hòa trong bầu không khí náo nhiệt của đường phố, và dần nơi đây hình thành nên cái tên tình cảm thân thuộc “ Chợ tình”. Đó là đối với các nam thanh, nữ tú còn với những người lớn tuổi hơn họ tìm gặp lại người thân, bạn cũ để tham hỏi động viên nhau, hỏi han sức khỏe sau thời gian lâu ngày gặp lại... dường như cả đêm họ không ngủ, mời nhau bát phở, uống rượu ngô, ăn thắng cố chia sẻ những câu chuyện gia đình, đời sống với nhau.  

Ông Tếnh Lao Phả, đến từ Yên Châu vui vẻ chia sẻ: Tôi cùng bạn bè đến thị trấn Mộc Châu từ sớm ngày 31/8  để đón Tết Độc lập 2/9, năm nay rất đông người tôi còn phải tìm gặp bạn bè người thân các nơi về đây để giao lưu gặp gỡ rồi mới về...

Phải nhấn mạnh rằng “chợ tình” là nơi  giao lưu, hỏi han tình cảm sức khỏe giữa bạn bè người thân... chứ không phải buôn bán tình cảm hay phong tục bắt vợ như nhiều thông tin đồn thổi khác. Hiện nay, chợ tình Mộc Châu đã trở thành ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu và nay được UBND huyện tổ chức gọi là Tuần văn hóa du lịch Mộc Châu, với nhiều chương trình sự kiện hấp dẫn đã và đang thu hút đông đảo du khách gần xa.

Tuần Văn hóa du lịch Mộc Châu ngày càng hấp dẫn và thu hút du khách

Dòng người tấp nập dồn về đường phố Mộc Châu ngập trong màu sắc, âm thanh tiếng khè, tiếng trống, tiếng chuông... vang vọng khắc núi rừng đó chính là những hoạt động đặc sắc nhất của các dân tộc Mộc Châu. Các chương trình văn nghệ, các hoạt động văn hóa cộng đồng, diễu hành đường phố được các nghệ nhân, diễn viên Thái, Mông, Dao, Mường...tham gia biểu diễn thu hút dòng người đông đến xem. Mỗi dân tộc mang đến những tiết mục đặc sắc riêng của dân tộc mình; nếu như đồng bào dân tộc Mông có những điệu múa uyển chuyển, những điệu nhảy tha khèn dẻo dai thì đồng bào dân tộc Dao lại mang đến những điệu múa chuông rộn rã vang vọng cả núi rừng; những điệu múa xòe truyền thống, mền mải làm say đắm lòng người của các cô gái dân tộc Thái....

Anh Hạng Seo Dìm, du khách đến từ Hà Giang cho biết: Năm nay là lần đầu gia đình tôi đến Mộc Châu đón ngày lễ 2/9, tôi thấy người dân ở đây rất hòa đồng, thân thiện, bản sắc văn hóa nơi đây rất phong phú... Mộc Châu rất nhiều cảnh đẹp, có nhiều điểm du lịch mới... chắc chắn sau này Mộc Châu sẽ là điểm đến lý tưởng của rất nhiều khách thích trải nghiệm và khám phá các phong tục cũng như bản sắc văn hóa nơi đây.

Tuần văn hoá du lịch Mộc Châu năm nay, sẽ diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn như hội thi trình diễn nghệ thuật dân gian dân tộc Mông; giới thiệu nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa; trải nghiệm văn hoá, ẩm thực truyền thống; hoạt động cộng đồng đường phố, biểu diễn dân ca, dân vũ, tấu nhạc cụ các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao; diễn diễu đường phố với những đoàn xe mang biểu trưng văn hoá các dân tộc...Cùng với đó, tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn Mộc Châu cũng sẽ có nhiều sự kiện đặc sắc, như chợ phiên, chợ tình Tây Bắc, bay dù lượn bắn pháo hoa tại khu du lịch Mộc Châu Island, trình diễn thời trang...

Như vậy, Tuần văn hoá du lịch Mộc Châu đã trở thành một trong những ngày Lễ lớn nhất của huyện được duy trì thường niên vào dịp Quốc khánh 2/9, nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Cùng với đó, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh “Mộc Châu - Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới” với du khách trong nước và quốc tế.

Nam Trứ /Văn phòng Tây Bắc