Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, hạn hán, lũ lụt, rét, mưa nắng đan xen kéo dài... mà nó còn ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp, có thể còn dẫn đến mất mùa hoàn toàn. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành trồng trọt, rõ ràng nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, gây áp lực lớn cho sự phát triển của ngành trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.
Theo đánh giá của Thạc sĩ Hoàng Văn Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2023 những hình thái nắng nóng cục bộ, mưa nắng đan xen kéo dài là những trạng thái thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc chăm sóc chè hữu cơ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bởi thời tiết quá nắng trên 35 độ C thì cây chè sẽ ngừng sinh trưởng, đồng thời nắng mạnh làm giảm độ ẩm trên nương chè giảm một cách nhanh chóng điều này ảnh hưởng tới hương vị trà thành phẩm như vị chát đắng mạnh mẽ hơn, sản lượng trà có xu hướng giảm.
“Trạng thái thời tiết mưa nắng đan xen kéo dài 2 - 3 tuần khiến cho sâu bệnh sinh sôi theo chiều hướng gia tăng về mật độ, chủng loại, nhưng việc phun các chế phẩm vi sinh, thảo mộc trở nên vô cùng khó khăn và kém hiệu quả, điều này tác động trực tiếp tới sản lượng chè tươi nguyên liệu, cũng như gia tăng giá thành sản xuất bởi tiềm ẩn rủi do lớn khi chúng ta phun các chế phẩm vi sinh, thảo mộc trên lá chè hay bị mưa rửa trôi do mưa”, Thạc sĩ Tuấn chia sẻ thêm.
Biến đổi khí hậu gây ra các tác động tiêu cực trên diện rộng đến các vấn đề nông nghiệp ở khu vực ASEAN, bao gồm duy trì chất lượng đất trồng (92%), kiểm soát bệnh thực vật (88%), duy trì hiệu quả năng suất cây trồng (88%) và quản lý sâu bệnh, dịch hại ( 85%). Trả lời câu hỏi về những trở ngại lớn nhất mà hệ thống lương thực tại quốc gia của họ sẽ phải đối mặt trong 5 năm tới, hơn một nửa (51%) cho rằng quản lý tác động và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là thách thức cấp bách nhất hiện nay, cao hơn đáng kể so với tất cả các thách thức khác. Đó là một số kết quả nổi bật được công bố trong Sách trắng Nghiên cứu với tiêu đề "Khảo sát đối với các nhà hoạch định chính sách: Tác động của biến đổi khí hậu đối với nền nông nghiệp ASEAN" của CropLife Việt Nam mới được phát hành vừa qua.
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi nước biển dâng. Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm…
Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập chìm không còn khả năng canh tác.
Phi Long