Đầu năm 2023, sau khi triển khai nền tảng thương mại điện tử TikTok shop, Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam phối hợp xây dựng một chương trình hỗ trợ về chuyển đổi số cho các chủ thể có sản phẩm OCOP (các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh) nhằm tăng tính cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế.
Không ít doanh nghiệp chè cũng đón đầu xu thế, bắt tay xây dựng kênh riêng trên nền tảng mạng hot bậc nhất này. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn hướng dẫn các chủ thể OCOP tạo lập thương mại điện tử trên nền tảng số, áp dụng các mô hình kinh tế số, kết hợp Livestream giới thiệu, quảng bá các sản phẩm.
Thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên chính là các sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP. Từ khi chè Thái Nguyên được áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng nguyên liệu từ các giống chè có năng suất cao, quy trình chăm sóc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, bón phân hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP giá bán đã tăng gấp đôi, gấp ba so với trước kia, đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân làm nghề chè.
Khi chè đạt chứng nhận OCOP chứng minh cho sản phẩm sạch và được quản lý chất lượng theo quy trình chuẩn an toàn, chính là giấy thông hành khi cung cấp ra thị trường. Vì vậy, việc tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiên quyết đưa ra khỏi chương trình những sản phẩm không đạt chuẩn đang được tỉnh Thái Nguyên thắt chặt.
Thái Nguyên là tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước với gần 23.000 ha, sản lượng đạt trên 244.000 tấn. Sản phẩm chè Thái Nguyên đã có mặt trên thị trường 63 tỉnh, thành phố và một số nước trên thế giới. Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1 ha chè đạt 270 triệu đồng, nhưng đến nay diện tích chè an toàn, chè hữu cơ đạt chứng nhận chất lượng an toàn VietGAP mới đạt gần 10% tổng diện tích.
Cùng với đó, việc liên kết giữa các chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè chưa chặt chẽ, chủ yếu vẫn là người trồng chè tự chế biến và tiêu thụ. Số đơn vị doanh nghiệp có liên kết với người trồng chè chưa nhiều, chưa tạo được sản lượng lớn chế biến chất lượng cao. Mặc dù được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, nhưng chè Thái Nguyên chủ yếu vẫn dưới dạng nguyên liệu, giá bình quân chỉ bằng 60% so với giá bán trên thị trường thế giới.
Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên, để giúp các doanh nghiệp tiếp cận xuất khẩu sản phẩm chè sang thị trường các nước thì phải kiểm soát được vùng nguyên liệu, kiểm soát quá trình canh tác và thu hái.
“Đổi với các chủ thể OCOP mong muốn nhất được quảng bá sản phẩm trên thị trường lớn hơn. Đây là các sản phẩm họ tâm huyết đạt OCOP. Mong muốn được quảng bá tiêu thụ sản phẩm, đồng thời cũng muốn mở rộng vùng nguyên liệu để duy trì, nâng cấp chất lượng sản phẩm tốt hơn nữa” - bà Nguyễn Thị Ngà nói.
Để đạt được mục tiêu ngành chè đạt tỷ USD, Thái Nguyên tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm chè. Đến nay, các sản phẩm đã được nâng tầm, đa dạng về mẫu mã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều chương trình tập huấn hướng dẫn các chủ thể OCOP tạo lập thương mại điện tử trên nền tảng số, áp dụng các mô hình kinh tế số, kết hợp Livestream giới thiệu, quảng bá các sản phẩm.
Thái Nguyên đang từng bước đẩy mạnh thương mại điện tử, đặc biệt là mạng xã hội. Đặc biệt, địa phương này đã ký hợp tác với Tik tok, cùng với Viettel post và các mạng xã hội khác để xúc tiến thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP.