Đại Từ phát triển vùng chè tập trung quy mô lớn
Xác định cây chè là cây trồng chủ lực giúp một bộ phận người dân xoá đói, giảm nghèo, trong những năm qua huyện Đại Từ đã không ngừng chuyển đổi cơ cấu giống, đưa các giống chè có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng và đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chè Đại Từ trên thị trường.
Diện tích trồng chè trải khắp 29 xã, thị trấn của huyện Đại Từ, nhưng về cơ bản còn manh mún. Ở một vài địa phương, một số vùng chè trồng tập trung đã được hình thành, song cũng chỉ mang tính tự phát. Trong khi đó, hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; chưa hình thành vững chắc liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng… Thực tế này đặt ra yêu cầu tất yếu cần phải quy hoạch vùng chè để phát triển bền vững cũng như tận dụng tối đa lợi thế phát triển loại cây trồng này tại địa phương.
Ông Triệu Hồ Quang - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, cho biết: Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành Nông nghiệp nói chung, phát triển cây chè nói riêng, cũng như hoàn thiện tiêu chí về quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với sản phẩm chủ lực trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã tích cực tham mưu cho huyện xây dựng quy hoạch. Trên cơ sở đó, huyện đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch xã La Bằng - Phú Xuyên, quy hoạch vùng chè tập trung ở xã Hoàng Nông - Tiên Hội. Chúng tôi đang phối hợp với xã Tân Linh để hoàn thiện quy hoạch vùng chè tập trung tại xã.
Ngoài ra, ông Quang còn cho biết thêm, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chọn những vùng chè, các chủ thể, các vùng có điều kiện thổ nhưỡng, điều kiện canh tác và tuyên truyền bà con nhân dân thực hiện việc cấp mã số vùng trồng và quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm để truy xuất nguồn gốc, tạo những sản phẩm đầu ra chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nhân dân trồng chè.
Theo quy hoạch, vùng chè tập trung ở xã La Bằng - Phú Xuyên có tổng diện tích gần 80ha, phạm vi lập quy hoạch gồm 5 xóm của xã La Bằng và xã Phú Xuyên. Đối với vùng chè tập trung ở xã Hoàng Nông - Tiên Hội, khu vực lập quy hoạch là gần 70ha, được định hướng xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo cơ cấu giống, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè, cây ăn quả kết hợp với du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm.
Còn tại xã Tân Linh, quy mô lập quy hoạch chi tiết vùng sản xuất chè tập trung khoảng 80ha, phạm vi ranh giới thuộc một phần các xóm: 4, 6 và 7. Cùng với diện tích đất sản xuất chè, các khu vực còn được quy hoạch đất bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất như: Giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp điện, thoát nước và vệ sinh môi trường…
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Linh, cho biết: Toàn xã có gần 600ha trồng chè, gồm 5 làng nghề, làng nghề truyền thống trồng và chế biến chè. Do chủ yếu là đồi núi nên địa hình bị chia cắt phức tạp, nhiều khu vực trồng chè trên đồi cao rất khó khăn về nước tưới, gây bất tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp. Việc quy hoạch đồng bộ từ khu vực sản xuất cho tới các công trình giao thông, thủy lợi sẽ tạo thuận lợi tối đa cho việc trồng, chăm sóc, tiêu thụ chè. Đặc biệt, khi có các bể nước trên cao, phục vụ tưới tiêu quanh năm, người dân có điều kiện để sản xuất chè vụ đông, cho lợi nhuận gấp 3-4 lần chè thông thường.
Dự kiến trong kỳ quy hoạch, xã Tân Linh sẽ phát triển thêm giống chè lai LDP1 cho năng suất, chất lượng cao, giảm dần giống chè trung du đã cằn cỗi. Đồng thời tập trung cải tạo, thiết kế lại nương chè, áp dụng quy trình sản xuất an toàn trên toàn bộ diện tích chè nguyên liệu, trồng cây bóng mát, trồng thảm thực vật quanh khu vực quy hoạch để giữ ẩm cho đất và trống xói mòn đất…
Nhằm đảm bảo công tác quy hoạch đạt hiệu quả, sát với yêu cầu thực tế, cơ quan chuyên môn của huyện đã khảo sát kỹ thực địa, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị tư vấn trong triển khai các bước lập quy hoạch.Các khu vực được lựa chọn quy hoạch đều là những vùng chè được trồng tương đối tập trung, có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, người dân có kinh nghiệm chăm sóc, chế biến chè…
Theo đánh giá, công tác quy hoạch vùng chè tập trung đều được cấp ủy, chính quyền các địa phương hưởng ứng, được người dân đồng tình với mong muốn hình thành các vùng chè có chất lượng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về phát triển cây chè.
Với phương châm “quy hoạch đi trước, mở đường”, các quy hoạch sau khi hoàn thiện sẽ tạo nền tảng để các vùng chè phát triển đồng bộ, bền vững. Đồng thời tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, sẵn sàng đáp ứng các đơn đặt hàng với số lượng lớn. Trong tương lai không xa, các vùng chè được quy hoạch đẹp sẽ trở thành sản phẩm du lịch ấn tượng với du khách khi đến với mảnh đất Đại Từ…
Phát triển du lịch sinh thái, hướng đi mới của Đại Từ
Ngoài ra, huyện Đại Từ thuộc tỉnh Thái Nguyên có 10 xã nằm ven chân dãy núi Tam Đảo, là nơi có khí hậu trong lành, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng, có bản sắc dân tộc đậm đà. Đặc biệt, Đại Từ còn là địa phương có vùng chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với nghề sản xuất, chế biến chè đặc sản từ lâu đời, các sản phẩm chè ngon nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đại Từ là An toàn khu cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp với 169 điểm di tích lịch sử và danh thắng...La Bằng và Hoàng Nông là hai xã nổi bật hơn trong số các xã có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, văn hóa, tâm linh của huyện.
Ông Dương Văn Vượng - Chủ tịch UBND xã La Bằng, cho biết xã nằm ở phía Tây-Tây Nam, cách trung tâm huyện khoảng 10km. Diện tích tự nhiên toàn xã là hơn 2.200ha, trong đó diện tích chè chiếm hơn 33ha. Xã có 8 dân tộc anh em cùng chung sống, với 1.200 hộ dân được chia thành 9 thôn, xóm.
Xã La Bằng có suối Kẹm bắt nguồn từ dãy Tam Đảo bốn mùa nước trong vắt, uốn lượn chảy qua các ghềnh đá đủ kích cỡ và hình thù đẹp mắt, đang dần trở thành điểm sinh thái dã ngoại hấp dẫn du khách. Hiện 100% các xóm trong xã đều được công nhận Làng nghề chè truyền thống, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể chè La Bằng năm 2012.
Là một trong những xã về đích nông thôn mới sớm nhất của huyện, La Bằng đang phấn đấu xã nông thôn mới nâng cao. Vì vậy, cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt tuyến đường trục chính của xã được trải nhựa, bê tông, thuận tiện cho phương tiện giao thông đi lại, góp phần phát triển du lịch.
Theo ông Dương Văn Tuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, cho biết: Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, huyện đã lập Đề án phát triển du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí dự kiến hơn 260 tỷ đồng với một số nội dung chính như nỗ trợ lập quy hoạch chi tiết xây dựng điểm du lịch xã La Bằng, Hoàng Nông; mở rộng và tôn tạo di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên ở xã La Bằng; hỗ trợ vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch xã Hoàng Nông, La Bằng; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 37 vào hai xã La Bằng và Hoàng Nông...
Huyện từng bước đa dạng các hoạt động du lịch, kết hợp du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, thúc đẩy sự phát triển các ngành nghề khác, đặc biệt là trồng và chế biến chè, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Tỉnh Thái Nguyên có trên 30 mô hình du lịch cộng đồng do các hợp tác xã, hộ gia đình làm chủ. Các mô hình này mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm, lưu trú, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
PHI LONG