Thanh Hóa: Huyện Hoằng Hóa tập trung phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững

Hoằng Hóa là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng, được coi là cửa ngõ quan trọng của vùng trung tâm đô thị lớn trong tỉnh. Những năm gần đây, huyện đang trên đà phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, tạo tiền đề quan trọng để hiện thực hóa khát vọng trở thành thị xã trước năm 2030.

Trụ sở các cơ quan cấp huyện Hoằng Hóa.
Trụ sở các cơ quan cấp huyện Hoằng Hóa.

Được biết, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, là năm có ý nghĩa quan trọng cho việc định hướng phát triển và hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Trong bối cảnh thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tập, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 đã tác động lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, doanh nghiệp.

Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh Thanh Hóa, sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của MTTQ, các đoàn thể, sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban ngành cấp tỉnh, nên tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, quốc phòng - an ninh trên địa bàn được giữ vững.

Năm 2022, về lĩnh vực kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất 20.318 tỷ đồng đạt 100,47% kế hoạch, tăng 15,33% so với cùng kỳ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nông, lâm, thủy sản đạt 15,12%; công nghiệp - xây dựng 51,6%; dịch vụ 33,28%; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, nông - lâm - thủy sản 22%; công nghiệp xây dựng 47,8%; dịch vụ 30,2%.  Trong tổng 32 chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm có 31 chỉ tiêu vượt và đạt kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp và dịch vụ.

Tổng thu ngân sách đạt 3.097,168 tỷ đồng (tăng 238,7%), trong đó thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 2.277,168 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 59,2 triệu đồng..

Hệ thống tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Hoằng Hóa khang trang sạch đẹp.
Hệ thống tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Hoằng Hóa khang trang sạch đẹp.

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị huyện Hoằng Hóa tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt. Từ việc thực hiện Chỉ thị 09, Kế hoạch 99, Kế hoạch 89 và Đề án 1089... góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, làm chuyển biến rõ nét về tư duy, nhận thức, cách triển khai ở các thôn, xã, làm thay đổi diện mạo cảnh quan đô thị và nông thôn.

Đến nay, toàn huyện đã có 1 xã đạt NTM kiểu mẫu, 3 xã đạt NTM nâng cao; 30 thôn, phố kiểu mẫu; có 2 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao, 2 xã hoàn thành tiêu chí NTM kiểu mẫu năm 2022. Các nhóm chỉ tiêu về văn hóa - xã hội để lại nhiều dấu ấn. Hoạt động văn hóa, du lịch diễn ra sôi động. Hoạt động du lịch phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19 khi số lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại biển Hải Tiến đạt 1.535.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 2.064,1 tỷ đồng. Giáo dục tiếp tục phát triển toàn diện, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng cao; duy trì năm thứ 6 liên tiếp là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng học sinh giỏi cấp THCS.

Nhà máy may SUNRISE SPORT Cụm công nghiệp Nam Gòng
Nhà máy may SUNRISE SPORT Cụm công nghiệp Nam Gòng.

Đặc biệt, Hoằng Hóa là một trong những địa phương có nhiều thuận lợi khi nằm ở vị trí cửa ngõ quan trọng của 2 vùng đô thị là TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn. Tận dụng sự phát triển lan tỏa ấy, huyện đã và đang tập trung các nguồn lực, tạo môi trường thông thoáng để thu hút các dự án, huy động vốn cho đầu tư phát triển. Huyện đã tăng cường công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhất là các tuyến giao thông trọng điểm, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Riêng trong năm 2022, tổng huy động vốn đầu tư phát triển của huyện đạt 7.011 tỷ đồng, tăng 16,73% so với năm 2021. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 13,5%; vốn doanh nghiệp chiếm 29,24%; vốn dân cư và các thành phần kinh tế khác chiếm 57,26%.

Cụ thể, những dự án lớn trên địa bàn huyện được tập trung đẩy nhanh tiến độ. Điểm nhấn đó là Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường đã cơ bản hoàn thành đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và đang tập trung xây dựng các shophouse, minihotel. Huyện tiếp tục đầu tư, hoàn thiện khu công nghiệp Bắc Hoằng Hóa, cụm công nghiệp Thái - Thắng và kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp. Bổ sung cụm công nghiệp Phú Quý vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trình UBND tỉnh thành lập cụm công nghiệp Hoằng Đông.

Toàn cảnh khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến.
Toàn cảnh khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến.

Các dự án đầu tư trên địa bàn huyện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, giải ngân kịp thời đảm bảo tiến độ, hiệu quả rõ rệt. Trong năm đã tiến hành nghiệm thu đưa vào sử dụng 23 công trình vốn ngân sách cấp huyện; khởi công mới 26 công trình vốn ngân sách cấp huyện, trong đó có nhiều dự án giao thông...

Huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm như đường từ Quốc lộ 1A đi ngã tư Goòng; đường Quỳ - Xuyên; đường Thịnh - Đông; đường từ cầu Bút Sơn đi Quốc lộ 10 xã Hoằng Vinh (cũ), đường Kim - Quỳ... Nhiều tuyến đường đầu tư theo quy mô từ 4 làn xe trở lên, tạo đà cho phát triển công nghiệp, đô thị trên toàn huyện; nhiều tuyến dự kiến kết nối đồng bộ với các đường đối ngoại qua địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, huyện Hoằng Hóa xác định 5 dự án trọng điểm để tập trung thực hiện công tác GPMB trong năm 2023, đó là: dự án đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Kim đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa); nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường giao thông Hoằng Kim - Hoằng Quỳ; đường từ Quốc lộ 10 (thị trấn Bút Sơn) đi Khu du lịch Hải Tiến; đường Thịnh - Đông (giai đoạn 2); đường từ kênh Trường Phụ đi Flamingo...

Tiếp nối những kết quả ấn tượng, toàn diện đã đạt được trên các lĩnh vực, ngay từ những tháng đầu năm 2023, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy phát triển, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 như: tốc độ tăng giá trị sản xuất từ 15,5% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng/năm; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 7.500 tỷ đồng...

Phi Long - Thanh Phong/VP Tây Bắc

Từ khóa:
#h