Theo đó, Quyết định 3155/QĐ-UBND ngày 7/9 của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi về việc phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Lộc Thịnh, huyện Ngọc Lặc.
Được biết, mỏ đá vôi này có diện tích 5,4 ha. Theo quyết định, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị lập hồ sơ cụ thể cho khu vực đấu giá bao gồm: Đo đạc xác định vị trí, diện tích, xây dựng phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước. Lập dự toán kinh phí phục vụ công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực mỏ trong kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023 theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa được giao chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ đá vôi trên, thời gian thực hiện đấu giá sẽ trong năm 2023. Phía Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện việc đăng tải công khai kế hoạch đấu giá trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh trên cơ sở thông tin về khu vực mỏ do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp.
Đối với UBND huyện Ngọc Lặc sẽ lập khái toán kinh phí giải phóng mặt bằng khu vực mỏ tổ chức đấu giá, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ sở lập phương án đấu giá. Tổ chức chỉ đạo thực hiện bảo vệ mặt bằng, mốc giới khu mỏ đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đảm bảo nguyên trạng để bàn giao cho tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan của tỉnh tổ chức và triển khai hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Cùng ngày 7/9, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cũng ban hành Quyết định số 3158/QĐ-UBND, phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất san lấp tại xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn.
Mỏ đất san lấp trên, cách trung tâm huyện Triệu Sơn khoảng 10 km về phía Tây - Tây Bắc. Mỏ này có diện tích là 4,0 ha, trữ lượng địa chất cấp 122 là 774.720 m3 đất san lấp (theo Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản số 82/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2022 của UBND tỉnh). Nguồn gốc là đất rừng sản xuất, đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng; hiện trạng đang trồng keo.
Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá có trách nhiệm giải phóng mặt bằng khu vực mỏ và hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định của pháp luật; trong trường hợp không thực hiện được việc thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các chủ đất, không hoàn thiện được hồ sơ thuê đất theo quy định thì bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá và không được nhận lại tiền đặt cọc. Kinh phí thăm dò khu vực mỏ là hơn 330 triệu đồng.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai các công việc, hồ sơ thủ tục tiếp theo để đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ này theo phương án đấu giá đã phê duyệt, đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định hiện hành của pháp luật và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về kết quả thực hiện.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 3156/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Xuân Khang và xã Hải Long, huyện Như Thanh. Mỏ này có diện tích 5,52 ha, thời gian thực hiện đấu giá trong năm 2023. Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ đăng tải công khai kế hoạch đấu giá trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh trên cơ sở thông tin về khu vực mỏ do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa sẽ cung cấp thông tin khu vực mỏ, gửi Văn phòng UBND tỉnh để công khai kế hoạch đấu giá trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh; lập hồ sơ cụ thể cho khu vực đấu giá bao gồm: xây dựng phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước. Lập dự toán kinh phí phục vụ công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực mỏ trong kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023 theo quy định.
Hoài Thanh