Thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc): Nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội

Để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội (KTXH) năm 2023, từ nay đến cuối năm 2023, Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, hạn chế để sớm hoàn thành các mục tiêu về KTXH.

Trụ sở các cơ quan cấp Thành phố Vĩnh Yên khang trang sạch đẹp.
Trụ sở các cơ quan cấp Thành phố Vĩnh Yên khang trang sạch đẹp. Ảnh: Phi Long.

Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023 của UBND Thành phố Vĩnh Yên. Trong đó, về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 03/CTr-UBND ngày 12/01/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 của Chính Phủ. UBND thành phố Vĩnh Yên đã ban hành Quyết định số 3911/QĐ-UBND ngày 16/12/2022 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 và Kế hoạch số12/KH-UBND ngày 16/1/2023 về phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 đồng thời tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của thành phố năm 2023, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế xã hội và xây dựng dự toán ngân sách năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 6/1/2023. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt về nhận thức, hành động của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành.

Cụ thể, về phát triển kinh tế với tổng giá trị sản xuất (giá SS 2010) ước đạt 65.074,9 tỷ đồng, bằng 57,41% kế hoạch năm 2023, bằng 93,01% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Dịch vụ: đạt 8.067,3 tỷ đồng, bằng 72,11 % so với kế hoạch năm 2023, tăng 8,07% so với cùng kỳ năm 2022; Công nghiệp - Xây dựng: đạt 56.800,2 tỷ đồng, bằng 55,74% kế hoạch năm 2023, bằng 91,19% so với cùng kỳ năm 2022; Nông - Lâm nghiệp - Thuỷ sản: đạt 209,9 tỷ đồng, bằng 78,31% so với kế hoạch năm 2023, tăng 0,14% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, dịch vụ hoạt động thương mại, dịch vụ 9 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu ngành dịch vụ tăng trưởng tốt do nhu cầu mua sắm phục vụ Tết, các ngày lễ,...Đặc biệt từ sau Tết nguyên đán đến nay, các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tâm linh, lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành có xu hướng tăng do nhu cầu của người dân tăng cao sau khi dịch Covid-19 được khống chế, các ngày lễ, tết được nghỉ dài ngày.

Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố trong những tháng đầu năm 2023, diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, lượng hàng tồn kho tăng cao nên số lượng và quy mô đơn hàng của các doanh nghiệp giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Tiếp đó, dự kiến giá trị sản xuất (GTSX) 9 tháng đầu năm (giá so sánh 2010), khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 8,81% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp giảm 9,32%, trong công nghiệp, hầu hết các các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố đều giảm hoặc tăng thấp. Ngành linh kiện điện tử với tỷ trọng chiếm trên 60% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp, tốc độ tăng từ năm 2016 trở lại đây luôn ở mức cao, là động lực chính đóng góp tăng trưởng GTSX của ngành công nghiệp cũng như toàn thành phố. Tuy nhiên, bước sang đầu 2023, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp linh kiện điện tử có xu hướng chững lại do chịu tác động bởi những khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhu cầu thị trường nước ngoài thấp, lượng hàng tồn kho tăng cao dẫn đến quy mô sản xuất bị thu hẹp. Các ngành công nghiệp còn lại đều giảm hoặc đạt mức tăng thấp so với cùng kỳ.

6 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của TP Vĩnh Yên tiếp tục đạt được những kết quả nhất định trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh
9 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của TP Vĩnh Yên tiếp tục đạt được những kết quả nhất định trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh: Phi Long.

Đặc biệt, về thu, chi ngân sách tổng thu NSNN trên địa bàn thành phố dự kiến 9 tháng đạt 1.662,798 tỷ đồng bằng 61,8% so với dự toán và bằng 91,1% so với cùng kỳ.Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 9 tháng là 1.593,424 tỷ đồng, đạt 106,6% dự toán thành phố giao và tăng 6,6% so với cùng kỳ (trong đó chi ngân sách cấp thành phố là 1.189,176 tỷ đồng, bằng 102,2% DT; chi ngân sách cấp xã, phường 404,248 tỷ đồng, bằng 121,8% DT) đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội và các hoạt động quản lý nhà nước của địa phương.

Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố, tình hình triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được BTV Tỉnh ủy, BTV Thành ủy giao thực hiện năm 2023 liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, đến nay đã có một số chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành (như tuyển quân năm 2023, tỷ lệ trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia vượt kế hoạch  năm 2023 và dự kiến tỷ lệ đạt 100% ngay trong năm 2023, hoàn thành nhiệm vụ KH chỉ tiêu giao của năm 2025), các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại đang được triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, nghiệp và thủy sản duy trì ổn định, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ sau dịch COVID-19 được kiểm soát góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đời sống cư dân trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định. Công tác quản lý đô thị, đầu tư công được quan tâm nhất là đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng đô thị, chỉnh trang đô thị. Tập trung thực hiện công tác bồi thường GPMB, giải quyết các vướng mắc bồi thường, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án lớn, quan trọng của Tỉnh, thành phố và theo chỉ tiêu cam kết với Ban thường vụ Tỉnh ủy. Công tác xử lý vi phạm pháp luật về đất đai tiếp tục được quyết liệt thực hiện, tập trung chỉ đạo, đạt được kết quả bước đầu; xây dựng Kế hoạch, phương án chi tiết tổ chức cưỡng chế các trường hợp vi phạm theo quy định trên diện tích đất UBND tỉnh đã thu hồi của Công ty TNHH Kim Long trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đảm bảo đầy đủ nội dung theo yêu cầu của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 303/KH-UBND ngày 16/12/2022; Thành phố đã bố trí đủ quỹ đất dịch vụ (có đầy đủ các điều kiện về mặt bằng và hạ tầng) với tổng diện tích quỹ đất đã bố trí là 20,18 ha, đạt tỷ lệ 100%.

Công tác thông tin, tuyên truyền đã phản ánh kịp thời, đầy đủ các sự kiện chính trị, an ninh, quốc phòng, những kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương; Chất lượng Giáo dục và Đào tạo được nâng cao cả về giáo dục đại trà, chất lượng chăm sóc trẻ, giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 66,67% (vượt chỉ tiêu KH đặt ra là 44,44%); Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân và quản lý Nhà nước về y tế được tăng cường; Công tác quản lý về ATTP trên địa bàn thành phố tiếp tục chuyển biến tích cực và hiệu quả; An sinh xã hội được quan tâm, đảm bảo kịp thời, cải thiện nâng cao đời sống Nhân dân.

Công tác thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật; Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật được triển khai theo đúng quy định, công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện quyết liệt, góp phần răn đe, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật. Trên cơ sở Quy chế nội bộ đã được ban hành, Thành phố đã đánh giá tập thể, cá nhân các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường hàng quý, hàng năm. Quy chế phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, phường trong thực hiện nhiệm vụ được các đơn vị thực hiện tốt đã tạo chuyển mới trong thực hiện các nhiệm vụ; vai trò, trách nhiệm thực thi công vụ, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của các đơn vị đã có sự chuyển biến tích cực; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3,4 của thành phố đạt cao 95,89% (vượt xa so với mục tiêu đặt ra là 50%) vươn lên đứng đầu toàn tỉnh. Quốc phòng được củng cố, tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, không xảy ra các điểm nóng, phức tạp.

Dự báo từ nay đến cuối năm tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và Thành phố Vĩnh Yên nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song sẽ có nhiều khởi sắc khi một số thị trường lớn của tỉnh, thành phố sẽ mở cửa trở lại, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, đồng thời một số chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí, gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có tác dụng kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Để phấn đấu đạt được mục tiêu kinh tế- xã hội năm 2023 đã đề ra tại Nghị quyết số 83/NQ-HĐND ngày 16/12/2023 của HĐND thành phố, các cấp, các ngành cần tiếp tục ưu tiên cao nhất xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong từng lĩnh vực để khơi thông các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và tập trung triển khai quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn các nhiệm vụ...

PHI LONG/VPTB