Thay đổi thói quen mua sắm trong những ngày giãn cách

Trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều bà nội trợ đã hình thành thói quen mua sắm mới. Cụ thể, các hoạt động mua sắm bên ngoài được giảm thiểu tối đa, thay vào đó là xu hướng tăng cường và tập trung hơn cho những chi tiêu có thể thực hiện tại nhà để hạn chế việc tiếp xúc đông người.

Trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều bà nội trợ đã hình thành thói quen mua sắm mới.
Trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều bà nội trợ đã hình thành thói quen mua sắm mới.

Kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách, nhiều bà nội trợ đã lên kế hoạch xây dựng bữa ăn gia đình đảm bảo đủ các loại thực phẩm tươi xanh nhưng… lại không phải bước chân đến chợ hay xếp hàng chờ đến lượt vào quầy siêu thị để thanh toán. Chỉ cần vào mạng, bấm chuột, lướt vào các cửa hàng rau củ quả quen thuộc, vài ba tiếng sau, chị em đã có thể được shipper mang đến tận cửa các loại rau củ, quả, thịt lợn, gà, ngan, cá…

Khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi nhiều trong hơn 1 năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Đại đa số người tiêu dùng hướng đến lối sống có lợi cho sức khỏe, ưu tiên chọn những mặt hàng thiết yếu (đặc biệt là thực phẩm), sản phẩm giúp chăm sóc sức khỏe, tăng sức đề kháng...

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong các tháng đầu năm, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng lương thực tăng 4,51% so với năm trước, các mặt hàng thực phẩm thì tăng 12,28% so với năm trước, trong đó riêng giá thịt heo tăng 57,23%, giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,35%.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của một số sàn thương mại điện tử Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam đã nhanh chóng đón nhận việc sử dụng kênh thương mại điện tử, trực tuyến như: Lazada, Sendo, Shopee, Tiki...; trong đó, gần 60% khách hàng được khảo sát cho biết đã mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong 12 tháng qua.

Thống kê của một số siêu thị ở Hà Nội như Vinmart, Big C, Co-op mart, BRG… đều ghi nhận đơn mua hàng online của người dân trong những ngày qua đã tăng đột biến từ 50-80% so với thời điểm chưa giãn cách. Số lượt khách mua qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn đạt con số hơn 1.000 đơn hàng tính từ ngày 24/7, trong đó sản lượng tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội đạt hơn 7 tấn và có tốc độ tăng trưởng đạt 70% so với trước khi giãn cách.

Theo đó, 4 thay đổi bắt buộc được các bà nội trợ áp dụng trong mùa dịch:

Thứ nhất, giảm tần suất đi chợ, siêu thị sang mua sắm online: Nếu thời gian trước dịch, đi chợ hay siêu thị mua sắm là thói quen của hầu hết bà nội trợ thì từ khi đại dịch bùng phát, để phòng chống dịch, nhiều bà nội trợ chuyển hẳn sang mua sắm online trên các group, hội nhóm chợ online hoặc các sàn thương mại điện tử.

Thứ hai, chỉ tiêu cho cho nhu cầu thiết yếu, cắt giảm giải trí, du lịch: Nếu như trước dịch bệnh, ngân sách của các gia đình dành cho giải trí và du lịch chiếm khá nhiều do có mức thu nhập ổn định hàng tháng và ngày càng tăng thì những ngày giãn cách xã hội do dịch bệnh, hầu hết chi tiêu đã dịch chuyển. Mọi người ưu tiên mua sắm các nhóm sản phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe... giảm hẳn chi tiêu các nhóm sản phẩm tùy ý hoặc ngẫu hứng.

Thứ ba, lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, đề phòng rủi ro tài chính: Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều gia đình Việt phải nhìn lại cách chi tiêu của mình, từ đó cắt giảm, thắt chặt hơn những khoản không cần thiết để tiết kiệm và phòng chống rủi ro tài chính, đảm bảo an toàn cho gia đình trước những biến cố đột ngột xảy đến. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, thu nhập giảm, sức khỏe có nguy cơ ảnh hưởng lớn.

Cuối cùng, thay đổi thói quen dùng tiền mặt sang thanh toán thẻ: Do thói quen cất giữ tài sản dưới dạng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng nhằm hạn chế chi tiêu hoang phí nên tỷ lệ bà nội trợ có thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu khá cao. Nhất là những bà nội trợ có độ tuổi từ 40-65, chậm thích nghi với công nghệ mới.

Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp suốt hơn năm qua khiến nhiều gia đình chuyển sang lựa chọn phương thức thanh toán bằng thẻ tín dụng và ví điện tử. Tỷ lệ bà nội trợ sử dụng tiền mặt để thanh toán mua sắm giảm hẳn.

Các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong những ngày giãn cách

Ngoài thịt, trứng, rau xanh và hoa quả, các thực phẩm khô sau vẫn được nhiều bà nội trợ chọn mua vì đặc tính tiện lợi, dễ chế biến, dễ bảo quản và để được lâu, có thể ăn dài ngày trong mùa dịch.

Các loại miến, bánh đa, bún phở khô được cho là lựa chọn đầu tiên của các bà nội trợ: Những thực phẩm này có thành phần chủ yếu từ gạo, muối, nước, có thể chế biến thành các món bún phở thơm ngon, nhanh chóng và giàu dinh dưỡng. Khi ăn lại rất tiện lợi, chỉ cần ngâm bún, phở, bánh đa khô trong nước lạnh, sau đó rửa sạch và để ráo nước. Trần thực phẩm này qua nước sôi hoặc thả bánh phở vào luộc, sau đó vớt ra xả nước lạnh và để ráo. Cho vào bát chan nước dùng, có thể cho thêm rau thơm, hành lá, thịt, tùy theo sở thích.

Bên cạnh đó, loại bún, phở, bánh đa khô còn có thể được sử dụng cho chế biến các món nấu rau, ăn lẩu... thay thế bún tươi, phở tươi.

Các loại cá khô, cá nướng, cá phơi một nắng: Với đặc tính dễ bảo quản, bảo quản lâu và thậm chí không cần để vào trong tủ lạnh, khi ăn rất đưa miệng cũng như tiện chế biến các món ăn. Vì thế, các loại cá khô, cá nướng, cá phơi một nắng được nhiều gia đình chuộng mua ngày dịch.

Trên chợ mạng, rất nhiều tiểu thương rao bán đủ loại cá khô, là cá được ướp muối hoặc một số gia vị khác như ớt, tỏi, thảo quả, tiêu... phơi nắng hoặc sấy. Chúng có hương vị đặc biệt, khi nướng, chiên hay rim đều đưa cơm. Có nhiều loại cá khô cho bà nội trợ lựa chọn như: cá khô sặc, cá đù, cá chỉ vàng, cá khoai, cá đuối, cá mối, cá cơm, cá trạch, cá nục...

Lạc khô, vừng khô, hạt điều khô: Trong những ngày giãn cách xã hội, hầu như giađình nào cũng mua 2-3kg lạc hay vừng khô về làm lọ muối vừng dự trữ, ăn dần. Món ăn truyền thống này vừa thơm ngon, vừa tiết kiệm lại đảm bảo dinh dưỡng và không ngấy ngán, bảo quản được lâu. Làm muối vừng, muối lạc vừng và hạt điều trộn lẫn tạo nên món gia vị dân dã để chấm rau củ, ăn với cơm, xôi.

Ruốc thịt, ruốc cá, ruốc tôm: Loại thực phẩm khô thiết yếu luôn được bà nội trợ chuộng mua hoặc làm lấy là các loại ruốc thịt, ruốc cá, ruốc tôm. Bởi theo họ, các loại ruốc được làm từ thịt nạc thăn, tôm, cá và được giã nhỏ, rang khô với gia vị, ăn đưa miệng mà lại để được lâu đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà.

Món ăn này rất tiện lợi để ăn sáng với cơm trắng, ăn kèm với xôi hay nấu cháo... vừa nhanh, gọn, tiện lại nhiều chất dinh dưỡng. Với hương vị thơm ngon, các món ruốc này chinh phục được cả những bà nội trợ thành phố khó tính, sành ăn nên mặt hàng này được mua bán rất rôm rả. 

Dinh Vũ