Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vừa công bố quyết định hủy niêm yết cổ phiếu VIS của CTCP Thép Việt Ý (HoSE: VIS) từ ngày 22/4 do công ty hủy tư cách đại chúng.
Theo đó, tháng 1/2022, ĐHĐCĐ của VIS đã thông qua việc hủy tư các công ty đại chúng và hủy niêm yết toàn bộ cổ phiếu nhằm giúp công ty không bị mất đi những cơ hội kinh doanh tại miền Bắc, nơi có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trong tương lai và tại thị trường Việt Nam nói chung.
VIS kỳ vọng mức độ ban hành những quyết sách trong điều hành và quản lý sẽ được thực hiện nhanh chóng; giảm chi phí và cải thiện hiệu quả bằng cách loại bỏ các thủ tục bắt buộc đối với công ty đại chúng/công ty niêm yết.
VIS chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2006, hiện có vốn điều lệ 738 tỷ đồng, tương ứng số lượng cổ phiếu niêm yết gần 74 triệu đơn vị. Tại thời điểm cuối năm 2020, cổ đông lớn của VIS là Kyoel Steel (73,81%) và CTCP Thương mại Thái Hưng (20%).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/3, cổ phiếu VIS đóng cửa đỏ điểm tại mức 16.000 đồng/cp, ghi nhận giảm gần 15% trong vòng 1 năm qua nhưng tăng 45% kể từ khi chào sàn. Tuy nhiên thanh khoản của VIS khá èo uột khi bình quân chỉ gần 20 ngàn đơn vị mỗi phiên trong vòng 1 năm qua.
Quyết định hủy niêm yết cổ phiếu của VIS diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của công ty nhiều năm chìm trong thua lỗ. Cụ thể, năm 2018 VIS lỗ ròng khủng tới 326 tỷ đồng, sang năm 2019 mức lỗ vẫn còn cao với 218 tỷ, mặc dù năm 2020 có lãi gần 30 tỷ nhưng năm 2021 lại âm 132 tỷ đồng. Chính những điều này khiến VIS đang có lỗ luỹ kế gần 650 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, VIS nhận định giá thép thế giới có xu hướng tăng do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và một số nước Châu Âu tăng cao do sự thiếu hụt nguồn cung và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điều này khiến giá thép dự báo sẽ có xu hướng tăng trong năm tới.
Mặt khác, nhiều dự án bất động sản đã bị hoãn lại năm trước sẽ được triển khai lại để đáp ứng nhu cầu tiến độ. Nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn sẽ được khởi công giúp lượng thép tiêu thụ dự kiến hồi phục mạnh mẽ trong thời kỳ thích ứng với đại dịch COVID-19.
Về khó khăn, mục tiêu giảm lượng cacbon của ngành thép đã làm cho nhiều khoản mục chi phí đầu vào tăng lên. Đây là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp thép.
Nghị định số 101/2021/NĐ-CP quy định giảm 5%-10% thuế xuất nhập khẩu MFN đối với mặt hàng thép xây dựng và thép tôn mạ, buộc các doanh nghiệp ngành thép phải đối mặt với một sự cạnh tranh rất lớn từ các thương hiệu nước ngoài. Trong khi đó, tình hình cạnh tranh trong nước vẫn gay gắt.
Với những nhận định đó, VIS đặt chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 với sản lượng sản xuất 391.3 tấn phôi và 340.3 tấn thép. Doanh thu dự kiến 6,860 tỷ đồng và có lợi nhuận trước thuế đạt 3.15 tỷ đồng.
Trong năm nay, VIS dự kiến đầu tư dự án Nhà máy cán thép công suất 500,000 tấn tại Hải Phòng. Theo nhận định của Ban lãnh đạo, khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh thành công và hoạt động kinh tế trở lại như trước, nhu cầu thép dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định trở lại. Ngoài thép xây dựng, nhu cầu thép rút dây, thép dự ứng lực, thép tròn công nghiệp… dự kiến sẽ tăng theo sự phát triển kinh tế Việt Nam.