Thị trường Ba Lan: Tiềm năng xuất khẩu cho ngành chè Việt Nam trong đại dịch

Mặc dù đang trong thời điểm khó khăn do tác động của dịch Covid - 19 nhưng cơ hội để doanh nghiệp chè trong nước xuất khẩu vào thị trường EU nói chung và Ba Lan nói riêng là rất lớn kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Tuy nhiên, đây lại là thị trường có nhiều quy định, tiêu chuẩn khá nghiêm ngặt, nếu doanh nghiệp không tuân thủ, hoặc không đáp ứng được sẽ gặp nhiều rủi ro.

Xuất khẩu chè của Việt Nam sang Ba Lan

Ba Lan hiện là nền kinh tế lớn thứ 6 trong Liên minh Châu Âu (EU) và là thị trường lớn nhất trong số các nước Đông Âu với gần 40 triệu dân. Theo nguồn CBI.EU, Ba Lan có tỷ lệ tiêu thụ chè bình quân đầu người cao nhất ở Châu Âu (1kg/ người/năm). Chè đen và chè xanh là chủng loại chè tiêu thụ chính tại Ba Lan. Tuy nhiên, xu hướng tiêu thụ chè tại Ba Lan đang thay đổi, người tiêu dùng chè đang hướng tới các sản phẩm chè cao cấp mới như các loại chè có hương vị trái cây, thảo mộc và đặc biệt là các loại chè đặc sản chất lượng cao.

Ngoài tiêu thụ chè, Ba Lan còn là thị trường cung cấp chè chính cho các thị trường trong nội khối EU 27, vì vậy có nhu cầu nhập khẩu chè để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Do đó, có thể nói, Ba Lan là thị trường rất tiềm năng cho mặt hàng chè của nhiều thị trường xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận, tìm hiểu và khai thác thị trường tiềm năng này. Việc chè Việt Nam tiếp cận được với thị trường này cũng sẽ thể hiện được phần nào năng lực cạnh tranh của ngành chè Việt Nam. 

Thị trường Ba Lan: Tiềm năng xuất khẩu cho ngành chè Việt Nam trong đại dịch - Ảnh 1

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu chè của Ba Lan trong trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 10,1 nghìn tấn, trị giá 26,5 triệu Euro (tương đương 31,5 triệu USD), tăng 0,3% về lượng và giảm 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu bình quân đạt 2.630,5 Eur/tấn, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020

Ba Lan nhập khẩu chè chủ yếu từ thị trường Kê-ni-a, Ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 14 cho Ba Lan trong 3 tháng đầu năm 2021, nhưng lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm khối lượng nhỏ (0,6%) trong tổng khối lượng chè nhập khẩu của Ba Lan, giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Ba Lan nhập khẩu chủ yếu là chè đen và chè xanh trong 3 tháng đầu năm 2021. Trong đó, nhập khẩu chè đen đạt 8,7 nghìn tấn, trị giá 22,5 triệu Euro (tương đương 26,7 triệu USD), tăng 2,6% về lượng và giảm 3,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Ba Lan tăng mạnh nhập khẩu chè đen từ thị trường Kê-ni-a, đạt 3 nghìn tấn, trị giá 4,9 triệu Euro (tương đương 5,8 triệu USD), tăng 29,1% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu chè xanh của Ba Lan trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,24 nghìn tấn, trị giá 3.68 triệu Euro (tương đương 4,4 triệu USD), giảm 19,1% về lượng và giảm 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, Ba Lan giảm mạnh nhập khẩu từ các thị trường cung cấp chính như Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a…, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Đức và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp chè xanh lớn thứ 20 cho Ba Lan, lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam tăng trong 3 tháng đầu năm 2021.

Cơ hội và thách thức từ EVFTA đối với doanh nghiệp chè Việt Nam

Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu chè vào các nước EU 27 giảm về 0% (trước đây khoảng 20%) là cơ hội để ngành chè của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khối EU 27 nói chung và thị trường Ba Lan nói riêng trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước những ưu thế có sẵn, những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng lại là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp chè Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thành Hải - Tham tán thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan cho biết: Việt Nam còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Ba Lan, nhất là với mặt hàng nông sản, thực phẩm, trong đó có chè.

Với những ưu đãi hấp dẫn về thuế, cộng với năng lực sản xuất có tính cạnh tranh cao, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường Ba Lan. Tuy nhiên, đáp ứng quy tắc xuất xứ là điều kiện bắt buộc để có thể hưởng lợi ích về thuế do EVFTA mang lại. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam theo đó cũng phải tìm hiểu kỹ về các điều khoản linh hoạt để tận dụng, trong điều kiện sản xuất trong nước chưa đáp ứng được.

Đặc biệt, người tiêu dùng Ba Lan đang dần chuyển sang tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường. EU đã đưa ra quy định trong năm 2021, 2022 tất cả bao bì đựng thực phẩm trong siêu thị phải chuyển sang sản phẩm thân thiện môi trường không sử dụng sản phẩm nhựa. Đây cũng là điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần biết, dần chuẩn bị để đón đầu xu hướng. 

Hơn hết, để tận dụng được ưu đãi từ EVFTA, doanh nghiệp chè Việt Nam cũng cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU. Tìm hiểu kỹ một số biện pháp phòng vệ thương mại như thuế tự vệ, thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá và hạn ngạch thuế quan.

Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới rất có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, Do đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới. 

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Hồng Anh