Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 2 đã cho thấy sự sôi động trở lại sau ba tháng giảm liên tiếp với khối lượng đạt 534.607 tấn, trị giá 286,2 triệu USD, tăng 49% về lượng và 53% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm 2022 tăng 15% về lượng và 29% về trị giá.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 893.256 tấn, trị giá 472,4 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm nhẹ 8,1% về lượng nhưng tăng 1% về trị giá do mặt bằng giá cao hơn. Theo đó, giá gạo xuất khẩu bình quân trong 2 tháng đầu năm tăng 9,8% so với cùng kỳ lên mức 529 USD/tấn. Tính riêng trong tháng 2, giá gạo xuất khẩu tăng tháng thứ 5 liên tiếp, với mức tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ, lên mức bình quân 535 USD/tấn. Đây cũng là mức giá xuất khẩu cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 7/2021.
Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 45% thị phần với 401.975 tấn, trị giá 204,69 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines trong năm nay theo nhiều dự báo đạt tương đương năm ngoái nhưng các nhà nhập khẩu đang chờ đợi nguồn cung từ vụ thu hoạch mới của Việt Nam.
Xuất khẩu gạo sang thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc cũng tăng mạnh 86,4% về lượng và 120,6% về trị giá, đạt 152.640 tấn, trị giá 90 triệu USD.
Ngoài ra, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Indonesia tăng vọt từ 425 tấn của cùng kỳ năm ngoái lên 143.786 tấn trong 2 tháng đầu năm nay, con số này cũng vượt xa khối lượng 119.205 tấn mà Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia trong cả năm ngoái.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đã khởi sắc trở lại kể từ đầu năm nay sau khi nước này tái mở cửa nền kinh tế sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch. Còn với Indonesia, từ cuối năm ngoái Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã đẩy mạnh các hoạt động nhập khẩu gạo để tăng cường kho dự trữ quốc gia.
Ngoài các thị trường kể trên, xuất khẩu gạo sang Đài Loan tăng tới 4,8 lần; các thị trường tại EU như Hà Lan, Bỉ, Ba Lan cũng tăng lần lượt 85%, 211%, 282%. Ngược lại, sự sụt giảm được ghi nhận ở Bờ Biển Ngà, Malaysia, Hong Kong, Ghana và UAE...
Xuất khẩu gạo được dự báo sẽ sôi động hơn trong những tháng tới do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch Đông Xuân, trong khi nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Trung Quốc… đang tăng lên.
Mới đây, tại Hội nghị đánh giá xuất khẩu gạo năm 2022 và dự báo xuất khẩu gạo năm 2023, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý I và quý II/2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực cũng như chuẩn bị cho thời điểm năm mới.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Ấn Độ cũng đang áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.
Hoàng Anh (t/h)