Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn

“Chính phủ kêu gọi sự cảm thông và ủng hộ của nhân dân nếu phải áp dụng các biện pháp khoanh vùng, giãn cách, phong tỏa, cách ly trên diện rộng để xử lý triệt để sự lây lan của dịch bệnh...” – kết luận của Thủ tướng nêu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với TPHCM và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hôm 4/7 vừa qua - Ảnh: Dân trí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP.HCM và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hôm 4/7 vừa qua - Ảnh: Dân trí.

Tối 6-7, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo Kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến ngày 4-7 với TP.HCM và bảy tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, ngày 4-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP. HCM và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc, hành động của các tỉnh trong tâm dịch lần này, nhất là TP.HCM. Đến nay, dịch bệnh ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ cơ bản đang được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là tại TP.HCM vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, đang tiếp tục lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận, cần sớm có giải pháp, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn để kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình.  

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến của các địa phương, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và phát biểu của các Phó Thủ tướng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các tỉnh trong tâm dịch lần này, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, các lực lượng tuyến đầu, sự vào cuộc tích cực của Bộ Y tế với nhiều nỗ lực, phối hợp, chia sẻ trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ cơ bản đang được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, đang tiếp tục lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận, cần sớm có giải pháp, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn để kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình. 

2. Trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đã trực tiếp làm việc và có nhiều văn bản kết luận, chỉ đạo gần đây nhất là cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với Thành phố Hồ Chí Minh và 07 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo còn phù hợp với tình hình hiện nay tại các Thông báo kết luận: số 74/TB-VPCP, số 174/TB-VPCP và số 175/TB-VPCP  ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Tư tưởng chỉ đạo hành động cần được tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm là: càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất và chia sẻ trách nhiệm. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay là chưa có tiền lệ, do vậy, vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện; trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, lắng nghe ý kiến của nhau để lãnh đạo các cấp có được các phương án hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh và điều kiện thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội là 02 Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ngành ở Trung ương luôn sát cánh cùng 02 địa bàn quan trọng này và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để chỉ đạo, lãnh đạo, phối hợp, hướng dẫn và nhất là dập dịch hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ phân công đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phối hợp cùng với Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, phối hợp, hướng dẫn công tác chuyên môn hằng ngày với lãnh đạo các địa phương trong vùng.

Bám sát và căn cứ tình hình cụ thể, chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn của Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và 07 địa phương chủ động, linh hoạt điều chỉnh cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả trong phòng, chống dịch, bảo đảm huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là tại cơ sở. Cần kịp thời rút kinh nghiệm phòng, chống dịch thời gian qua, nhất là bài học kinh nghiệm thực tiễn để làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, với các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch để trên cơ sở đó giữ vững và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trường hợp còn diễn biến phức tạp thì đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, nhất là tại cơ sở.

3. Về phương châm tổ chức triển khai thực hiện

Thứ nhất, nhất quán, kiên trì phương châm “chống dịch như chống giặc”. Lãnh đạo thành phố cần bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn để quyết định mức độ ưu tiên trong tổ chức, thực hiện mục tiêu kép. Trong điều kiện hiện nay, phải tập trung ưu tiên cho chống dịch bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, với các quyết định mạnh hơn khi áp dụng Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình; đồng chí Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo cụ thể. Là Trung tâm kinh tế của cả nước với nhiều Khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn, việc quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất nên cần được cân nhắc, thận trọng và xem xét thứ tự ưu tiên; tuy nhiên, khi cần thiết và nhất là trong lúc này, tính mạng và sức khỏe của nhân dân vẫn luôn phải là trên hết, trước hết. Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương phối hợp chặt chẽ để kịp thời quyết định áp dụng các biện pháp phù hợp, mạnh mẽ, cần thiết và hiệu quả nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch trên phạm vi rộng, chặt chẽ hơn kể cả toàn Thành phố; kể cả các giải pháp mạnh như: tiếp tục giãn cách xã hội, phong tỏa rộng, cách ly chặt chẽ, thần tốc xét nghiệm, sàng lọc nhanh chóng F0 để cách ly điều trị, nhất là những nơi đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát như chợ đầu mối, khu công nghiệp và khu tập trung đông người.

Thứ hai, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các biện pháp truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung; hết sức linh hoạt trong phòng, chống dịch Covid-19 để sử dụng hiệu quả sức mạnh tổng lực nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Thứ ba, các địa phương chủ động bổ sung lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch. Bộ Y tế hỗ trợ, bổ sung lực lượng tư vấn, hướng dẫn xét nghiệm, điều trị và nhân lực, vật lực trực tiếp tham gia phòng, chống dịch. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an huy động nhân lực trong lực lượng công an, quân đội (nhất là Quân khu 7, cảnh sát cơ động, các trường đại học, cao đẳng trong quân đội, công an) và một số địa phương đã có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh... hỗ trợ cả nhân lực, vật lực cho các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Về phương pháp triển khai thực hiện

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế hướng dẫn theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” để có các giải pháp phù hợp, cần thiết lúc này phải có biện pháp mạnh mẽ hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn khi thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly... và căn cứ vào tình hình thực tế có thể bổ sung các biện pháp mạnh mẽ, phù hợp, hiệu quả. Có thể áp dụng cơ chế chịu trách nhiệm tập thể trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm để kịp thời phục vụ phòng, chống dịch (nếu có vướng mắc về quy định, cơ chế, chính sách...)

Bảo đảm mục tiêu kép là nhiệm vụ nhất quán nhưng bảo đảm tính mạng và sức khỏe của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện cụ thể của từng địa phương để lựa chọn thứ tự ưu tiên phòng, chống dịch hoặc phát triển kinh tế - xã hội hoặc đồng thời cả hai để triển khai cho phù hợp, hiệu quả. Trường hợp của Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới tăng nhanh, cần kịp thời có các giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn.

Đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền đi đối với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân ở từng cấp, từng ngành để chống dịch có hiệu quả hơn. Thực hiện “4 tại chỗ” ở mức cao hơn, để không bị động khi dịch bệnh tăng lên, diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trong một tỉnh và ở nhiều tỉnh trong vùng; với phương châm tháo gỡ vướng mắc và điều kiện bảo đảm chống dịch là “3 không: Không nói thiếu kinh phí, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm...; không nói thiếu nhân lực; không nói thiếu quy định và cơ chế, chính sách”.

Căn cứ tình hình thực tế để xác định việc giãn cách, phong tỏa, cách ly cho phù hợp, hiệu quả. Giãn cách trên diện rộng, phong tỏa ở diện hẹp, nhưng phải giám sát rất chặt chẽ, nghiêm túc. Khi đã phong tỏa, kể cả diện rộng, thì phải thần tốc xét nghiệm, nhanh chóng phát hiện và kịp thời đưa F0 ra khỏi khu vực phong tỏa, không để lây chéo.

Lấy hệ thống chính trị cơ sở làm nền tảng, là những “pháo đài” chống dịch quan trọng, có tính quyết định để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an cấp xã chính quy cùng với các lực lượng khác và tổ Covid cộng đồng, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng cấp thực hiện hiệu quả công tác rà soát kỹ người nhiễm, nghi nhiễm. Quán triệt tinh thần chủ động, tích cực, linh hoạt với phương châm: xã lo cho xã, huyện lo cho huyện, tỉnh lo cho tỉnh; cấp trên phải lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, điều phối, hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết khẩn trương những khó khăn, vướng mắc phát sinh của cấp dưới, đồng thời phát huy tính sáng tạo, linh hoạt, chủ động của cấp dưới.

5. Các cấp bám sát các quy định chung, quy định có tính nguyên tắc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn để linh hoạt, vận dụng sáng tạo, bổ sung các quy định cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Trên cùng một địa bàn cần giao một đầu mối chỉ đạo chung, bảo đảm công tác phối hợp giữa các lực lượng kịp thời, thống nhất, hiệu quả.

6. Thực hiện nghiêm yêu cầu “5K + vắc xin” và kết hợp ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi trong phòng, chống dịch. 

Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, quy trình và tổ chức hướng dẫn thí điểm thực hiện tự xét nghiệm, tự cách ly tại nhà trên tinh thần tự nguyện, bảo đảm kịp thời nhưng tuyệt đối an toàn, hiệu quả.

7. Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan tích cực trao đổi thống nhất các biện pháp quản lý người, phương tiện đi, đến từ vùng có dịch, bảo đảm nguyễn tắc yêu cầu phòng, chống dịch cao nhất nhưng không để ách tắc các hoạt động vận tải, giao thương và tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh từ địa phương này sang địa phương khác, từ khu vực này sang khu vực khác.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu các hướng tuyến, phân luồng giao thông, quy định thời gian cụ thể, rõ ràng cho phương tiện giao thông để không gây ra tình trạng ách tắc, bảo đảm duy trì ổn định vận tải hàng hóa và hành khách, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Bộ Công Thương chỉ đạo tăng cường bảo đảm các hoạt động thương mại, cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh và an toàn chống dịch.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương, nhất là các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm an toàn chống dịch, không để xảy ra lây lan dịch bệnh, thực hiện khách quan, thuận lợi nhất cho học sinh và gia đình học sinh; chỗ nào an toàn, thuận lợi mới cho thi, chỗ nào chưa an toàn thì có kế hoạch lùi, hoãn hoặc có biện pháp phù hợp, hiệu quả.

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tích cực tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh và 07 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo tinh thần “3 không: Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; chỉ đạo ngành dọc chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp tổ chức thực hiện và chủ động điều chỉnh việc thực hiện các nhiệm vụ được giao và mục tiêu kép một cách hiệu quả.

8. Về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách: Công tác phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, vì vậy cần phải dựa vào và bám sát tình hình thực tiễn với tinh thần: cái gì đã rõ, đã “chín” được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình ủng hộ thì luật hóa thành các quy định để thực hiện; những gì quy định đã vượt quá, hoặc chưa có quy định thì các cấp, các ngành, các địa phương mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

9. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật trong phòng, chống dịch; xử lý kỷ luật nghiêm minh những tổ chức, đơn vị, cá nhân sai phạm và để xảy ra sai phạm trong thực thi nhiệm vụ, chấp hành quy định, pháp luật; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, đồng thời biểu dương, động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt, có thành tích trong phòng, chống dịch hiệu quả.

10. Về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19: Các địa phương căn cứ vào quy định trong Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ để chủ động, linh hoạt, sáng tạo, vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ; bảo đảm sát với tình hình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình và nhanh chóng đến được các đối tượng cần hỗ trợ.

11. Về chiến lược vắc xin: Chính phủ đã chỉ đạo đa dạng các kênh để tiếp cận các nguồn vắc xin nhằm có được vắc xin sớm nhất, nhiều nhất có thể để tiêm chủng mở rộng miễn phí cho nhân dân. Tuy vậy, trong bối cảnh nguồn cung còn khan hiếm ít nhất đến hết tháng 9 năm 2021, nguồn tiếp cận vắc xin còn nhiều có khăn, khuyến khích các địa phương chủ động, linh hoạt tiếp cận các nguồn cung vắc xin trong điều kiện có thể; đồng thời Bộ Y tế phải giữ vai trò nguyên tắc về quản lý nhà nước và là đầu mối kiểm tra, kiểm soát chất lượng vắc xin, cấp phép, thực hiện lưu giữ và quản lý vắc xin bảo đảm an toàn; tổ chức thực hiện tiêm phòng miễn phí cho người dân kịp thời, nhanh chóng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật.

Bộ Y tế khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19, bảo đảm an toàn, kịp thời, hiệu quả; tổ chức đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và tổ chức triển khai cẩn trọng, theo quy trình chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

12. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tích cực và tự giác hợp tác, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện các biện pháp mạnh khi cần thiết về phong tỏa, giãn cách, cách ly. 

Chính phủ kêu gọi sự ủng hộ cảm thông và ủng hộ của Nhân dân nếu phải áp dụng các biện pháp khoanh vùng, giãn cách, phong tỏa, cách ly trên diện rộng để xử lý triệt để sự lây lan của dịch bệnh vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của đất nước.

13. Trong trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong vùng phải tiến hành phong tỏa, giãn cách, cách ly trên diện rộng thì các Bộ: Y tế, Công Thương, Giao thông vận tải và các bộ ngành có liên quan phải có kịch bản cụ thể để xử lý các vấn đề, như: phân luồng giao thông, lưu thông hàng hóa, cũng ứng vật tư và nhu yếu phẩm, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân..., để không làm xáo trộn lớn đến đến cuộc sống của người dân.

14. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm việc cụ thể ngay với các tỉnh lân cận để thống nhất triển khai biện pháp quản lý chặt chẽ người ra, vào Thành phố vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa; báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chậm nhất trong ngày 06 tháng 7 năm 2021 để chỉ đạo thống nhất.

Về các kiến nghị, đề xuất của các địa phương nêu ra tại Hội nghị hôm nay: có các nội dung đã được các bộ xử lý, hướng dẫn; những nội dung chưa đủ cơ sở, thời gian xử lý, đề nghị các địa phương có văn bản gửi các bộ, ngành để khẩn trương nghiên cứu, xử lý theo đúng thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo ngay với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xử lý, xem xét quyết định Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan biết, thực hiện.

Tạ Thành