Thúc đẩy chế biến, mở rộng thị trường nông sản

Trung Đông và châu Phi là những thị trường rất giàu tiềm năng, nhất là các loại nông sản chế biến, đặc biệt là dòng sản phẩm rau, quả. Tuy nhiên, từ trước đến nay, thị trường này chưa được doanh nghiệp chú ý vì vị trí xa, không thuận lợi cho xuất khẩu.

Đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng cũng là “phép thử” để nông sản Việt chuyển hướng, gia tăng sản phẩm chế biến, chủ động tìm kiếm thị trường mới… Theo các doanh nghiệp, đây là thị trường còn giàu tiềm năng, doanh nghiệp sẽ nỗ lực khai thác khi gặp khó khăn về thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thị trường lớn, giàu tiềm năng

Do khoảng cách về vị trí địa lý, Trung Đông, châu Phi là những thị trường khá mới và rất lớn với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam với 70 quốc gia, 1,6 tỷ người. Thời gian qua, nông sản Việt Nam đã có mặt ở các thị trường này, tuy nhiên thường đều xuất khẩu qua nước trung gian thuộc Trung Đông rồi tỏa đi các nước Trung Đông, Bắc Phi. Theo đó, nông sản thường xuất thô rồi in nhãn mác của nước khác khi xuất khẩu, rất ít trên nhãn mác bao bì của nông sản vào các thị trường trên có ghi xuất xứ Việt Nam.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: “Xuất khẩu sang các nước Trung Đông và châu Phi trong vòng 5 năm vừa qua đều đạt mức tăng trưởng tốt. Kim ngạch này tiếp tục tăng trưởng khả quan khi các thị trường truyền thống đã bão hòa, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”.

Theo ông Hòa, 15 nước ở Trung Đông hầu hết phát triển tài nguyên dầu mỏ và khí đốt với tiềm năng tài chính, thanh toán rất cao. Nhu cầu nhập khẩu lương thực thực phẩm, rau quả của họ rất lớn vì gần như họ không phát triển về nông nghiệp. Nhu cầu về lương thực của các nước châu Phi rất lớn, các nước này đang nhập khẩu gạo của Việt Nam rất nhiều. Thị trường này cũng ngày càng giàu tiềm năng vì các nước Trung Đông, châu Phi hiện đang thu hút người di dân từ các nơi.

Giới thiệu sâu hơn về tiềm năng thị trường Trung Đông và châu Phi, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) Đỗ Quốc Hưng nhận xét, tiềm năng xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng rau củ, trái cây vào các nước Trung Đông, châu Phi còn rất lớn vì Chính phủ nhiều nước đang khuyến cáo người dân tăng ăn rau, quả. Nhu cầu nhập khẩu cà phê của họ cũng rất lớn. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào đây phải bỏ công để tìm hiểu kỹ về những thị trường này, nhất là về văn hóa, thị hiếu của họ.

Thúc đẩy chế biến, mở rộng thị trường nông sản
Thúc đẩy chế biến, mở rộng thị trường nông sản

Lợi thế với nông sản chế biến

Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đi các nước Trung Đông và châu Phi, khó khăn nhất trong xuất khẩu nông sản đi Trung Đông và châu Phi là thị trường này khá xa nên thời gian vận chuyển lâu. Theo đó, xuất khẩu rau quả tươi không phải là lợi thế, doanh nghiệp ngày càng quan tâm xuất khẩu nông sản chế biến như: mứt, nước ép trái cây, nông sản sấy... Việt Nam hiện đang xuất khẩu rất tốt các sản phẩm chế biến, nước ép. Tuy nhiên, hiện vẫn là giai đoạn thăm dò thị trường nên cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu là rất lớn.

Ông Đỗ Quốc Hưng cho biết thêm, thuận lợi khi xuất khẩu vào các thị trường Trung Đông và châu Phi là quy định hàng rào kỹ thuật với sản phẩm rau quả chế biến không quá khắt khe. 5-10 năm tới, nhiều mặt hàng rau quả, thủy hải sản Việt Nam xuất khẩu sang các nước Trung Đông và châu Phi có thuế sẽ về 0%. Hiện một số doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư nhà máy chế biến tại một số quốc gia ở hai khu vực trên, nhất là nhà máy chế biến hạt điều vì Cộng hòa Bờ Biển Ngà (châu Phi) là vùng nguyên liệu lớn và có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp các nước đầu tư, đặc biệt là những ưu đãi về thuế.

“Nông sản Việt Nam muốn vào châu Phi đều phải qua các khâu trung gian nên giá trị còn thấp, nên hợp tác với doanh nghiệp bản địa để tăng cơ hội xuất khẩu trực tiếp. Nông sản chủ yếu vẫn xuất theo dạng nguyên liệu thô với giá rẻ, giá trị thấp. Cần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chế biến sâu để tăng giá trị” - ông Hưng nhấn mạnh.

Một vấn đề doanh nghiệp cần chú ý khi xuất khẩu vào các nước Trung Đông là nhiều nước trong khối Ả Rập đều theo đạo Hồi, doanh nghiệp phải có chứng nhận Halal chuẩn quốc tế cho nông sản. Ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Vân Phát (xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) chia sẻ, thời gian qua, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh Covid-19. Doanh nghiệp kỳ vọng sau dịch bệnh, thị trường xuất khẩu sẽ khởi động trở lại. Trong đó, các nước Trung Đông luôn là thị trường giàu tiềm năng doanh nghiệp quan tâm khai thác. Đó cũng là lý do từ nhiều năm trước, doanh nghiệp đã làm chứng nhận Halal cho các sản phẩm chế biến.

PV