Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển bền vững trong doanh nghiệp

Chuyên gia cho rằng, đổi mới sáng tạo khi áp dụng trong cộng đồng doanh nghiệp ở mỗi quốc gia sẽ mang lại đóng góp tới 95% đối với mức độ cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đến 90% cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Trong 2 ngày 12/9-13/9/2024, tại Thừa Thiên Huế, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Techfest vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung năm 2024 với chủ đề “Liên kết vùng thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển bền vững”.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Techfest vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung năm 2024
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Techfest vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung năm 2024

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong giai đoạn hiện nay nhiều Doanh nghiệp đã có những đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành để thích ứng với môi trường mới thông qua việc đổi mới công nghệ, tự động hóa hoàn toàn với nội dung cơ bản là tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền sản xuất như: Nhà máy xi măng Đồng Lâm, Công ty Cấp nước Thừa Thiên Huế, Công ty Scavi Huế. Một điểm sáng tại tỉnh Thừa Thiên Huế là : Hiện nay chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và xếp thứ 14 trong toàn quốc, đây là kết quả đáng mừng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết thời gian qua Bộ KH&CN đã triển khai một cách hiệu quả và đồng bộ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ với việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp nhà nước; xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ. Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; kết nỗi với các nguồn cung công nghệ từ nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Đặc biệt là xây dựng và nâng cao chất lượng của hệ thống khoa học và công nghệ. Qua đó, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp - động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh mong muốn các doanh nghiệp tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới công nghệ, tăng cường phát triển công nghệ công, tăng cường liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, tiếp cận, làm chủ công nghệ mới; nâng cao năng lực tiếp thu và phát triển các thành quả tiến bộ của khoa học và công nghệ toàn cầu. Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, cũng giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh, tạo ra thị trường mới, thu hút nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín doanh nghiệp.

Các sản phẩm OCOP của doanh nghiệp được giới thiệu tại sự kiện...
Các sản phẩm OCOP của doanh nghiệp được giới thiệu tại sự kiện...

Theo Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế Hồ Thắng, để hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi vào thực chất, việc liên kết vùng hết sức quan trọng. Các địa phương cần định vị tiềm năng, lợi thế để ưu tiên phát triển, xây dựng định hướng phát triển phù hợp, đồng thời cần có những chính sách rộng mở hơn để thu hút nguồn lực ở nhiều phía.

Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã có những điểm nổi bật, với nhiều kết quả ấn tượng... Các sự kiện, cuộc thi, chương trình như Techfest địa phương, vùng, quốc gia cũng đã được tổ chức thường xuyên trên địa bàn. Nhiều chương trình đào tạo, liên kết, hợp tác với cộng đồng trong nước và quốc tế được triển khai; công tác xây dựng cơ chế, chính sách luôn được quan tâm; nhiều trung tâm khởi nghiệp sáng tạo đã được hình thành. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, du lịch, xe tự hành... đã có những bước tăng trưởng mạnh, kết nối được với thị trường toàn quốc và thị trường nước ngoài.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế Dương Tuấn Anh cho biết thông qua đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có thể sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng khâu tiêu thụ sản phẩm và chính sách hậu mãi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đổi mới công nghệ của doanh nghiệp như: Loại hình doanh nghiệp; Tiềm lực tài chính của doanh nghiệp; Tuổi, giới tính của cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, chúng ta cần quan tâm đến các đặc điểm của doanh nghiệp như: Quy mô vốn, quy mô lao động, thời gian hoạt động, mối quan hệ với doanh nghiệp cùng ngành/doanh nghiệp nhà nước, đều có tác động tới quyết định đổi mới công nghệ của doanh nghiệp./.

Bùi Quốc Dũng