CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 với nhiều nội dung đáng chú ý.
Theo đó, kế hoạch kinh doanh năm 2022, FMC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất tăng nhẹ 1,6% đạt 5.290 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 320 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021, mức lãi trước thuế cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp
Với kế hoạch trên, FCM dự kiến chi cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương đương 2.000 đồng/cp. Công ty dự kiến uỷ quyền cho Hội đồng quản trị xem xét cho ứng trước số cổ tức ở từng thời điểm phù hợp.
Đồng thời, FMC cũng thông qua việc chi trả cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 20%/mệnh giá cổ phiếu, thời gian thực hiện sau khi có Nghị quyết của Đại hội thông qua.
Mới đây, doanh nghiệp cũng đã công bố kết quả kinh doanh tháng 2/2022 với doanh số tiêu thụ đạt 11,3 triệu USD, tăng 19% so cùng kỳ. Trong tháng 2, thành phẩm tôm đạt 1.276 tấn, tăng 41% và thành phẩm nông sản đạt 148 tấn, gấp 2,8 lần cùng kỳ.
Trước đó kết thúc tháng 1, FMC ghi nhận doanh số tiêu thụ cao kỷ lục lên tới 28,9 triệu USD, bằng 190% so cùng kỳ năm 2021. Theo đó luỹ kế 2 tháng đầu năm 2022, FMC đã thu về doanh số tiêu thụ 40,2 triệu USD.
Ban lãnh đạo Sao Ta nhận định nhu cầu về sản phẩm thủy sản nói chung, tôm nói riêng sẽ tăng khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở các thị trường nhập khẩu. Sản phẩm tôm được ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến do đó tôm sẽ còn nhiều dư địa phát triển.
Covid-19 làm thay đổi tập quán thói quen của người tiêu dùng, xu hướng chuộng các sản phẩm tiện dụng chế biến sẵn (hàng ăn liền), đóng gói nhỏ. Xu thế này phù hợp với định hướng, năng lực chế biến và cũng là thế mạnh của Sao Ta.
Cùng với đó, nguồn cung nguyên liệu tôm sẽ tăng do công nghệ nuôi tôm ngày càng phát triển, người nuôi hiện nay cập nhật kỹ thuật nuôi tiên tiến cho năng suất cao, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi, nhiểu mô hình nuôi khá thành công như CPF – Combine Model của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam và nhiều mô hình khác. Diện tích nuôi tôm không ngừng được mở rộng, góp phần tăng nguồn cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Bên cạnh những lợi thế sẵn có, Sao Ta cũng nhận thấy đại dịch Covid-19 đã làm tổn thương chuỗi cung ứng toàn cầu. Hệ quả là sự gián đoạn và chi phí vận chuyển tăng rất cao. Nay căng thẳng Nga và Ukraine thêm tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang rất mong manh và tăng thêm giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào sẽ gây ảnh hưởng tới chi phí sản xuất.
Về nuôi tôm, khi đặt trong mối tương quan với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan,... Sao Ta nhận thấy ngành nuôi tôm Việt Nam còn nhiều vấn đề phải quan tâm để giảm giá thành nuôi tôm, tăng sức cạnh tranh mà vẫn kiểm soát được chất lượng. Các nước này cũng có chính sách phát triển mạnh ngành tôm nên xu thế nguồn cung tôm thế giới sẽ tăng. Tôm Ecuador, Ấn Độ có lợi thế giá rẻ đang chiếm lĩnh nhiều thị trường quốc tế, tôm Indonesia không bị áp thuế ở thị trường Mỹ, tôm Thái Lan không bị kiểm tra nghiêm ngặt ở thị trường Nhật.... tất cả những điều trên đang tạo áp lực cạnh tranh gay gắt cho tôm Việt.
Cùng với đó là biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường, xâm nhập mặn, dịch bệnh ngày càng khó lường, khó dự báo trong khi đó nuôi trồng và chế biến thủy sản là ngành lao động nặng nhọc, luôn thiếu hụt lao động. Cạnh tranh lao động trong ngành ngày càng khốc liệt.
Sao Ta xác định giải pháp xuyên suốt là thúc đẩy phát triển vùng nuôi để có nguồn nguyên liệu sạch và chứng minh được khách hàng là tôm Sao Ta được giám sát ngay từ ao nuôi. Vào tháng 6, doanh nghiệp sẽ đưa dự án 52 ha đất nuôi tôm của Khang An vào khai thác. Đơn vị đặt mục tiêu đến 2025 mở rộng vùng nuôi tối đa 500 ha.
Doanh nghiệp sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường Nhật Bản và Mỹ, song song với đó là tìm giải pháp nâng cao thị phần ở EU, Hàn Quốc, Úc. Về quy mô sản xuất, nhà máy chế biến tôm của doanh nghiệp sẽ hoàn thành ở đầu quý III/2022.