Thực trạng sản xuất chè bền vững tại tỉnh Lâm Đồng

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực ngành chè, của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, phát triển liên kết sản xuất. Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức… cạnh tranh nông nghiệp đã hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực sản xuất chè đạt chứng nhận GAP để phát triển chè an toàn, hiệu quả.

Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, có độ cao từ 200 - 2.200m so với mực nước biển với tổng diện tích tự nhiên 9.772,19 km2 trong đó phía Nam - Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận, phía Bắc giáp tỉnh Đắc Lắk - Đắc Nông, phía Tây Nam giáp tỉnh Đồng Nai - Bình Phước…

Trong đó, Lâm Đồng đã và đang hợp tác với các Viện, trường quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật về phát triển chè. Trong xu thế hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại với Trung Quốc từ năm 1991, đặc biệt với các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… là cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành chè của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới.

Thực trạng sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Được biết, cây chè là cây trồng chủ lực của tỉnh, năm 2018 toàn tỉnh có 12.631 ha cây chè, diện tích kinh doanh 12.250 ha, sản lượng đạt 166.983 tấn, ước thực hiện năm 2019: 12.411,3ha, diện tích kinh doanh 12.086,4 ha, ước sản lượng 176.291 tấn.

Đặc biệt, công tác chuyển đổi giống chè luôn được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện đến các địa phương hàng năm thông qua việc hỗ trợ từ đề án chuyển đổi giống cây trồng, chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Diện tích chè hạt giống cũ hàng năm được các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang diện tích có năng suất, chất lượng cao gắn với các doanh nghiệp thu mua, chế biến như giống chè BT14, Olong, Tứ quý, Kim Tuyên, Ngọc Thúy.

Bên cạnh đó, tỷ lệ chè giống mới chuyển đổi hàng năm chiếm 100% diện tích chè chuyển đổi toàn tỉnh. Kết quả năm 2018: 247 ha, ước năm 2019: 70 ha; cơ cấu giống chè đa dạng, trong đó chè cành cao sản BT14, LĐ 97 chiếm 58,2%; chè chất lượng cao Kim Tuyên, Tứ Quý, Olong, Ngọc Thúy 13,6%; còn lại là chè hạt 28,2%.

Hiện nay, các giống chè của tỉnh đều phục vụ cho chế biến chiếm khoảng 90% tổng sản lượng hàng năm, chủ yếu là các giống chè cao sản và chè chất lượng cao. Sản phẩm chè chế biến chủ yếu là chè đen (11,05%); chè xanh (1,41%); chè Olong và chè khác (87,54%).

Đồi chè Cầu Đất thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Đồi chè Cầu Đất thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao đạt 6.108 ha (49,2% tổng diện tích chè của tỉnh) và đang triển khai xây dựng 02 vùng chè ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 600ha tại thành phố Bảo Lộc 300ha. Diện tích chè được chứng nhận theo VietGAP là 361,7ha, ước tính sản lượng 4.618,9 tấn/năm.

Lâm Đồng hiện có 155 công ty chế biến chè với công suất 29.871 tấn/năm và 90 cơ sở chế biến chè với quy mô 17.437 tấn/năm tập trung tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm và Lâm Hà; với công suất chế biến như hiện nay thì nguyên liệu không đáp ứng được công suất chế biến do diện tích và sản lượng giảm mạnh nên một số cơ sở chế biến thiếu hụt nguyên liệu, không thể hoạt động, nhiều cơ sở đã ngừng hoạt động do không đủ nguyên liệu cũng như không thể bán được sản phẩm do không cạnh tranh được về giá.

Thị trường tiêu thụ chè chính chủ yếu vẫn là thị trường nội địa, trong đó thị trường trong nước 74,4%, chủ yếu tại các tỉnh miền Tây, miền Trung, Đông Nam Bộ; xuất khẩu chiếm tỷ lệ 25,6%, với 15 ngàn tấn xuất khẩu năm 2018, thu về 34,5 triệu USD, tăng 22% về lượng và 23% về giá trị so với năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu chè chiếm khoảng 05% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và 11% kim ngạch nông sản xuất khẩu.

Định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất chè bền vững trong thời gian tới. Tiếp tục rà soát Quy hoạch lại diện tích chè của tỉnh, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, nhất là những sản phẩm chè có thị trường xuất khẩu ổn định.

Tăng cường quản lý kỹ thuật, thực hiện các khảo nghiệm xác định các loại thuốc thế hệ mới, thuốc sinh học có khả năng phòng trừ các loại sâu bệnh hại chè nhằm nâng cao chất lượng nguyên liệu tại các vùng trồng chè. Xây dựng vùng sản xuất chè ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm nhằm giảm giá thành và nâng giá trị sản phẩm…

Đầu tư lựa chọn các giống chè năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương để đưa ra sản xuất đại trà sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất và cung ứng nguyên liệu ổn định cho các cơ sở chế biến. Tiếp tục xây dựng và duy trì phát triển các liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với người trồng chè.

Cùng với đó, tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là về cơ cấu giống mới, thu hái, sơ chế, tiến tới đầu tư sản xuất các sản phẩm có chứng nhận, đạt tiêu chuẩn “an toàn thực phẩm” phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu…Thu hút các dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở chế biến, đóng gói, đóng hộp… theo tiêu chuẩn tiêu dùng và xuất khẩu./.

Sơn Thủy