Theo đó, ngày 3/10, SMC sẽ phát hành 500.000 cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên, tương ứng tỷ lệ 0,68% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Nguồn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Đáng chú ý, nhân viên công ty sẽ không phải bỏ tiền để mua cổ phiếu ESOP nhưng bị hạn chế chuyển nhượng.
Cụ thể, nhân viên sẽ không được chuyển nhượng cổ phiếu trong năm đầu và chỉ được bán 50% trong năm thứ 2. 50% còn lại sẽ được tự do chuyển nhượng từ năm thứ 3 kể từ thời điểm phát hành.
Trên thị trường, cổ phiếu SMC đã trải qua nhiều nhịp giảm sâu từ sau khi đạt đỉnh giữa tháng 10 năm ngoái và đang trôi dần về vùng đáy 19 tháng.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 6.620 tỷ đồng, tăng 11%. Giá vốn tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp giảm 70% về 205 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 11,64% xuống 3,1%.
Doanh thu tài chính tăng 144% lên 28 tỷ đồng nhưng chi phí gấp 8,7 lần lên 110 tỷ đồng. Hoạt động liên doanh liên kết giảm lãi từ 23 tỷ về 8 tỷ đồng trong khi hoạt động khác có lãi 12 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 12 tỷ. Chi phí bán hàng tăng 64%, chi phí quản lý giảm 26%.
Theo đó, doanh nghiệp thép ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ quý II đạt 47 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 20% lên 13.250 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 10,2% xuống 3% là yếu tố chính khiến lãi ròng giảm 82% xuống 127 tỷ đồng. EPS cũng giảm 82% xuống 2.086 tỷ đồng. Công ty thực hiện được 66% mục tiêu doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận sau nửa năm.
Công ty cho biết sản lượng trong nửa đầu năm giảm 2% nhưng cơ cấu mặt hàng thay đổi nên doanh thu tăng. Song, giá thép xu hướng giảm nhanh dẫn đến giá vốn cao và ảnh hưởng đến việc dự trữ nguyên liệu phục vụ sản xuất và buộc phải dự phòng.
Tại thời điểm cuối quý II, công ty có 3.542 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng 39% so với đầu năm. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho 170 tỷ đồng, tăng so với mức 119 tỷ đầu năm. Khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng từ 2.858 tỷ đồng lên 3.632 tỷ đồng, chủ yếu trong phải thu của khách hàng.