PV: Thưa bà, từ bao giờ bà có ý tưởng về việc đào tạo giáo viên, học sinh với hình thức trực tuyến?
TS Nguyễn Thị Hậu: Từ những chuyến đi tập huấn trực tiếp tại các tỉnh thành trong cả nước, tôi luôn có ý tưởng thay đổi hình thức tập huấn giáo viên trực tuyến. Với hình thức này giáo viên được cập nhật thường xuyên các kiến thức kỹ năng mới, chủ động được thời gian học tập, không tốn kém kinh tế cho bên tổ chức tập huấn. Điều quan trọng là tất cả giáo viên đều được học tập chứ không chỉ là các cán bộ cốt cán, các nhà quản lý giáo dục mới được tập huấn.
Lúc đó, ý tưởng đào tạo trực tuyến chưa được áp dụng bởi hình thức này còn xa lạ với giáo viên và với cả giảng viên. Nhưng bản thân tôi luôn ấp ủ và tin chắc nhất định hình thức này sẽ phổ cập rộng rãi trong tương lai gần. Để thử nghiệm các khó khăn và thuận lợi của đào tạo trực tuyến tôi đã tự quay phim, lồng tiếng, thu âm, edit video, photoshop thiết kế các trang Fanpage, Youtube để thử nghiệm. Tôi tâm đắc với hình thức đào tạo này vì đỡ cho người học rất nhiều công sức đi lại và được học đi học lại trên các nền tảng xã hội.
Năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông mới được dư luận xã hội quan tâm rất nhiều. Là người tham gia tổ chức, soạn thảo, biên tập, góp ý chương trình từ những năm còn trong nghiên cứu, tôi nhận thấy đa phần giáo viên hoang mang, chưa hiểu hết cái hay, cái mới cái tiến bộ của CTGDPT2018 nên đã tự sản xuất nhiều video chia sẻ thêm về những câu hỏi của giáo viên, cộng đồng mạng. Lúc đó tôi nghĩ mình là người hiểu thấu CTGD và SGK mới nên nhất định phải làm gì đó để đồng hành với giáo viên và học sinh trong thời gian thay CTGD và SGK mới.
PV: Điều kiện chủ quan và khách quan nào để bà quyết định chính thức bước sang lĩnh vực dạy trực tuyến cho cộng đồng học sinh và giáo viên?
TS Nguyễn Thị Hậu: Về chủ quan, năm 2019, tôi thấy đã trải nghiệm vừa đủ các vai trò của một người nghiên cứu, tổ chức, thẩm định bản thảo SGK mới, tôi chủ động xin dời sứ mệnh nhà nghiên cứu để chuyển sang lĩnh vực đào tạo giáo viên. Tôi đem ý tưởng và dự định ấp ủ của mình chia sẻ cho một chị bạn có công ty giáo dục và hệ thống trường học liên cấp uy tín trong và ngoài nước.
Tháng 8/2019, tôi nhanh chóng nhận công việc mới về một công ty giáo dục để bắt tay xây dựng Viện đào tạo thực hành sư phạm. Một năm sau, toàn bộ khung chương trình đào tạo giáo viên từ tiểu học đến hết THPT trong 5 năm được tôi và các chuyên gia trong, ngoài nước nghiên cứu, xây dựng giáo trình đào tạo chuẩn bị cho lộ trình đào tạo song song với sách giáo khoa mới đưa vào sử dụng.
Về khách quan, đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 ập đến, đúng là thời điểm người lao động thất nghiệp do mọi hoạt động đào tạo offline phải ngừng lại. Tôi không ngoại lệ. Lúc này tôi tranh thủ toàn bộ thời gian tạm nghỉ tránh dịch bệnh để dốc sức sản xuất ra nhiều bài học trên kênh Youtube của mình để chia sẻ cho cộng đồng học sinh và giáo viên. Chính lúc này, tất cả mọi người bắt buộc phải làm quen dần với việc học trên kênh Youtube và dạy học trực tuyến. Đó chính là thời điểm cho tôi thử nghiệm kênh giáo dục trực tuyến của mình.
PV: Động lực nào để bà đam mê cống hiến hết mình dạy trực tuyến miễn phí cho cộng đồng học sinh?
TS Nguyễn Thị Hậu: Động lực thứ nhất, thời điểm cống hiến tốt nhất đem kinh nghiệm và năng lực sẵn có của mình cống hiến cho cộng đồng giáo dục: Hỗ trợ biên soạn tài liệu giảng dạy chuẩn hóa kiến thức, kỹ năng đáp ứng giáo viên dạy online có đủ tài liệu chia sẻ lên màn hình cho học sinh tiếp cận kênh chữ tốt nhất. Đây là điểm mạnh của mình được phát huy trao đi cho cộng đồng khi không phải ai cũng có kinh nghiệm biên soạn tài liệu được chuẩn hóa như mình.
Động lực thứ hai, vốn là người luôn mong được trao đi cho mọi người những giá trị mà mình tích lũy được mấy chục năm nay, nhất là thế mạnh về giáo dục. Đây là thời điểm cộng đồng xã hội cần mỗi người nhà giáo, mỗi chuyên gia giáo dục chung tay góp phần giảm tải áp lực lo lắng cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Động lực thứ ba, đây là thời điểm thử nghiệm tốt nhất hình thức dạy online. Tôi dạy miễn phí qua Zoom cho tất cả học sinh trên toàn quốc, số học sinh về đông dần lên rất vui. Tôi dạy khóa đầu tiên là ôn thi môn Ngữ văn vào lớp 10. Khi đó, các em học sinh được giáo viên giới thiệu vào phòng Zoom nên giáo viên cũng được quan sát quá trình học và học cùng các em. Năm 2019 tôi đã đào tạo được rất nhiều lớp, rất nhiều buổi học trực tuyến như vậy. Qua thử nghiệm năm 2019, tôi nhận thấy chất lượng học online khác hẳn, tư duy của học sinh và giáo viên thay đổi. Họ đã bắt đầu thích thú với việc dạy - học online; phụ huynh cũng thấy được việc học online khá lợi thế, họ không phải đưa đón con, không phải “chạy show”, khó khăn, vất vả trong những ngày dịch bệnh.
Động lực thứ tư, tiếp cận với khoa học công nghệ đó là thuận lợi của thế hệ học sinh, thế hệ trẻ năng động nên việc sử dụng Internet khá nhanh và thuần thục. Chính bản thân tôi cũng phát triển năng lực dạy học trực tuyến và sáng tạo nhiều sản phẩm học liệu số có chất lượng đáp ứng sự thay đổi phương pháp giảng dạy.
PV: Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy nhưng bà đã chuyển sang Viện nghiên cứu chương trình và học liệu giáo dục của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam từ những năm đầu tiên của giai đoạn biên soạn chương trình và SGK mới, nhất là khi đưa CTGDPT và SGK mới vào giảng dạy chính thức trong nhà trường, bà đã có những thuận lợi gì cho việc triển khai đào tạo giáo viên và học sinh dạy và học SGK mới?
TS Nguyễn Thị Hậu: Thuận lợi thứ nhất, tôi được đào tạo từ trường sư phạm và có 30 năm trực tiếp giảng dạy chương trình THCS, THPT môn Ngữ văn. Điều này rất quan trọng bởi có kinh nghiệm và nghiệp vụ sư phạm, thấu hiểu đội ngũ giáo viên và học sinh phổ thông cần đào tạo gì.
Thuận lợi thứ hai, là người nghiên cứu, viết sách giáo dục, trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn nên tất cả Chương trình đào tạo của tôi rất chi tiết: Từ khái quát đến cụ thể, từ kiến thức đến kỹ năng thực hành biên soạn giáo án, thiết kế bài tập, lựa chọn phương pháp giảng dạy theo từng thể loại kiểu văn bản…
Thuận lợi thứ ba, là người đã xây dựng khung đề cương chương trình giáo dục, chương trình sách nên thiết kế lộ trình đào tạo bài bản, phù hợp với CTGDPT 2018 và SGK mới cho năm nay và 20 năm sau không lạc hậu.
Thuận lợi thứ tư, trực tiếp giảng dạy cho học sinh các cấp nên chương trình thiết thực hiệu quả cao được trải nghiệm rồi chia sẻ đào tạo giáo viên dạy theo phương pháp của mình đã thành công.
Thuận lợi thứ năm, là chủ biên, đồng chủ biên, là tác giả viết nhiều bộ sách có giá trị nên học sinh, giáo viên được học tập trên tài liệu chuẩn.
Thuận lợi thứ sáu, là người sáng tạo trong thiết kế các sản phẩm học liệu số, tự biên, tự sản xuất nên có ý tưởng là nảy ra được sản phẩm học sinh được thụ hưởng ngay mà không mất kinh phí.
PV: Những khó khăn gì trong việc triển khai đào tạo giáo viên và học sinh dạy và học SGK mới, thưa bà?
TS Nguyễn Thị Hậu: Khó khăn thứ nhất, chuyên môn cần tập trung sâu, chất lượng cao không có nhân lực, kinh phí để đầu tư theo ý tưởng. Dự án cần nhân sự cao cấp, các sản phẩm giáo dục đa dạng nên đầu tư kinh tế là rất cần thiết.
Khó khăn thứ hai, dự án chất lượng, tâm huyết của người làm khoa học chuyên môn nhưng thiếu công tác truyền thông nên không đến được với người cần học.
Khó khăn thứ ba, học viên là giáo viên bận nhiều công việc nên việc cho đi chương trình đào tạo cũng không phải giáo viên nào cũng bỏ thời gian ra để thực hành để phát triển năng lực của bản thân.
PV: Hiện tại, Hà Nội trong giai đoạn “đỉnh” dịch, việc học online rất cấp tiến và cần thiết. Để phù hợp với tình hình trên, bà có lời khuyên gì với phụ huynh, giáo viên và các em học sinh?
TS Nguyễn Thị Hậu: Dịch bệnh khiến mọi thứ đảo lộn và khó khăn trên tất cả mặt trận. Tôi quan tâm từng ngày, từng giờ để biết đại dịch đang diễn biến như thế nào. Bản thân tôi là người trực tiếp giảng dạy online, tôi thấu hiểu được những khó khăn của việc dạy học mùa dịch nhưng không vì thế mà không nỗ lực cố gắng.
Giáo viên, phụ huynh và học sinh đều thấu hiểu được việc quay trở lại trường trong đại dịch là vô cùng nguy hiểm, khó khăn. Là một nhà chuyên gia giáo dục, tôi khẳng định rằng, nếu chúng ta có phương pháp thì học online hay offline không ảnh hưởng đến chất lượng.
Việc dạy online đối với mỗi giáo viên vất vả hơn nhưng cũng chất lượng hơn rất nhiều lần so với việc học offline. Trên các phần mềm trực tuyến, chúng tôi chia sẻ được tài liệu, chuyển hóa video cho người học. Bên cạnh đó, người học không chỉ học một lần mà có thể học đến ba, bốn, năm lần qua những video bài giảng. Với tôi, đào tạo online chất lượng hơn rất nhiều bởi sự đầu tư trong mỗi bài giảng.
Tôi đã từng chia sẻ rằng, các em học online chất lượng hay không chất lượng là do chính sự quyết định và ý thức của các em. Bản thân đội ngũ giáo viên và các chuyên gia họ làm việc tận tâm hết mình chia sẻ với cộng đồng, nay đại dịch Covid-19 lại khiến họ vất vả gấp nhiều lần. Họ bỗng nhiên trở thành người đứng đầu trên chuyến tàu chống dịch trong mặt trận văn hóa, giáo dục. Vì vậy, phụ huynh và học sinh cần phải chia sẻ với những thầy cô giáo và những nhà quản lý giáo dục.
Nhiều phụ huynh cũng đồng tình với quan điểm của chúng tôi, mong mọi người hãy thay đổi nhận thức, ý thức về chuyện học online, đừng ngồi đấy và chỉ chờ hết dịch để đến trường. Đã tròn một năm chúng ta không được đến trường, chỉ còn vài tháng nữa sẽ kết thúc năm học và đến hẹn lại lên lớp 9 phải cấp tốc ôn thi vào lớp 10. Cho nên ngay từ bây giờ, trước cảnh báo về “đỉnh” dịch tất cả chúng ta phải thực sự ý thức và nhận thức cao về việc phải học online chất lượng, không còn cách nào khác. Hơn lúc nào hết, học sinh phải thay đổi nhận thức của chính mình mới có kết quả học tập tốt.
Thời điểm này chúng tôi đang tăng cường tất cả các video bài giảng từ lớp 6 đến lớp 12. Một ngày có thể sản xuất đến 30 video đăng tải lên các kênh nên học sinh, giáo viên hoàn toàn có thể yên tâm học miễn phí. Tôi mong muốn mình là một điểm tựa để tất cả giáo viên, học sinh dựa vào, cùng nhau học trên một kênh có sẵn. Với những tài liệu đạt chuẩn quốc gia nên chất lượng giảng dạy là không cần bàn cãi.
Trong tình hình đất nước dịch bệnh, là một giáo viên chuyên về nghiên cứu, tuy không thể tham gia vào tuyến đầu chống dịch nhưng thay vào đó tôi toàn tâm toàn ý, mong muốn cống hiến giá trị về giáo dục cho cộng đồng qua các video trên kênh Youtube cũng như qua dự án TSH. Dự án TSH là sự đầu tư về kinh tế, tài chính cũng như về chất xám và nhân lực. Và tôi mong muốn nó sẽ được lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng nhiều hơn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!