Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6 giờ, ngày 6/9
Tại cuộc họp báo chiều 20-8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp biểu quyết thống nhất trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ đến 6h ngày 6/9/2021.
Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao mô hình "vùng xanh", huy động được lực lượng rất lớn nhân dân tham gia. Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nguy cơ vẫn rất cao. Vẫn còn có F0 trong cộng đồng; dịch bệnh ở phía Nam và các tỉnh lân cận vẫn diễn biến phức tạp; một số mục tiêu của việc giãn cách đặt ra như hạn chế mức thấp nhất người ra đường vẫn chưa đạt được.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố: Tiếp tục giãn cách sau ngày 23/8 đến 6 giờ ngày 6/9/2021. Giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố ban hành Công điện mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND Thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, mục tiêu trong giai đoạn tới là tận dụng ngày giãn cách xã hội để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0; tăng cường tiêm vaccine; nâng cao năng lực của y tế Thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Đồng thời, Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc còn bộc lộ hạn chế trong thời gian vừa qua, như thực hiện giãn cách nhưng trên thực tế lượng người ra đường vẫn còn đông. Việc này TP đã giao Công an TP có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp, tham mưu với Sở chỉ huy phòng, chống dịch của TP về giải pháp phù hợp hơn, sát tình hình thực tiễn hơn, đảm bảo giãn cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn nữa…
Một mặt tích cực phòng chống dịch, một mặt đẩy mạnh bằng các nguồn lực để hỗ trợ an sinh xã hội. Thành phố Hà Nội nhanh chóng bám sát thực tiễn, căn cứ vào điều kiện của mình để bổ sung thêm vào chính sách, với mục đích cao nhất là hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn. Ban hành Nghị quyết 15/NQ-HĐND bổ sung thêm 10 nhóm đối tượng không thuộc Nghị quyết 68. Đây là chính sách riêng có của Hà Nội, được người dân rất ủng hộ. Thành phố cũng có chính sách dùng 500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP để uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho người lao động vay giải quyết việc làm.
Tiếp tục giãn cách xã hội cũng giúp Hà Nội tránh nguy cơ dịch bùng phát mạnh đợt nghỉ lễ 2/9
Trước đó, Hà Nội bắt đầu thực hiện Chỉ thị 17 của UBND thành phố (trên nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng) từ 6h ngày 24/7. Sau đó, Hà Nội gia hạn biện pháp giãn cách thêm 15 ngày, đến 6h ngày 23/8.
Sau gần 4 tuần, diễn biến dịch tại thủ đô có chuyển biến tích cực, song số ca mắc được phát hiện hàng ngày vẫn ở mức cao, 50-60 ca/ngày.
Theo số liệu từ CDC Hà Nội, từ đầu tháng 8, các ổ dịch lớn với nhiều ca nhiễm mới tập trung tại Đông Anh, Thanh Trì, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai. Đáng chú ý, Thanh Trì và Đông Anh đang dẫn đầu về số ca dương tính phát hiện qua sàng lọc ho, sốt thứ phát với lần lượt 178 và 173 trường hợp (tính từ 1/8).
Dịch bệnh có xu hướng lan rộng với chu kỳ lây ngắn hơn, bằng chứng là 30/30 quận, huyện, thị xã đều đã phát hiện trường hợp nhiễm nCoV ở đợt dịch thứ 4. Một số ổ dịch như Nhà thuốc Đức Tâm (Đống Đa), Công ty SEI (Đông Anh) bắt đầu tạo chuỗi lây nhiễm rải rác.
Nhiều chuyên gia nhận định việc kéo dài giãn cách xã hội là giải pháp tốt nhất cho Hà Nội lúc này. Giãn cách giúp thành phố tìm, cách ly nốt các F0 còn lại khi dịch bệnh đã ngấm sâu trong cộng đồng. Bên cánh đó, việc giãn cách cũng giúp Hà Nội tránh nguy cơ dịch bùng phát mạnh đợt nghỉ lễ 2/9.
Trao đổi với báo chí, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đánh giá, số lượng ca nhiễm tại Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", giảm không bền vững.
Cũng theo ông Tuấn, thành phố đã thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, đặc biệt là 1 tháng giãn cách như “lò xo nén”, nếu mở cửa ngay lập tức sẽ bung ra khối lượng đi lại rất lớn.
Còn theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa cấp cứu và hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận định, thời gian qua Hà Nội đang làm rất tốt việc giãn cách xã hội và người dân cơ bản tuân thủ, các ca COVID-19 trong cộng đồng có chiều hướng giảm.
Các vùng xanh, vùng đỏ cũng được Hà Nội thiết lập và kiểm soát chặt chẽ người ra vào, đây là những sáng kiến tốt từ TP.
"Tuy nhiên, vẫn có những ca F0 ngoài cộng đồng, vì vậy chưa thể thực hiện kết thúc lệnh giãn cách được ngay. Sắp tới ngày lễ 2-9, nếu nới lỏng giãn cách thì người dân sẽ đi lại rất đông. Vì vậy tôi nghĩ TP. Hà Nội nên nghĩ đến việc tiếp tục thêm thời gian giãn cách xã hội để qua thời điểm lễ Quốc khánh", ông Hải nhận định.
Về hình thức giãn cách, ông Hải cho biết TP vẫn nên áp dụng theo chỉ thị 16 của Thủ tướng cho đến hết dịp nghỉ lễ 2-9, sau đó sẽ có những bước điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Hải nói: "Tốt nhất trí là khi nào không có ca F0 nào trong cộng đồng nữa thì mới bắt đầu nới lỏng, hoặc sẽ giãn cách thành những giai đoạn ngắn hơn, từ 14 ngày xuống còn 7 ngày".
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.