Báo cáo mới công bố của Metric cho thấy tổng doanh thu 9 tháng đầu năm nay trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 163.000 tỷ đồng, tăng hơn 54% so với cùng kỳ. Doanh thu thương mại điện tử 3 quý đầu năm thậm chí còn cao hơn năm ngoái 7%, tương đương gần 10.000 tỷ đồng.
Theo Metric, có được điều này là nhờ sự góp sức không nhỏ từ “tân binh” TikTok Shop với doanh thu 25.000 tỷ đồng trong 9 tháng. Chỉ tính riêng quý 3, TikTok Shop là đơn vị có thị phần lớn thứ 2 xét về doanh thu tại Việt Nam, với hơn 10.000 tỷ đồng.
Trong kỳ, Shopee vẫn dẫn đầu với doanh thu hơn 43.700 tỷ đồng, bỏ xa Lazada ở vị trí thứ 3 với 8.700 tỷ đồng. Hai sàn thương mại điện tử trong nước là Tiki và Sendo xếp thứ 4 và thứ 5 với doanh thu lần lượt là 599 tỷ đồng và 29 tỷ đồng.
Dựa trên kết quả doanh thu, Shopee nắm giữ 69% thị phần, TikTok Shop nắm giữ 16%, Lazada nắm giữ 11% và 1% còn lại thuộc về Tiki. Đây là quý thứ 2 TikTok Shop duy trì được thị phần lớn tại Việt Nam, vượt xa đối thủ Lazada.
Trước đó, quý 2 năm 2023 là quý đầu tiên ghi nhận doanh thu của TikTok Shop vượt doanh thu của Lazada trên thị trường thương mại điện tử.
Không chỉ ở Việt Nam, TikTok Shop còn đang phân phối lại thị phần thương mại điện tử trong khu vực. Năm nay, TikTok Shop đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt 15 tỷ đồng. Đây là mức tăng đáng kể so với những gì TikTok Shop đạt được vào năm 2022 (4,4 tỷ USD).
Theo Momentum Works, nếu TikTok Shop đạt được mục tiêu đề ra, thị phần của nền tảng thương mại điện tử này trong khu vực sẽ xấp xỉ Tokopedia (ước tính 13,9%) và thấp hơn một chút so với Lazada (ước tính 17,7%) trong năm nay.
Bà Weihan Chen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tại Momentum Works, tin rằng TikTok Shop có thể là đối thủ nặng ký với các nền tảng thương mại điện tử khác trong khu vực.
Để cạnh tranh với TikTok Shop, Shopee - nền tảng thương mại điện tử có thị phần lớn nhất cho biết sẽ tập trung nhiều hơn vào tính năng phát trực tiếp. Điều này sẽ khiến Shopee phải cạnh tranh khốc liệt hơn với các đối thủ vì phát trực tiếp từ lâu đã là một tính năng chủ chốt của TikTok.
Chiến lược để TikTok Shop tiến nhanh trên thị trường thương mại điện tử có thể gói gọn trong thuật ngữ “Shoppertainment” (kết hợp mua sắm và giải trí).
Theo Boston Consulting Group, mua sắm giải trí là “cơ hội trị giá 1.000 tỷ USD” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dự kiến quy mô thị trường Mua sắm giải trí sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ mức 500 tỷ USD vào năm 2022.
Việt Nam thuộc nhóm thị trường ổn định với thị phần Mua sắm giải trí dự kiến khoảng 25-40%, với quy mô dưới 15 tỷ USD. Yếu tố này đã giúp TikTok Shop nhanh chóng khẳng định tầm ảnh hưởng của mình, vươn lên trở thành nền tảng thương mại điện tử có doanh thu lớn thứ 2 tại Việt Nam dù chỉ mới gia nhập thị trường vào tháng 4 năm ngoái.
So với cùng kỳ năm ngoái, quý 3/2023 tiếp tục chứng kiến lượng người bán sụt giảm mạnh khi mức giảm lên tới 12%.
Theo Metric, nguyên nhân đầu tiên đến từ yếu tố khách quan của thị trường. Kinh tế trong nước 9 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình kinh tế chung thế giới còn bất ổn.
Đồng thời, việc người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” và ngày càng tính toán chi tiêu kỹ càng hơn đã tác động tiêu cực trực tiếp đến người bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử.
Điều này cho thấy, các nền tảng thương mại điện tử cần có những giải pháp để thu hút và giữ chân người bán, đồng thời hỗ trợ người bán hàng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Bảo An