Tìm hiểu lớp lông tơ trắng trên búp chè Shan tuyết

Cái tên “chè Shan tuyết” không phải cái tên chỉ vùng miền, cũng không phải cái tên mang sắc - vị mà nó bắt nguồn từ chính đặc điểm của chè Shan. “Chè Shan tuyết” được bắt nguồn chính đặc điểm của cây chè đó chính là lớp lông mao trắng tinh khôi trên búp trà. Theo người dân bản địa, chè Shan tuyết là chè được ngậm tuyết và mọc trên núi cao.

Chè Shan Tuyết là loại cây gỗ lớn, thân cổ thụ có lớp giống như mốc trắng bao phủ toàn thân, cao đến hàng chục mét. Người ta chỉ lấy phần búp và lá non của những cây cổ thụ trà này để làm trà. Búp trà khá lớn, lá trà dày, trên bề mặt có tuyết trắng.

Tìm hiểu lớp lông tơ trắng trên búp chè Shan tuyết - Ảnh 1

Đúng như chữ “Tuyết” trong tên gọi, chè Shan Tuyết cố thụ sinh trưởng ở những vùng núi cao từ 2000-2800m so với mực nước biển của vùng Tây Bắc Việt Nam với khí hậu lạnh và sương mù giăng phủ quanh năm. Hiện nay, theo ghi nhận, có 6 tỉnh miền núi Tây Bắc có loại trà tuyệt hảo này: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên Và Hòa Bình. Trong 6 vùng này, Sơn La và Yên Bái là nơi cho ra những loại trà shan tuyết nổi tiếng nhất.

Trà Shan Tuyết có lá to, dày và màu xanh sẫm, búp trà Shan to mập mạp màu trắng xám. Trà Shan Tuyết có mùi thơm dịu, nước vàng sánh màu mật ong. Nhờ được hưởng tinh hoa của đất trời nên chè Shan Tuyết có hương vị đặc biệt khác hẳn với các loại chè khác. Một đặc điểm rất đặc biệt và cũng làm nên cái tên gọi “chè Shan tuyết” đó là do lớp mao (lông tơ) trắng trên búp, lá chè. Những sợi lông tơ nhỏ li ti bám dầy quanh búp trà từ khi còn tươi, qua phương pháp chế biến riêng của người dân, lớp tuyết đó vẫn được giữ lại trên các lá chè khô (các phẩm trà Shan tuyết).

Tìm hiểu lớp lông tơ trắng trên búp chè Shan tuyết - Ảnh 2

Màu trắng của búp trà shan tuyết phụ thuộc và độ tuổi của cây trà, độ cao địa lý cây trà sinh sống. Màu trắng của Bạch trà cũng phụ thuộc vào quy trình sản xuất, quy trình chuẩn, nhiệt độ chuẩn búp bạch trà sẽ trắng hơn. Và cũng có thể nói, chỉ chè Shan tuyết mới cho ra phẩm Bạch trà thượng hạng.

Chè Shan tuyết được xếp hàng “đầu bảng” các loại chè. Mọi người vẫn bảo đây là loại chè “năm cực”. “Cực khổ” - khi trồng và thu hái; “cực sạch” - vì những điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm giữ của người trồng; “cực hiếm” - vì sản lượng ít (đến nay, dù đã tăng thêm diện tích trồng nhưng mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ mới thu hái được chừng 200 tấn chè búp); “cực ngon” - với đủ các phẩm chất đỉnh cao mà mỗi chén trà phải có như hương thơm, vị đậm, nước xanh. Và vì cả bốn “cực” trên nên đương nhiên, có thêm “cực đắt”.

Một năm chè Shan Tuyết được thu hoạch thành 3 vụ trong đó vụ cuối thường vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 âm lịch. Khi đến mùa thu hoạch, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh cô gái Mông trong chiếc váy xòe bắt mắt trèo lên những cây chè cổ thụ hái búp xanh non. Chè Shan Tuyết càng già càng quý, càng nhiều tuyết trắng thì càng được yêu thích.

Tìm hiểu lớp lông tơ trắng trên búp chè Shan tuyết - Ảnh 3

Búp chè shan màu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông. Sau khi chè tươi hái về, chọn những búp chè không bị sâu, không quá già, sau đó đưa vào chảo để sao. Sao chè nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước chè mới xanh. Khi sao chè, phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ. Trong quá trình sao lửa phải liu riu thật đều, rồi đưa chè ra vò bằng tay, phải khéo léo sao cho chè không bị nát, vừa không mất hương chè, vừa không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp chè. Đó là cả một quá trình cẩn thận, kỹ lưỡng mà người sao chè phải để hết tâm huyết vào. Đây là kinh nghiệm và bí quyết sao chè của người Mông trước đây truyền lại. Sau khi sao, những búp chè săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng, mang hương thơm độc đáo thanh cao của núi ngàn.

Chè Shan là một thứ chè rất được nước, rất nịnh hương, uống xong rồi dư âm của thứ hương rừng sắc núi ấy vẫn cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi. Nước chè vàng óng, có điểm nhẹ những lông tơ trắng cùng hương thơm thoang thoảng, nhấp một ngụm nhỏ đã thấy vị chát lan tỏa, rồi dần dần là vị ngọt đậm cứ chầm chậm thăng hoa nơi đầu lưỡi, như muốn níu kéo khách đường xa ở lại với xứ này.