Lục Vũ tên tự là Hồng Tiệm, người đất Cánh Lăng, Phục Châu (nay là huyện Thiên Môn, Hồ Bắc, Trung Quốc). Tương truyền, khi ông mới sinh ra đã bị cha mẹ bỏ rơi bên bờ sông, được nhà sư Tích Công trụ trì chùa Long Cái nhận nuôi. Ban đầu, Hòa thượng gửi Lục Vũ ở nhà một nho sĩ họ Lý, khi lên 6 tuổi ông quay về sống cùng Đại hòa thượng Tích Công. Nhưng Lục Vũ lại không có chí đi theo nhà Phật, mà để tâm nghiên cứu Nho giáo. Giận Lục Vũ không biết nghe lời, Tích Công hòa thượng phạt ông phải làm công việc như lau rửa nền nhà, trộn bùn đắp tường, cõng ngói lợp chùa... Các nhà sư mong rằng cách trừng phạt này sẽ khiến ông học được tính kỷ luật và khiêm tốn để tiếp tục tu học nhưng đều vô ích.
Đáng nói, ngay từ khi còn nhỏ Lục Vũ đã biết pha trà cho hòa thượng, dần dần cũng biết cách thưởng thức trà. Ông không những biết uống trà, pha trà, mà còn biết để ý học hỏi những người xung quanh cách sản xuất và kinh nghiệm uống trà. Do chăm chỉ nghiên cứu Nho học và ngày càng lạnh nhạt với Phật học, vì vậy thường bị đánh đòn nên ông đã trốn đi khỏi chùa. Tích Công hòa thượng rất sành uống trà, nếu không phải trà do Lục Vũ pha thì không uống.
Từ khi Lục Vũ bỏ đi, uống trà do người khác pha, hòa thượng đều thấy nhạt nhẽo vô vị, đành từ bỏ thú vui uống trà. Sau khi Đại Tông hoàng đế nghe được câu chuyện đó, bèn triệu hòa thượng Tích Công vào cung, ra lệnh người trong cung pha trà cho ông uống, để thử khẩu vị của hòa thượng. Khi nhấp một ngụm trà, hòa thượng đã chau mày nhăn mặt không uống nữa. Thấy vậy, hoàng đế cho người đi khắp nơi tìm bằng được Lục Vũ, bí mật triệu vào cung, ra lệnh pha trà. Tích Công hòa thượng sau khi uống thử, luôn miệng ca ngợi và cao hứng nói rằng: Đây đúng là trà do Lục Vũ pha.
Lục Vũ sống vào đời đại thịnh Đường, đúng vào thời kì nghề trà ở Trung Quốc phát triển mạnh. Đương thời, vùng duới sông Giang Hoài trở về phương nam, cây trà được trồng rộng rãi, lá trà được đề cao, phẩm loại tăng rất nhiều. Dùng trà để uống, từ Giang Nam truyền lên phương bắc ngày càng thịnh hành.
Theo sử sách ghi chép, Lục Vũ 22 tuổi mới bắt đầu xuất du, đi qua các đất Ba Sơn, Giáp Châu lên tới Nghĩa Dương quận miền Bắc (nay là suốt dọc vùng Tín Dương, Hà Nam). Năm 24 tuổi, ông xuất du lần thứ hai đến hạ lưu sông Trường Giang và các đất lưu vực sông Hoài. Trong vòng vài năm, dấu chân ông ghi lại khắp các vùng Sơn Nam, Hoài Nam, Kiếm Nam và 23 châu nổi tiếng về sản xuất Trà ở Chiết Đông. Ông tiến hành nghiên cứu thực địa, khảo sát đủ mọi mặt trồng trọt, bảo duỡng, hái lá trà, nghệ thuật sao chế và thông hiểu các tập quán thích trà, uống trà ở khắp nơi. Ông sưu tập đuợc rất nhiều tư liệu về trà, chuẩn bị đầy đủ cho trứ tác của mình
Lục Vũ 28 tuổi, du lịch đến Hồ Châu (nay là Chiết Giang). Hồ Châu cũng là nơi nổi tiếng sản xuất Trà, ở đây có núi Cố Chử có loại tử duẫn trà “nước trong xanh thơm phức, mùi vị làm say người”, là cống phẩm dâng hoàng đế. Ở Hồ Châu, Lục Vũ kết giao với cao sĩ danh tăng Nhan Chân Khanh, Lý Dã, Mạnh Giao, Trương Chí Hoà, Lưu Trường Khanh, Linh Triệt, Hạo Nhiên. Được sự giúp đỡ của Nhan Chân Khanh, một thư pháp gia nổi tiếng, ông đã đọc được rất nhiều sách, nắm được một số lượng lớn những tư liệu lịch sử quý giá về trà.
Cả đời Lục Vũ rất thích trà và đã chuyên tâm nghiên cứu. Trong thời gian ẩn cư ở Triết Giang, ông tìm hiểu về lịch sử của trà, cặm cụi viết bộ “Trà Kinh”. Được sự giúp đỡ của Nhan Chân Khanh, một thư pháp gia nổi tiếng, ông đã đọc được rất nhiều sách, nắm được một số lượng lớn những tư liệu lịch sử quý giá về trà, cuối cùng đã hoàn thành bộ “Trà Kinh”, về sau được Nhan Chân Khanh tiến cử xuất bản.“Trà Kinh” đã giới thiệu một cách tỉ mỉ về lịch sử của trà và nghệ thuật trà đạo. Nó đã có tác dụng quan trọng trong việc hình thành và phát triển văn hoá trà đối với Trung quốc và cả thế giới. “Trà Kinh” vừa xuất bản đã thu hút sự chú ý của mọi người, đồng thời nhanh chóng truyền bá trong và ngoài nước. Từ đó, tên gọi Lục Vũ nổi tiếng khắp nơi, và được mọi người tôn xưng là “Trà Thần”.
Tác phẩm Trà kinh của Lục Vũ là công trình chuyên khảo về trà đầu tiên của nhân loại, là một công trình tựa hồ đã bao quát hết thảy những khía cạnh tri thức có liên quan đến cây trà, xứng đáng được xem như một bộ bách khoa thư về trà học. Chỉ trong vỏn vẹn 7.000 chữ, Lục Vũ đã hệ thống toàn bộ kho tàng tri thức về cây trà lẫn về văn hóa thưởng trà của Trung Quốc, tạo nên một sức ảnh hưởng to lớn và bền bỉ cho đến tận ngày nay.
Trà Kinh gồm ba cuốn và mười chương. Chương đầu tiên, Lục Vũ bàn về tính chất tự nhiên của cây Trà; chương hai nói về các dụng cụ thu hoạch lá Trà; chương ba bàn về việc lựa chọn lá Trà. Chương bốn dành để liệt kê và miêu tả bộ đồ Trà gồm hai mươi tư Trà cụ, bắt đầu từ chiếc lò ba chân và kết thúc là chiếc tủ tre để cất tất cả các dụng cụ này. Trong chương năm, Lục Vũ miêu tả cách pha Trà. Ông loại bỏ tất cả các thành phần ngoại trừ muối. Ông cũng chú trọng đến vấn đề nhiều tranh cãi là việc chọn loại nước và độ sôi của nước. Những chương còn lại trong Trà Kinh bàn về sự thô tục trong cách uống Trà thông thường, một bản tóm tắt lịch sử của những người thưởng Trà nổi tiếng, những vườn trồng Trà nổi danh của Trung Quốc, sự đa dạng của Trà cụ và các hình vẽ minh họa chúng. Lục Vũ đã nhìn thấy trong Trà một sự hòa hợp cũng như tính trật tự ngự trị tất thảy mọi vật.
“Trà Kinh” đã giới thiệu một cách tỉ mỉ về lịch sử của trà và nghệ thuật trà đạo. Nó đã có tác dụng quan trọng trong việc hình thành và phát triển văn hoá trà đối với Trung quốc và cả thế giới. “Trà Kinh” vừa xuất bản đã thu hút sự chú ý của mọi người, đồng thời nhanh chóng truyền bá trong và ngoài nước. Từ đó, tên gọi Lục Vũ nổi tiếng khắp nơi, và được mọi người tôn xưng là “Trà Thần”.