Tọa đàm khoa học "Kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa của Trung Quốc" diễn ra với sự tham gia của GS,TS Xiang Yong (Hướng Dũng), Viện trưởng Viện Công nghiệp văn hóa, Đại học Bắc Kinh, là diễn giả chính. Chủ đề của tọa đàm xoay quanh việc kết hợp giữa văn hóa và du lịch, cùng những trải nghiệm và bài học từ sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực này .
Tham dự tọa đàm có các cộng sự của GS,TS Xiang Yong (Hướng Dũng); các thầy giáo, cô giáo cùng các nghiên cứu sinh ngành Văn hóa học.
Phát biểu đề dẫn Toạ đàm, PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển bày tỏ: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện có chức năng đào tạo cán bộ trung cao cấp cho hệ thống chính trị; là trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; xây dựng và cung cấp luận cứ khoa học để tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành chủ trương, đường lối, chính sách.
Là một đơn vị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Văn hóa và Phát triển có chức năng nhiệm vụ tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa và phát triển cho chương trình lý luận chính trị cao cấp, đào tạo sau đại học bao gồm Tiến sĩ, Thạc sĩ ngành Văn hóa học và Quản lý văn hóa. Bên cạnh đó, Viện còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng như xây dựng các luận cứ khoa học để tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành đường lối, chính sách về văn hóa.
Một trong các chủ đề nghiên cứu trong những năm gần đây mà Viện quan tâm, đó là phát triển công nghiệp văn hóa. Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng lợi thế trong phát triển công nghiệp văn hóa: cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, mến khách, cần cù, sáng tạo, hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, ...
PGS,TS Vũ Thị Phương Hậu nêu rõ, trong Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định tập trung xây dựng, phát triển ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa là một trong các nhiệm vụ quan trọng để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong quá trình tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, việc tìm hiểu, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, có thể mang lại những gợi mở hữu ích về nhiều phương diện: thể chế, chính sách, nguồn lực, cách thức tổ chức thực hiện để phát triển công nghiệp văn hóa.
Cho rằng, Trung Quốc là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, những năm qua, Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu trong phát triển công nghiệp văn hóa, trở thành một trong các quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành điện ảnh, xuất bản, phần mềm trò chơi giải trí, … Đồng chí Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển mong muốn được tìm hiểu kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa của các nước trên thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm của Trung Quốc.
Trong buổi tọa đàm, GS. Hướng Dũng đã chia sẻ các chính sách và chiến lược thành công của Trung Quốc nhằm phát triển công nghiệp văn hóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp văn hóa vào các hoạt động du lịch, và vai trò của các tổ chức giáo dục trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững. Ông cũng đề cập đến các mô hình hợp tác quốc tế và kinh nghiệm trong việc tổ chức sự kiện văn hóa, giúp nâng cao nhận thức và giá trị văn hóa địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa và du lịch, thể hiện sự chuyển mình của ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.