Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11/2024 đạt 66,4 tỷ USD, giảm 4,1% (tương ứng giảm 2,83 tỷ USD) so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 33,73 tỷ USD, giảm 5,3% (tương ứng giảm 1,9 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 32,67 tỷ USD, giảm 2,8% (tương ứng giảm 933 triệu USD). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11/2024 thặng dư 1,06 tỷ USD.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng/2024 đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 95,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% (tương ứng tăng 46,7 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% (tương ứng tăng 48,62 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng năm 2024 thặng dư 24,31 tỷ USD, thấp hơn 7,3% so với con số thặng dư 26,24 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, theo số liệu chi tiết của Tổng cục Hải quan, sầu riêng tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu mang về kim ngạch lớn nhất của nhóm hàng rau quả.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với kết quả xuất khẩu hiện nay, ngành rau quả Việt Nam sẽ lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, thậm chí có thể vượt mọi dự báo với con số 7,2 tỷ USD trong năm 2024.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, rau quả Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Nguyên nhân do chất lượng rau quả được nâng cao nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt được nhiều tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, Global GAP. Rau quả Việt ngày càng khẳng định được chất lượng, sự tươi ngon, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, kể cả các thị trường khó tính.
“Đặc biệt, Việt Nam cũng có lợi thế khi nằm sát với thị trường Trung Quốc - là thị trường rau quả lớn nhất thế giới với nhu cầu hàng năm lên đến 20 tỷ USD. Vị trí địa lý gần gũi giúp chi phí logistics của rau quả Việt ở mức thấp, thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang thị trường này” – ông Đặng Phúc Nguyên cho biết. Đồng thời khẳng định, năm 2024, dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 năm tới có thể đạt hơn 10 tỷ USD.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 11/2024 đạt 37.288 tỷ đồng, giảm 5,5% so với tháng trước. Số thu NSNN 11 tháng năm 2024 đạt 384.719 tỷ đồng, bằng 102,6% dự toán, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, tình hình buôn lậu, GLTM, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, giảm về số vụ (giảm 19,01%) nhưng tăng về trị giá hàng hóa (tăng 140,3%) so với cùng kỳ năm 2023; gia tăng các vụ việc vi phạm hành chính. Số thu NSNN từ xử lý vi phạm tăng 1.084 vụ (tăng 242% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, số vụ vi phạm tại tuyến đường biển tăng cao chiếm 55,1% số vụ phát hiện, bắt giữ và xử lý, tăng 705,26% so với cùng kỳ năm 2023. Số vụ vi phạm tại tuyến đường bộ giảm 70,02%; tại uyến hàng không, chuyển phát nhanh và bưu điện cũng giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2023. Các vụ việc có dấu hiệu hình sự giảm, số vụ chuyển khởi tố giảm 53 vụ, giảm 76,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, tại địa bàn ngoài cửa khẩu trong các khu công nghiệp nổi lên tình trạng "Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế không đúng mục đích mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan hải quan" để trốn thuế.
Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng pháo nổ, đường kính trắng vẫn tiếp diễn tại địa bàn các tỉnh miền Trung và tuyến biên giới Việt - Lào. Tại các khu vực giáp biên giới Việt - Trung, Việt – Campuchia, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, bách hoá tiêu dùng, thuốc lá điếu, lá thuốc lá. Tình hình vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ, vàng qua biên giới có dấu hiệu gia tăng ở tuyến biên giới Tây Nam (địa bàn các cửa khẩu tỉnh An Giang).
Trước tình hình trên, với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo, cảnh báo toàn ngành tăng cường trong công tác đấu tranh, phòng CBL, GLTM. Trình Bộ dự thảo Kế hoạch cao điểm đấu tranh CBL, GLTM và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính và ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh CBL, GLTM và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Tổng cục Hải quan. Hướng dẫn, cảnh báo trong toàn ngành phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 06/11/2024 của Chính phủ.