TP Cần Thơ: “Ấn tượng” với nhiều kết quả nổi bật của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như xây dựng, phát triển nâng chất các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung nâng cao chất lượng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp đã được đẩy mạnh và nhiều mục tiêu hoàn thành.

Nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Thành phố đến địa phương và điều kiện thời tiết thuận lợi, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ được phát triển ổn định.

Cụ thể, tình hình giá lúa duy trì ở mức cao do nhu cầu xuất khẩu; tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra dịch bệnh, sản lượng thu hoạch thủy sản tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Tốc độ phát triển tổng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản là 2,25% (Kế hoạch năm 2,2-2,5%), đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế thành phố.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Thành phố Cần Thơ đạt được nhiều kết quả nổi bật (ảnh CTT TP. Cần Thơ).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Thành phố Cần Thơ đạt được nhiều kết quả nổi bật (ảnh CTT TP. Cần Thơ).

Còn về tổng diện tích lúa xuống giống 193.448 ha, đạt 95% kế hoạch; sản lượng lúa thu hoạch 907.406 tấn, đạt 74% kế hoạch. Tổng diện tích cây ăn trái là 24.606 ha, sản lượng 104.955 tấn, đạt 54% kế hoạch.

Đối với diện tích thả nuôi thủy sản 3.604 ha, tăng 8% so với cùng kỳ, đạt 42% kế hoạch (cá tra 583 ha); sản lượng (nuôi + khai thác) 121.652 tấn, đạt 56% kế hoạch, tăng 7% so cùng kỳ. Diện tích nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn An toàn vệ sinh thực phẩm như: VietGAP, GlobalGAP, ASC,… đạt 220 ha.

 Chợ nổi Cái Răng của Thành phố Cần Thơ là nơi liên kết, giao thương các sản phẩm nông nghiệp (ảnh CTT TP. Cần Thơ).
 Chợ nổi Cái Răng của Thành phố Cần Thơ là nơi liên kết, giao thương các sản phẩm nông nghiệp (ảnh CTT TP. Cần Thơ).

Hoạt động chăn nuôi thì sản lượng thịt hơi các loại là 19.424 tấn, đạt 65% kế hoạch, trong đó: thịt gia súc 13.854 tấn; thịt gia cầm 5.570 tấn; Trứng: 47.414.100 quả.

Bên cạnh đó, Ngành Nông nghiệp cũng tuyên truyền, hướng dẫn các Hợp tác xã, Doanh nghiệp có nhu cầu liên kết đề xuất dự án/kế hoạch liên kết theo nhu cầu của doanh nghiệp và Hợp tác xã, nông dân. Liên kết sản xuất từng bước đã giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát huy được tiềm năng về đất đai, lao động.

Liên kết sản xuất nông nghiệp đã từng bước giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất vốn có (ảnh CTT TP. Cần Thơ).
Liên kết sản xuất nông nghiệp đã từng bước giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất vốn có (ảnh CTT TP. Cần Thơ).

Hàng năm có trên 30.000 ha diện tích đất sản xuất lúa được nông dân, tổ hợp tác, Hợp tác xã, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời có 1.230 ha diện tích trồng cây ăn trái các loại được công ty, doanh nghiệp liên kết xuất khẩu qua thị trường Mỹ, Úc, Trung Quốc...

Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” toàn thành phố Cần Thơ có 92 sản phẩm OCOP, gồm 58 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ dân và hợp tác xã, trong đó có 2 sản phẩm có tiềm năng 5 sao.

Lãnh đạo thành phố tham quan gian hàng sản phẩm OCOP tại Ngày hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” TP Cần Thơ lần thứ VII năm 2023 (ảnh CTT TP. Cần Thơ).
Lãnh đạo thành phố tham quan gian hàng sản phẩm OCOP tại Ngày hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” TP Cần Thơ lần thứ VII năm 2023 (ảnh CTT TP. Cần Thơ).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thành phố có 26/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ngành Nông nghiệp Thành phố Cần Thơ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương tập trung nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu nâng cao, kiểu mẫu; phấn đấu năm 2023 công nhận 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thanh Phong - Vũ Cừ/VPTNB