Theo nghiên cứu, trà đen làm trà sữa có hương vị mạnh nhất, một số loại có vị đắng và khá chát. Trà đen có thể giảm được nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay tiểu đường, điều hòa lượng đường trong máu, hay chống viêm, chống nhiễm khuẩn rất tốt.
Hỗ trợ tuyệt vời cho sức khỏe tim mạch: Việc uống trà đen có thể giúp bạn phòng ngừa chứng đau đầu, hạ cholesterol, và làm giảm nhẹ tình trạng tăng huyết áp.Việc uống trà đen đều đặn cũng được biết đến là có tác dụng ngăn ngừa tình trạng xơ vữa động mạch (sự tắc nghẽn của các động mạch).
Cung cấp chất chống oxy hóa cho cơ thể: Trà đen rất giàu các chất chống oxi hóa như các polyphenol, catechin, thearubigin, và theaflavin. Các chất chống oxi hóa có thể làm giảm đau ốm và các dấu hiệu của sự lão hóa, bằng cách ngăn chặn những tổn thương của DNA. Cũng chính những chất chống oxi hóa này có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư nhất định.
Hàm lượng cafein và theophylline có trong trà đen đều có tác dụng gây kích thích nhẹ. Một số nguồn tin còn cho rằng việc dùng trà đen có thể ngăn ngừa bệnh loãng xương và tiểu đường type II, nhưng sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác nhận những tuyên bố này.
Tốt cho răng: Miễn là bạn đừng nạp vào mình một li trà ngọt có đường, thì bạn sẽ cải thiện được sức khỏe răng miệng khi uống trà đen. Trà đen ngăn sự tích lũy của mảng bám trên răng, và giết chết các vi khuẩn gây ra lỗ sâu răng.
Hỗ trợ cho sức khỏe đường tiêu hóa: Thật đáng ngạc nhiên là trà đen cũng có thể thể có tác dụng làm dịu êm hệ tiêu hóa. Chất tannin trong trà đen làm nó trở thành một loại đồ uống có giá trị trong việc chữa bệnh tiêu chảy và các vấn đề khác của hệ tiêu hóa.
Giữ cho xương chắc khỏe: Các hóa chất thực vật có tên là Phytochemical có trong trà đen có khả năng giảm nguy cơ bị viêm khớp trong cơ thể của bạn, đồng thời giúp chắc khỏe xương.
Cách pha trà sữa bằng trà đen chuẩn vị tại nhà
Theo các chuyên gia, để pha được một ly trà sữa trà đen thơm ngon, tròn vị, ngoài nắm vững các nguyên liệu, công thức pha chế, bạn cũng cần chuẩn xác về mặt thời gian và kĩ thuật ủ trà. Theo đó, người pha cần lưu ý về nhiệt độ, tỷ lệ trà, thời gian ủ giúp trà tiết ra được vị ngon đặc trưng, không quá nhạt cũng không quá đậm, tránh làm mất đi màu sắc và đảm bảo dậy mùi thơm ngon khi thưởng thức.
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Trà đen: 20 gr; sữa tươi không đường: 100 ml; đường cát trắng: 30 gr; nước nóng: 200 ml; trân châu trắng, trân châu đen. Bình lắc pha chế hoặc máy xay sinh tố, rây trà, ly thủy tinh, dụng cụ đong, muỗng…
Bước 1: Cho 200 ml nước sôi (khoảng 80 - 90 độ C) vào trà đen. Ủ trà đen trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút để trà tiết vị ngon vừa đủ. Sau đó, sử dụng rây để lọc hết bã trà, chỉ giữ lại phần nước trà.
Bước 2: Sau khi đã ủ trà, bạn thêm vào các nguyên liệu gồm: đường cát trắng, sữa tươi không đường vào. Dùng muỗng khuấy đều để hỗn hợp tan nhanh và hòa quyện mùi vị cùng nhau. Bạn cũng nên chờ một lát để hỗn hợp được nguội bớt, nếu không đá sẽ tan sớm làm nhạt vị của trà sữa.
Bước 3: Bỏ hỗn hợp vào bình lắc, thêm đá viên và lắc đều tay. Lưu ý lắc đến khi tay bạn chạm vào thành bình mà cảm nhận được độ lạnh của trà thì hãy rót ra ly. Nếu không có bình lắc chuyên dụng, có thể thay thế bằng máy xay sinh tố. Cuối cùng, đừng quên thêm vào trân châu (trân châu trắng hay đen tùy sở thích).
Lưu ý, nếu bạn cho quá nhiều trà đen hay thời gian ủ trà không đúng cách khiến ly trà sữa trà đen hơi đắng, hãy thêm vào 1 ít mật ong để cân bằng vị nhé. Mật ong sẽ giúp món uống thêm thơm ngon mà vẫn không hề ảnh hưởng đến vị trà đúng điệu. Cần chờ cho trà nguội trước khi thêm sữa tươi hay bột sữa, điều này giúp trà giữ được hương vị vốn có mà vẫn toát lên mùi thơm ngon, ngọt béo của các nguyên liệu tự nhiên đi cùng.
Văn Chung