Cụ thể, tỉnh Hải Dương đã cấp phép cho 44 dự án mới với tổng vốn đăng ký là 184,5 triệu USD, điều chỉnh tăng 105,9 triệu USD cho 25 lượt dự án, còn lại là vốn mua cổ phần của 9 lượt góp vốn.
Các dự án FDI đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Với gần 300 triệu USD vốn FDI thu hút được trong 8 tháng đầu năm, tỉnh Hải Dương đạt được 73% kế hoạch năm 2023 (410 triệu USD) và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Đến nay, có khoảng 260/332 dự án đầu tư thứ cấp trong KCN đã triển khai đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ trên 78% tổng số dự án thứ cấp trong KCN; số dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để đảm bảo đủ điều kiện xây dựng nhà xưởng, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính thức.
Các dự án đầu tư trong KCN chủ yếu là dự án FDI thuộc các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (Đài Loan, Hồng Kông), Anh,... với công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm sản xuất chủ yếu là các mặt hàng điện - điện tử, dây cáp điện dùng cho ô tô và xe máy, may mặc, nhựa, bao bì,….
Các dự án đi vào hoạt động đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn; sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật phù hợp với công nghệ mới, đã đóng góp phần không nhỏ vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; đặc biệt các dự án FDI trong KCN đã tạo sức kéo, điều kiện tốt cho các dự án DDI tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ năng quản trị hiện đại.
Hiện toàn tỉnh có 514 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 9,38 tỷ USD. Tỉnh phấn đấu trong năm 2023 thu hút 410 triệu USD vốn FDI.
Tiến Hoàng