Trồng cây trà với số lượng nhiều để chế biến thành phẩm thương mại thì không dễ nhưng trồng để lấy lá trà xanh nấu nước uống ở nhà thì không có gì khó cả. Để trồng cây trà xanh (hay còn gọi là cây chè xanh) ở nhà thì việc đầu tiên cần làm đó là mua cây trà xanh giống. Không nên trồng từ hạt giống trà xanh vì trồng từ hạt rất là khó chứ không đơn giản. Kể cả người trồng trà họ cũng chọn cách mua cây giống hoặc chiết cành thay vì hạt. Mua cây giống để trồng sẽ dễ cho quá trình chăm sóc và sự phát triển của cây.
Nên chọn mua cây trà xanh đã lớn một chút, cao khoảng 30-40cm trở lên. Đừng ham rẻ mua cây nhỏ bởi quá trình vận chuyển va đập rất dễ chết. Cũng không nên mua cây chè xanh cổ thụ. Giá cây chè xanh cổ thụ vừa cao, lại vừa khó vận chuyển, lại rất khó chăm sóc ở miền Nam.
Chậu trồng cây trà nên có chu vi tầm 40-50cm là đủ. Cây trà xanh lớn chậm nên mua chậu nhỏ, chừng vài năm nếu muốn có thể thay chậu to hơn. Và quan trọng nhất là bạn nên mua thêm sỏi hay đất nung để lót dưới đáy chậu. Cây trà xanh là loài cây thích nghi rất tốt với môi trường nhưng cây lại rất sợ úng. Thế nên bạn cần lót sỏi hay đất nung để thoát nước cho dễ.
Tóm tắt ngắn gọn thì khi ra cửa hàng cây cảnh thì bạn cần phải mua 3 thứ: đất sạch, chậu cây và sỏi. Đất sạch hay đất trồng cây cảnh là nhà sản xuất đã trộn sẵn tỷ lệ tạm ổn rồi. Bạn không cần mua thêm gì khác nữa.
Khi đã có cây trà xanh giống, đất và chậu thì chúng ta sẽ tiến hành trồng cây trà. Đầu tiên đó là bạn cần rải một lớp sỏi mỏng tầm 2 cm là được. Sau đó cho đất sạch vào đầy 1/2 chậu. Để cây trà xanh vào chính giữa chậu. Sau đó tiếp tục đổ đất vào gần đầy chậu là được. Để chậu cây ở nơi có nhiều nắng sớm hoặc nhiều ánh sáng nhất trong khu vực nhà bạn.
Đối với cây trà xanh thì bạn chỉ cần tưới nước hàng ngày và để cây ở nơi có nhiều nắng sớm là được. Việc cho cây quang hợp là điều bắt buộc. vì khi cây quang hợp thì mới chuyển hoá amino acid sang polyphenol nhiều. Mà polyphenol của cây trà xanh chính là những thành phần có ích cho sức khoẻ nhất. Tuy nhiên, cây quang hợp quá nhiều thì nước trà sẽ rất đắng. Cây trà ưa khí hậu ẩm, đất chua và cần được che bóng ở một mức độ nhất độ nhất định để đảm bảo hương thơm.
Chăm bón cây nên bón phân hữu cơ là tốt nhất. Phân hữu cơ bao gồm phân bò, phân dê hay trùn quế. Phân bò là rẻ nhất nhưng khi mua phải hỏi chỗ bán là ủ hoai hay chưa. Nên mua loại đã ủ hoai. Phân bò chưa ủ hoai không nên bón cho cây trà, quá nóng sẽ dẫn đến hỏng rễ. Khi bón phân bò thì nên rải sát miệng chậu. Đừng ném thẳng vào gốc. Bất kỳ phân bón rễ nào cũng phải rải xa gốc 15-20cm. Cầu kỳ hơn, bạn có thể bón thêm đạm hay phân vô cơ NPK. Bón theo tỷ lệ mà nhà sản xuất hướng dẫn.
Thường bón đạm thì cây trà sẽ rất sai lá. Chưa kể nước nấu cũng rất xanh. Thế nên nhiều người cứ thích bón thúc đạm để cây có nhiều lá, tuy nhiên nước trà bị thúc đạm sẽ rất đắng. Trà thúc đạm chẳng có bao nhiêu chất cả.
Thường ta bẻ cả cành lá nấu nước uống gọi là nước chè xanh. Lá non và búp trà xanh được thu hái vào mùa xuân. Mùa ra hoa tháng 9 – 12, quả chín vào tháng 10 – 11 năm sau. Khi hái lá trà xanh thì bạn nên hái phần lá non ở trên và giữa thân trở lên. Lá non không chỉ vừa uống ngon mà lại có nhiều thành phần chống oxy hoá nhất.
Sau khi hái thì nên nấu ngay thì lá trà ngay khi lìa cành là đã bắt đầu oxy hoá dần dần. Để lâu không nấu thì lá trà sẽ tự ‘lên men’ và mất đi các nhóm chất catechin cũng như diệp lục tốt cho sức khoẻ.
Hương Trà