Từ 1-7, vi phạm giao thông sẽ bị tạm giữ giấy tờ trên VNeID

Từ ngày 1-7, người dân sẽ xuất trình thông tin các giấy tờ liên quan đến người lái và xe cho lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý. Nếu vi phạm giao thông sẽ bị tạm giữ giấy tờ trên VNeID

Theo Thông tư 28, bổ sung và sửa đổi một số điều của Thông tư 32 và Thông tư 24, đã chính thức có hiệu lực, người dân sẽ phải xuất trình thông tin các giấy tờ liên quan đến người lái và xe cho Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý.

Cụ thể, theo điểm g khoản 2 Điều 21, trong trường hợp các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện giao thông đã được tích hợp và cập nhật vào căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID, hoặc trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý, thì khi cần tạm giữ giấy tờ, người có thẩm quyền sẽ thực hiện việc này trên môi trường điện tử. Thông tin về việc tạm giữ sẽ được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ với Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý. Người vi phạm và chủ phương tiện (nếu giấy tờ liên quan đến chủ phương tiện) sẽ được thông báo để tuân thủ các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hỗ trợ lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Từ 1/7, nêu vi phạm giao thông sẽ bị tạm giữ giấy tờ trên VNeID. Ảnh minh họa
Từ 1/7, nêu vi phạm giao thông sẽ bị tạm giữ giấy tờ trên VNeID. Ảnh minh họa

Các loại biên bản và quyết định của người có thẩm quyền trong việc tạm giữ và trả lại giấy tờ sẽ được thực hiện theo biểu mẫu quy định của pháp luật, và có thể được lập và gửi bằng phương thức điện tử thông qua ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) hoặc các ứng dụng và hệ thống thông tin điện tử khác khi đủ điều kiện kỹ thuật.

Theo Thông tư 28, Bộ Công an đã sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 27. Cụ thể, khi trả lại tang vật, phương tiện, giấy tờ bị tạm giữ hoặc bị tước quyền sử dụng theo thủ tục hành chính cho người bị xử phạt, nếu các thông tin này đã được cập nhật trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) hoặc cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý, người có thẩm quyền sẽ ra quyết định và lập biên bản trả lại giấy tờ cho người bị xử phạt. Hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính sẽ đồng bộ thông tin với ứng dụng định danh quốc gia và cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để gỡ bỏ thông tin về việc tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng giấy tờ đó.

Ngoài ra, Thông tư 28 cũng sửa đổi và bổ sung điểm c khoản 2 Điều 27 và điểm d khoản 2 Điều 27 về căn cứ trả lại giấy tờ sau thời gian tạm giữ, cũng như gỡ bỏ thông tin tạm giữ giấy tờ trên ứng dụng, nhằm phù hợp với quy định mới.

Về trường hợp tài xế vi phạm bị tạm giữ giấy tờ trên hệ thống VNeID nhưng sau đó tiếp tục vi phạm giao thông và xuất trình giấy tờ bản cứng (giấy tờ vật lý), đại diện Cục CSGT cho biết: “Khi giấy phép lái xe (GPLX) bị tước, cán bộ sẽ nhập dữ liệu trên hệ thống để thông tin về thời gian bị tước. Do đó, việc sử dụng giấy phép lái xe vật lý sẽ không có hiệu lực.”

Việc áp dụng các quy định mới trong Thông tư 28 không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý vi phạm giao thông mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điện tử. Sự đồng bộ hóa thông tin trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) và cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính phức tạp, tăng cường tính minh bạch và chính xác trong việc xử lý vi phạm. Đây là bước tiến quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa và số hóa các dịch vụ công, góp phần xây dựng một xã hội văn minh và an toàn hơn.

Nguyễn Tuấn Dũng

Từ khóa: