Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
Phát biểu khai mạc Lễ hội, ông Dương Đình Ổn, Chủ tịch UBND quận Hải An nêu rõ, Lễ hội Từ Lương Xâm là sự kiện văn hoá lớn của quận Hải An nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về thân thế, sự nghiệp, tri ân công lao to lớn của người Anh hùng dân tộc Ngô Quyền về chiến thắng Bạch Đằng lịch sử và Di tích Từ Lương Xâm - Đại bản doanh của Ngô Quyền năm 938. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, động viên nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng của quận năm 2024. Đồng thời, quảng bá, tạo sự đồng thuận, huy động các nguồn lực bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích ngày càng khang trang, bề thế, quyết tâm xây dựng Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia Từ Lương Xâm trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt.
Sau phần Lễ khai mạc: các hoạt động phần hội sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 24/2 đến 27/2 với các hoạt động thể thao như: bóng chuyền, kéo co, nhẩy bao bố, cờ tướng; các trò chơi dân gian: bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập liêu, hội thi chim chào mào hót, viết thư pháp và Đêm văn nghệ do Đoàn Chèo Hải Phòng biểu diễn vào 19h30, ngày 24/2 tức ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn..
Di tích Từ Lương Xâm được Bộ Văn hóa Thông tin nay là (Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1986, chứa đựng nhiều nội dung liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938 của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo Ngô Quyền; được coi là Đài tưởng niệm vị Anh hùng dân tộc Ngô Quyền - Ông Tổ trung hưng của nền độc lập Việt Nam.
Từ Lương Xâm chứa đựng nội dung liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938 của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo mưu trí, sáng suốt của Ngô Quyền, đập tan quân xâm lược Nam Hán, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ cho dân tộc. Từ Lương Xâm là một Đài tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền - Ông tổ trung hưng của nền độc lập nước nhà. Theo thông lệ, từ Lương Xâm là từ “Cả” trong các di tích thờ Ngô Quyền ở Hải Phòng nên ở đây mở hội trước từ ngày 16 tháng Giêng, sau đó, các làng xã khác mới được mở hội và trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của dân làng.
Theo Nhà sử học Ngô Thì Sĩ thế kỷ thứ XVI: Thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc phục hồi lại quốc thống, vang dội đến nghìn thu, há chẳng phải lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu.
Giá trị văn hóa, lịch sử hướng tới Di tích Quốc gia đặc biệt
Từ Lương Xâm tọa lạc trên một khu đất rộng, cao ráo, ở phía Đông Bắc của phường Nam Hải. Mặt chính của di tích nhìn về phía Đông trông ra cửa biển Bạch Đằng. Tương truyền để chuẩn bị cho trận Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền chọn nơi đây làm nơi chứa lương thảo, nơi đóng đại bản doanh để quan sát và chỉ huy trận Bạch Đằng lịch sử. Ông đã chọn một vị trí thuận lợi để trực tiếp chỉ huy việc xây dựng bãi cọc, bố trí lực lượng, tổ chức trận địa mai phục sẵn sàng tiêu diệt quân xâm lược Nam Hán...
Nơi đây vẫn còn vết tích của đường vành Kiệu. Đó là một thành đất đắp trên gò cao cách cửa biển Bạch Đằng không đầy 3 km. Thành có hình giống như vành kiệu nên nhân dân quen gọi là thành Vành Kiệu. Thành Vành Kiệu có chu vi khoảng 1.700m. Trải qua thời gian, mưa nắng và biến động của thiên nhiên vùng biển, thành đã bị phá hủy nhiều đoạn, có đoạn không để lại dấu tích gì, có đoạn dài đến gần 400m trong thời nhà Mạc thế kỷ 16 được san ra làm đường nhà Mạc. Riêng phần còn lại, dấu vết rõ rệt có hình giống như vành kiệu dài gần 1.300m, bề rộng trung bình 1m, có chỗ rộng 7m, cao khoảng 0,8m, chỗ cao nhất 1,6m.
Ở hai bên nhà Thiêu hương là 2 nhà Giải vũ. Nhà giải vũ bên trái của di tích đang lưu giữ 3 chiếc cọc là chứng tích của trận địa cọc Bạch Đằng. Trong trận này, Ngô Quyền dùng kế sách cắm cọc nhọn đầu bịt sắt ở cửa biển, lợi dụng con nước thủy triều tạo nên một trận địa cọc tiêu diệt quân Nam Hán làm nên chiến thắng lưu danh sử sách. Năm 2008, Bảo tàng Hải Phòng tiến hành giám định và kết luận 3 chiếc cọc tại nhà Giải vũ ở từ Lương Xâm có niên đại từ thế kỷ X. Cọc thứ nhất dài 220cm, chu vi 50cm, cọc 2 dài 147cm, chu vi 39cm, cọc 3 dài 206cm, chu vi 55cm, đầu cọc nhọn. Nhà Giải Vũ bên phải có thờ một chiếc thuyền rồng, biểu tượng cho trận thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng năm 938.
Tiếp theo nhà Thiêu hương tới gian Hậu cung. Hai bên gian ngoài Hậu cung là ban Tiên công và ban Tiên phối. Ngoài ra, hai bên còn có ban thờ vọng Ngô Quyền trên có treo ảnh đền, lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) và ban thờ áo, mũ của Ngài. Ở gian giữa nhà Hậu cung đặt 2 pho tượng quan hầu mặc xiêm y triều phục, tay trái cầm gươm, tay phải đặt trước ngực, tượng đứng trong tư thế phụng hầu. Tương truyền đó chính là Đào Nhuận và Nguyễn Tất Tố - 2 vị tướng trẻ người làng Gia Viên có công giúp Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán.
Trong cùng gian Hậu cung là cung cấm, là nơi thâm nghiêm đặt tượng Đức Vương Ngô Quyền. Trước cửa cung cấm có một bức đại tự với dòng chữ Hán: “Thánh cung vạn tuế”. Thần tượng Đức Vương Ngô Quyền ngồi trên long ngai, đặt trong long khám sơn son thếp vàng trong tư thế thiết triều, đầu đội vương miện, thân khoác áo long bào đỏ thêu rồng phượng.
Đáng chú ý, phía bên trái khuôn viên mở rộng của Từ Lương Xâm là tượng đài Đức Vương Ngô Quyền dựng năm 2010. Kích thước tượng là 9,27m x 5,64m x 3,92m. Chiều cao bệ tượng: 2,1m. Chiều cao tượng + bệ: 11,37m. Chất liệu xây dựng bằng đá đúc Granit phủ đồng điện phân. Tượng nhìn về phía Đông, phía cửa sông Bạch Đằng - nơi diễn ra trận Bạch Đằng lịch sử năm 938. Tượng đứng trong tư thế như đang chỉ huy trận chiến, tay phải chỉ thẳng về phía cửa sông Bạch Đằng như đang điều hành trận đánh, tay trái đặt lên chuôi gươm. Công trình xây dựng tượng đài Đức Vương Ngô Quyền có ý nghĩa lớn đối với nhân dân quận Hải An, đó là biểu tượng về lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết và tự hào dân tộc.
Trong khu Di tích còn lưu giữ nhiều đồ thờ tự, tế khí quý được xếp vào loại cổ vật, di vật. Trong đó có những cổ vật có giá trị lớn: nhang án, kiệu bát cống và đặc biệt còn lưu giữ được 25 đạo sắc phong gốc và hơn 20 sắc phong được sao lại, có niên đại từ năm 1522 đến năm 1924, của các triều đại Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn. Trong các sắc phong đó, nhiều triều đại suy tôn Đức Vương Ngô Quyền là “Thượng đẳng tối linh đại vương” là “Ngô Vương Thiên tử”.
Ngày 11/02/2022, Bộ VH-TT&DL ban hành Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 16/2/2022, UBND quận Hải An long trọng tổ chức lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm kỷ niệm 1084 năm chiến thắng Bạch Đằng và 1078 năm ngày mất của Đức vương Ngô Quyền. Quận Hải An triển khai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Từ Lương Xâm, mở rộng diện tích từ 3ha lên 6,4ha; huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo đưa Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Từ Lương Xâm sớm được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt.
Ngô Quảng