Ông Trần Hải Tuyên – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, đối với sản xuất chè của Tuyên Quang cũng bị tác động khá mạnh từ đại dịch covid, sức tiêu thụ của thị trường chậm, vận chuyển khó khăn, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường hầu như bị đình trệ dẫn đến hàng hoá bị tồn đọng, đặc biệt là mặt hàng chè phục vụ xuất khẩu, tại nhiều doanh nghiệp sản xuất chè lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn đang còn tồn hàng nghìn tấn chè thành phẩm chưa tiêu thụ được, thị trường nội tiêu sức tiêu thụ cũng chậm.
Hiện toàn tỉnh có 8.468 ha chè, trong đó hơn 7.900 ha chè đã thu hoạch. Trồng chè đã mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu đang tạm thời đóng băng, các doanh nghiệp xuất khẩu chè trên địa bàn tỉnh đang tồn gần 3.000 tấn.
Tại Công ty TNHH Thành Long (Sơn Dương), sản phẩm trà Thành Long đang có thị trường tiêu thụ chính là các nước Trung Đông. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề do chè không tiêu thụ được. Ông Nguyễn Trác Long, Giám đốc Công ty TNHH Thành Long cho biết, ảnh hưởng từ dịch bệnh, thị trường xuất khẩu chè truyền thống như Pakistan, Afghanistan bị “đóng băng”, nhiều đối tác tạm hoãn các hợp đồng, ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn của đơn vị. Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, ngoài các chính sách hỗ trợ từ UBND tỉnh và các ngân hàng, như giãn giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng... đơn vị hiện cũng đang tìm kiếm thêm các đối tác mới, mở rộng thị trường tiêu thụ chè ở thị trường nội địa, sang các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh...
Công ty chè Mỹ Lâm bên cạnh việc phát triển thương hiệu, với những kế hoạch dự phòng cũng như đưa lợi ích của người dân lên hàng đầu, Ông Lê Quang Chuyền - Giám đốc Công ty chè Mỹ Lâm chia sẻ, mặc dù ảnh hưởng từ dịch covid-19 tới việc phát triển thương hiệu cũng như sản xuất hàng hóa, nhưng công ty vẫn luôn đảm bảo cuộc sống của người được ổn định.
Theo ông Chuyền, phát triển chuỗi giá trị chè an toàn, bền vững, chất lượng trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp được công ty triển khai thực hiện trong nhiều nằm trở lại đây với mục tiêu là đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Kèm theo đó, tham gia vào liên kết sản xuất cũng là lợi ích rõ nhất khi thu nhập của người làm chè tăng từ 30% đến 40%.
Trước đây Công ty cũng đã thực hiện liên kết với người nông dân theo hình thức ký hợp đồng với từng hộ nhưng cách làm này không hiệu quả vì quản lý khó do các hộ có diện tích ít, manh mún. Công ty đã thành lập Tổ sản xuất chè an toàn theo từng nhóm hộ có diện tích chè gần nhau. Các hộ tham gia liên kết này là tự nguyện, có điều lệ hoạt động được người dân tham gia cùng xây dựng.
Với nền tảng bao tiêu vững chắc, người dân yên tâm đầu tư và thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, thu hái chè. Đồng thời, người nông dân đầu tư máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ít hơn. Nếu như trước đây, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 2 lần/lứa thì đến nay chỉ cần sử dụng 1 lần/lứa cho nên vừa giảm tiền mua thuốc vừa giảm công phun thuốc. Phân bón cho chè đảm bảo chất lượng vì được Công ty cung ứng và giá thấp hơn so với giá thị trường. Người nông dân cũng giảm được chi phí đầu tư mua máy cắt cỏ, máy hái chè vì các thành viên trong tổ cùng dùng chung với nhau.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, muốn phát triển bền vững, sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Giờ đây, công ty và người dân liên kết với nhau dựa trên việc phân công công việc cụ thể. Người nông dân được công ty trả lương để chăm sóc vườn chè của chính gia đình.
Để thực hiện các giải pháp vừa đảm bảo phát triển của ngành chè Ông Trần Hải Tuyên – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, đối với sản xuất chè tại các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn nhân dân duy trì thực hiện các biện pháp đầu tư thâm canh bảo đảm cho cây chè ổn định năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tiếp tục thu mua hết nguyên liệu trong nhân dân với giá thu mua hợp lý, bảo đảm nguồn lực để nhân dân duy trì đầu tư cho cây chè. Việc quảng bá, giới thiệu, mở rộng tiêu thụ cũng được các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chủ động với nhiều hình thức mới như: Bán hàng Online, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng của tỉnh và các sở ngành, ... đồng thời đẩy mạnh liên hệ với các khách hàng truyền thống để tháo gỡ khó khăn, tăng sức tiêu thụ sản phẩm.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Huy Đức