Cây chè được cho là đã xuất hiện ở Việt Nam từ thời Hùng Vương mà khởi nguồn là Phú Thọ - vùng đất gắn liền với hình ảnh “rừng cọ, đồi chè” thơ mộng. Văn hóa uống trà của người Việt không kiểu cách như người Trung Quốc, cũng không nhuốm màu tôn giáo như người Nhật Bản mà luôn lấy tự nhiên làm gốc. Thưởng trà là sự tìm về những tinh túy của trời đất được kết tinh trong từng lá trà, giọt nước hay hương hoa ướp cùng.
Hà Nội là Thủ đô, trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị, nơi gặp gỡ của những giá trị văn hóa tinh túy nhất cả nước. Đảm nhiệm vai trò là đầu não, trái tim của đất nước, nên trong quá trình giao lưu và hội nhập, Hà Nội luôn là điểm đi tiên phong để đón nhận những giá trị văn hóa, những bước chuyển mình mạnh mẽ nhất. Người Hà Nội tài hoa, thanh lịch trong từng cử chỉ và lời nói. Nét tinh tế được thể hiện trong lối sống, trong từng sản phẩm làm ra. Những thức quà Hà Nội dù nhỏ bé, đơn giản, mộc mạc nhưng chất chứa nhiều tâm huyết cũng như bí quyết độc đáo để không thể trộn lẫn, ít nơi nào có thể sánh được.
Hà Nội không phải là mảnh đất trồng trà nhưng lại là nơi đánh dấu, là điểm nhấn để khẳng định sự tồn tại và phát triển của nền văn hóa trà Việt. Nơi đây là địa điểm giao thương và buôn bán những sản vật quý của từng địa phương, nơi hội tụ những mặt hàng có giá trị và tinh tế nhất. Và trà cũng là một trong những sản phẩm được người Hà Nội xưa rất ưa chuộng, nâng niu.
Theo sử sách ghi lại, hình thức uống trà được khởi nguồn từ các chùa chiền. Như vậy, cũng có nghĩa, việc thưởng trà gắn liền với đạo Phật của người Việt, và hình thức thưởng trà này được gọi là Thiền Trà. Các nhà sư thường thưởng trà vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn để tỉnh táo và giữ tâm trí thanh tịnh. Hình thức thưởng trà này đã được nâng lên thành nghi lễ Thiền Trà. Từ chùa chiền, hình thức thưởng trà nhanh chóng được ưa chuộng ở nơi cung đình trong suốt thời kỳ phong kiến. Chỉ có những người thuộc tầng lớp vua quan, quý tộc quyền quý mới thưởng thức trà theo những hình thức cầu kỳ, còn người dân bình thường chỉ uống chè tươi.
Với những người “nghiện” trà, một ấm trà ngon phải hội tụ đủ 5 yếu tố: Nhất thủy (nước), nhì trà (chè), tam bôi (chén), tứ bình (ấm), ngũ quần anh (bạn trà). Yếu tố nước được cho là quan trọng nhất để làm nên ấm trà ngon, bởi chỉ có thứ nước tinh khiết mới giúp trà giữ được hương vị. Người Hà Nội xưa thường pha trà bằng nước mưa hay những giọt sương mai đọng trên lá sen ban sớm. Đun nước cũng là một nghệ thuật khi người pha phải khéo léo đun nước sôi vừa tới. Nhiệt độ cao sẽ làm “cháy” và mất mùi vị của trà. Nếu nhiệt độ không đủ, trà sẽ mất hương vị.
Yếu tố quan trọng thứ hai là chất lượng trà. Người Hà Nội có sự tinh tế riêng khi ướp trà với hoa nhài, cúc, sói, ngâu, sen. Tinh tế và đặc biệt hơn cả vẫn là trà được ướp với những bông sen trồng ở hồ Đầm Trị (phường Quảng An), hồ Đình (phường Quảng Bá) thuộc quận Tây Hồ. Đây là những đầm sen cổ - nơi có chất bùn đặc biệt tạo nên những bông sen với hương thơm thanh thuần, được người sành chọn để ướp trà theo cách đặc biệt.
Hà Nội cũng chính là “chiếc nôi” sản sinh ra cách uống trà ướp hương hoa. Các loại hoa ướp trà phải là thứ hoa quý, thanh tao như hoa ngâu, hoa sói, hoa nhài, hoa sen, hoa cúc... Đặc biệt, trà ướp hương sen là thứ trà rất quý chỉ dùng để tiếp khách tri âm hoặc làm quà biếu. Mỗi cân trà mạn ngon ướp từ 1000 - 1200 bông sen Hồ Tây và phải là thứ sen chưa bóc cánh với độ hương cao nhất. Trà sen loại đặc biệt, giá lúc nào cũng ở mức 2 - 3 chỉ vàng một cân. Ở Hà Nội, hiện còn khoảng 5 - 6 gia đình làm loại trà này.
Sau khi chọn những búp non, lá bánh tẻ rửa sạch, người ta cho trà vào chõ đồ chín, phơi khô; tiếp đó lần lượt rải một lớp trà rồi một lớp gạo sen mỏng cho đến khi hết trà. Cuối cùng, người ta phủ lên trên một lớp giấy bản để hương sen thấm vào trà và không bị ẩm. Ngoài ra, người Hà Nội ngày nay còn duy trì cách ướp trà trong búp sen đương độ tươi nhất và bảo quản trong túi nilon hút chân không. Bằng cách này, trà có thể để được lâu mà vẫn giữ trọn hương thơm.
Với người Hà Nội, uống trà là một thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, người ta phải để vào đó nhiều công phu. Những công phu đó, dần trở thành lễ nghi. Trong ấm trà ngon, người ta thấy phảng phất một mùi thơ và một vị triết lý. Các chân trà nhân từ xưa đã rất chú ý đến nghệ thuật thưởng trà với nhiều loại trà cụ cần thiết để làm sao cho người uống cũng có thể cảm nhận và thể nghiệm giống như các thiền sư. Dùng thìa gỗ múc trà cho vào ấm đất nung nhỏ, được gọi là “ngọc diệp hồi cung”. Để có được chén trà ngon thì bình trà và tách uống trà phải được làm nóng lên bằng nước sôi. Trà cụ dùng để xúc trà, lấy bã trà đều bằng tre khô hoặc gỗ thơm. Khi châm nước lần một gọi là “cao sơn trường thủy” rồi chắt ngay ra. Lần thứ hai đổ nước vào ấm gọi là “hạ sơn nhập thủy” nên đổ nước cao, tràn miệng bình để khi đậy nắp lại, bụi trà tràn ra hết, rồi dội nước sôi lên nắp để giữ nhiệt độ cao nhất cho ấm trà. Nước hai là nước ngon nhất, có hương vị đượm đà, thơm tho níu quyến. Khi rót trà phải chuyên đều các chén sao cho nồng độ trà như nhau bằng cách kê khít miệng chén lại và đưa vòi ấm quay vòng.
Tuy nhiên, văn hóa thưởng trà cũng như những hoạt động khác trong đời sống theo dòng vận động của thời gian và nhịp sống hiện đại đã có những thay đổi tất yếu. Nghệ thuật thưởng trà của người Hà Nội ngày nay là sự pha trộn của nhiều phong cách khác nhau. Điều này đã làm cho diện mạo văn hóa trà Hà Nội “thay da đổi thịt” đi rất nhiều.
Không chỉ còn là cách thưởng trà tại gia trịnh trọng như xưa, không chỉ bó hẹp đối tượng thưởng thức là những người “sang” và “nhàn” nữa mà hiện nay, văn hóa thưởng trà của người Hà Nội là sự tổng hợp của nhiều phong cách trà khác nhau, từ văn hóa trà châu Âu đến những quán trà mang đậm phong cách trà Trung Hoa, hay những quán trà mang phong cách rất Việt,… Thưởng trà theo những phong cách ngoại nhập ở Hà Nội hiện nay đã đem lại nhiều hình thức mới lạ, cũng như đã đem đến văn hóa trà Hà Nội một diện mạo mới nhiều sắc thái hơn. Hiện đại và truyền thống, mới và cũ đan xen lẫn nhau đã đem trà đến gần với đời sống của nhân dân hơn. Phong cách thưởng trà truyền thống dường như kén khách, nhưng ngày càng được sự quan tâm chú ý hơn của giới trẻ. Nhưng nhìn chung, thưởng trà theo bất kỳ phong cách nào thì điều quan trọng ở người thưởng trà là cái tâm với trà. Để thưởng thức được hương vị của trà, người thưởng trà phải có những hiểu biết về trà mới mong cảm nhận được giá trị đích thực của nó, nếu không thì thưởng trà cũng chỉ là một cách thay thế cho uống nước lọc bằng uống một loại nước có màu mà thôi.
Ngày xưa, các cụ chuộng thưởng trà tại gia với những bàn trà đặt ở không gian thoáng đãng, có cây cảnh, chim cảnh để vừa thưởng trà, vừa giao hòa với thiên nhiên. Nhưng ngày nay, không gian tại các gia đình ở Hà Nội bị thu hẹp đi rất nhiều. Chỉ còn rất ít những gia đình dành một khoảng sân nhỏ để đặt bàn trà. Phần lớn nhu cầu không gian thưởng trà được lựa chọn là các quán trà. Cũng bởi một phần tại các quán trà sẽ phục vụ rất nhiều loại trà phù hợp với sở thích riêng của mỗi người, mỗi lứa tuổi. Ngoài ra, đến với các quán trà, người ta có thể gặp những người cùng chung sở thích nói chuyện, đàm đạo về một lĩnh vực nào đó. Mục đích của cuộc thưởng trà sẽ quyết định đến không gian thưởng trà nhất định. Ngoài ra, thời điểm thưởng trà cũng là yếu tố quyết định đến không gian thưởng trà. Những người Hà Nội hoài cổ thường thích dậy từ sáng sớm tinh mơ ngồi thưởng trà độc ẩm để ngắm cảnh đất trời. Và thời điểm thưởng trà này dù muốn hay không thì chúng ta cũng không thể ra quán thưởng trà được. Thời điểm buổi chiều sau khi tan sở hoặc buổi tối sau bữa ăn, mọi người muốn ngồi lại bên nhau thưởng thức ấm trà nóng cùng gia đình người thân hoặc bạn bè.
Văn hóa thưởng trà của người Hà Nội hiện nay đã có những thay đổi lớn so với thời xưa, có những thứ vốn được nâng niu và cầu kỳ thì nay dần bị “mòn” theo thời gian. Đây cũng là điều khiến cho không ít người tâm huyết với trà Việt phải nhức lòng, hy vọng phục dựng một nền văn hóa trà truyền thống với những nét tinh tế, thể hiện diện mạo con người Hà Nội hào hoa, lịch lãm. Tuy nhiên, không thể không khẳng định sự phát triển đa dạng của văn hóa trà Hà Nội hiện nay là một bức tranh đa màu sắc. Điều này góp phần giúp trà Việt dần thể hiện được “gam màu dân tộc” riêng biệt. Sự thay đổi diện mạo văn hóa trà Hà Nội là một sự thay đổi tất yếu không tránh khỏi, để bảo lưu được những giá trị tốt đẹp và tinh tế ấy cần có nhiều hơn nữa những tấm lòng, những trái tim tâm huyết với trà Việt mà đỉnh cao là văn hóa thưởng trà của người Hà Nội.